(HNM) - Công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch sản phẩm động vật được các ngành chức năng của Hà Nội chỉ đạo khá quyết liệt, song tình hình chuyển biến chậm là do giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, gây khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Hoàn thiện hệ thống giết mổ
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nhằm quản lý chất lượng thịt bán trên thị trường, Hà Nội phải xây dựng được các lò giết mổ tập trung. Để làm được việc này, đề nghị các huyện, thị xã căn cứ nội dung quy hoạch theo Quyết định 5791/QĐ-UBND, ngày 12-12-2012, của UBND TP Hà Nội về “Xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2020”. Theo đó, ưu tiên bố trí quỹ đất cho quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung kết hợp với thực hiện xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khi thực hiện quy hoạch giết mổ gắn với nâng cấp, xây dựng khu bán thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Đồng thời, hình thành hệ thống các cửa hàng kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm sạch, quản lý nguồn gốc xuất xứ. Xây dựng các chuyên đề phù hợp về an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, chế biến động vật, định kỳ tuyên truyền nhằm phổ biến pháp luật, các chế độ, chính sách, quy định đối với người sản xuất, kinh doanh, định hướng người tiêu dùng; thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bao bì, tem nhãn…
Cần xây dựng hệ thống giết mổ tập trung nhằm bảo đảm chất lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Ảnh: Linh Ngọc |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư, sở, ngành có liên quan sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo kế hoạch đã được phê duyệt. Các huyện, thị xã quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán giết mổ tại cơ sở giết mổ tạm thời, các chợ kinh doanh sản phẩm động vật. Khi các lò giết mổ tập trung đã hoàn thành phải từng bước đình chỉ các cơ sở nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật bằng cách thường xuyên kiểm tra, tịch thu sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng tình với chủ trương này, ở góc độ người hành nghề, ông Nguyễn Văn Kỳ, hộ giết mổ ở xã Lê Lợi (Thường Tín) cho rằng, khi đưa các hộ giết mổ vào tập trung Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho cơ sở giết mổ thời gian đầu. Đồng thời, xóa bỏ triệt để các hộ giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện thú y vẫn đang hoạt động, bảo đảm công bằng cho các hộ giết mổ tập trung chấp hành quy định của Nhà nước.
Siết chặt kiểm dịch
Nhằm chấn chỉnh công tác kiểm dịch, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thu Thủy, các tỉnh, thành phố cần nghiêm túc thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển lưu thông trong nước theo quy định. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện công tác kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển lưu thông trong nước; Giám sát chặt chẽ việc ủy quyền kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển lưu thông trong nước… Nghiêm cấm việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch khống cho chủ hàng hoặc cấp Giấy chứng nhận cho chủ hàng khi không trực tiếp kiểm tra và không rõ nguồn gốc, mục đích sử dụng; không thực hiện theo đúng trình tự, nội dung kiểm dịch. Do hệ thống giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều, nên khi thực hiện kiểm dịch ở chợ buôn bán sản phẩm động vật, cán bộ thú y phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nếu kiểm dịch sai quy định thì đơn vị đó phải xử lý nghiêm cán bộ.
Các tỉnh, thành phố đầu tư nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí cho công tác kiểm dịch bằng máy đo để kiểm tra độ tươi sống của thịt bày bán tại chợ. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng các điểm giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y nhằm kiểm dịch tại gốc, tránh tình trạng kiểm dịch phần “ngọn” như hiện nay. Hiện thành phố mới chủ động được 60% sản phẩm động vật còn lại nhập từ các tỉnh. Do đó, các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong việc thông báo khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật về Hà Nội và phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm. Trạm trưởng thú y xã, phường, thị trấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra nguồn thịt bán ở chợ cóc, chợ tạm, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý tiêu hủy những sản phẩm không đủ điều kiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.