Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Làm sạch” môi trường lễ hội

Minh Ngọc| 22/02/2016 05:41

(HNM) - Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong khâu tổ chức, song một số lễ hội diễn ra dịp đầu xuân Bính Thân vẫn chưa thể làm

Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh).Ảnh: Anh Tuấn


Chuyện cũ nhưng luôn "nóng"

Trái ngược với không khí trang nghiêm bên trong di tích, dịch vụ hàng quán, trông xe bủa vây cụm di tích đình, chùa, Bia Bà thuộc phường La Khê (Hà Đông). Ngoài điểm trông xe của phường, các hộ dân sinh sống gần khu vực di tích mở hàng loạt điểm trông xe với giá 5.000 đồng/xe máy, 20.000-30.000 đồng/ô tô, thậm chí khoảng không gian phía bên trái cổng vào di tích cũng được "trưng dụng" để trông xe với lời quảng cáo an toàn, thuận tiện, nhanh gọn. Để đi vào các ban thờ, du khách phải bước qua hệ thống hàng ăn đa dạng với đủ lời mời chào hấp dẫn, qua các cửa hàng bán đồ lễ, xem tử vi...

Trong các ngày 15 và 17-2, dịch vụ đổi tiền lẻ tại Bia Bà hoạt động vô cùng sôi nổi. Đổi tiền mệnh giá nào, bao nhiêu cũng có, đổi ít có thể ngay tại các cửa hàng với giá 100.000 đồng tiền chẵn được 70.000 đồng tiền mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng, đổi được 80.000 đồng tiền mệnh giá 5.000 đồng. Người có nhu cầu đổi nhiều, chủ cửa hàng sẽ lấy ra từ các hộp giấu kín và "khuyến mại" thêm lời chỉ dẫn "bị cấm rồi nên không dám bày công khai nhiều, thực ra hàng nào cũng có đấy, các cháu cần cứ hỏi là họ đưa cho".

Hoạt động dịch vụ hàng quán tại Phủ Tây Hồ có chuyển biến nhưng chưa thực sự đi vào nền nếp. Tại thời điểm có đoàn kiểm tra, các cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống tại phủ khá sạch sẽ, bán với giá phải chăng, nhưng sau khi các đoàn kiểm tra đi, tình trạng lộn xộn tái diễn. Chưa kể, hệ thống thùng rác bố trí tại Phủ Tây Hồ chỗ thừa, chỗ thiếu, điểm tập kết rác thải đặt ngay gần các cửa hàng bán đồ ăn chín...

Tại đình, chùa Phúc Khánh (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa), hàng quán lấn chiếm lối vào di tích vốn đã rất nhỏ hẹp, các lá số tử vi in 2 mặt trên khổ giấy A4 với giá 3.000 đồng/lá số bán công khai. Sâu bên trong đình, một nhóm người thường xuyên túc trực bên mâm đầy giấy diễn giải các quẻ số và nhặt tiền khách đặt lễ.

Dịch vụ hàng quán, bãi đỗ xe tại một số di tích khu vực ngoại thành như: Đền Và (Sơn Tây), chùa Tây Phương (Thạch Thất), đền Đức Thánh Cả (Ứng Hòa)… cũng ảnh hưởng không nhỏ tới không gian, cảnh quan trang nghiêm của di tích, lễ hội.

Hội Gióng ở Đền Sóc cần có hình thức phát lộc vừa bảo đảm được nét văn hóa truyền thống, vừa hạn chế được những hình ảnh phản cảm như thế này. Ảnh: Chí Toàn


Quyết liệt chấn chỉnh

Ngày 18-2, Sở Văn hóa - Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra thực tế tại cụm di tích đình, chùa, Bia Bà, La Khê; đồng thời yêu cầu Ban Quản lý (BQL) di tích sắp xếp lại hệ thống hàng quán, bố trí hợp lý các hòm công đức, khay đựng tiền giọt dầu; chấm dứt hiện tượng đổi tiền lẻ… Sau khi bị nhắc nhở, dịch vụ hàng quán tại Bia Bà đã được sắp xếp hợp lý hơn. Từ ngày 19-2, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đi kiểm tra thực tế tại nhiều di tích, lễ hội nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng tiêu cực phát sinh.

Ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định sẽ sắp xếp lại chỗ để xe ở đền Kim Liên; không để dịch vụ hàng quán hoạt động trước di tích. Còn ông Bùi Hồng Sơn, Phó BQL di tích kiêm Thủ từ đền Quán Thánh cho biết, người đi lễ không phải ai cũng thực hiện nghiêm túc các quy định nên BQL tiếp tục nhắc nhở, tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Khách nào đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, người của nhà đền sẽ rút ngay. Cách làm này cần được thực hiện tại các di tích khác để từng bước khắc phục triệt để tình trạng rải tiền bừa bãi, đốt nhiều vàng mã, hình thành nếp sống văn minh trong lễ hội.

Theo Trưởng tiểu ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ Trương Công Đức, việc sử dụng tiền công đức tại di tích công khai, minh bạch là một trong những giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa người có trách nhiệm quản lý với người trực tiếp trông coi di tích ở không ít địa phương hiện nay. Khi mâu thuẫn này được giải quyết, BQL các di tích và người trông coi sẽ đồng lòng chấn chỉnh các vấn đề còn tồn tại trong di tích, lễ hội, đưa hoạt động lễ hội đi đúng hướng. Ở Phủ Tây Hồ, toàn bộ tiền công đức được kiểm đếm công khai vào cuối ngày, trước sự chứng kiến của nhiều người. Số tiền thu được nộp vào kho bạc, sử dụng vào mục đích bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, tổ chức lễ hội.

Được biết, với những lễ hội trọng điểm, ngành Văn hóa sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu và đưa ra cách thức tổ chức phù hợp hơn. Chẳng hạn như Hội Gióng ở Đền Sóc cần có hình thức phát lộc khác sao cho vừa bảo đảm được nét văn hóa truyền thống, vừa hạn chế được những hình ảnh phản cảm. Lễ hội Chùa Hương cần có giải pháp giải quyết ách tắc cục bộ, giữ gìn vệ sinh môi trường. "Trước mắt, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với các địa phương cố gắng duy trì sự ổn định, trật tự trong suốt mùa lễ hội năm nay" - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động:
Chính quyền không làm thay vai trò chủ thể của người dân

Lễ hội là của người dân, người dân là chủ thể sáng tạo và quản lý, nhưng khi người dân chưa chủ động, chưa kiểm soát được xu hướng phát triển, chưa tự khắc phục được những bất cập, hạn chế thì chính quyền vào cuộc là cần thiết. Sự vào cuộc của chính quyền chủ yếu ở khâu quản lý, tổ chức, bảo đảm an ninh, an toàn, hướng dẫn người dân xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, chứ không làm thay vai trò chủ thể của người dân. Khi nào người dân làm tốt, có ý thức tốt, không cần sự tham gia của chính quyền, chắc chắn chính quyền sẽ đứng ngoài cuộc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Làm sạch” môi trường lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.