Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Làm gì để giữ vững thành tích?

Nguyễn Mai| 01/11/2016 07:19

(HNM) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 với nhiều điểm mới, sát thực hơn, yêu cầu cao hơn khi xét công nhận NTM. Đây được coi như cơ hội để cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tiêu chí cao hơn cũng đòi hỏi



Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp.Trong ảnh: Thu hoạch lúa mùa tại xã Kim Thư (huyện Thanh Oai) bằng máy gặt đập liên hoàn. Ảnh: Đức Nghiêm


Hướng tiếp cận mới

Phân tích những khác biệt trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng: Về chỉ tiêu, Bộ tiêu chí quốc gia mới có nhiều điểm khác biệt, đặt mục tiêu cao hơn. Nếu như bộ tiêu chí của giai đoạn 2011-2015 chỉ đánh giá xã đạt chuẩn NTM qua 19 tiêu chí với 39 chỉ tiêu thì bộ tiêu chí mới đánh giá ở 49 chỉ tiêu. Trong đó, riêng tiêu chí 17 về môi trường bổ sung thêm nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cụ thể chỉ tiêu xác định tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm ATVSTP là rất khó thực hiện. Theo chỉ tiêu này, an toàn thực phẩm được đánh giá đến từng hộ dân chứ không chỉ dừng ở cơ sở sản xuất. Có nghĩa là một hộ sản xuất, kinh doanh để xảy ra vi phạm sẽ ảnh hưởng đến kết quả xây dựng NTM của cả xã.

Nhìn từ góc độ cơ sở, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ Bùi Hữu Tha phân tích: ATVSTP được đưa vào tiêu chí là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Để tăng cường vấn đề này, đối với các hộ trồng rau, vừa qua huyện đã giao cán bộ bảo vệ thực vật và trưởng thôn xuống trực tiếp các hộ dân yêu cầu ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón đúng cách. Đối với các cửa hàng ăn uống, huyện cũng yêu cầu các hộ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến nhận định: Theo quy định mới, ATVSTP được đưa vào thành một chỉ tiêu trong tiêu chí số 17, để kiểm soát được vấn đề này sẽ rất khó khăn đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Tuy nhiên đây là vấn đề sát sườn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên đưa vào tiêu chí là rất cần thiết. Một số tiêu chí cũng đặt ra mục tiêu cao hơn, như tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 có chỉ tiêu chung từ 6% trở xuống (theo chuẩn nghèo mới).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, thành phố xác định, Hà Nội phải đạt kết quả cao hơn trong xây dựng NTM. Dự kiến cuối năm 2016, ngoài 19 tiêu chí NTM, Hà Nội sẽ đánh giá xã đạt chuẩn NTM thêm 2 yếu tố nữa là: Không để xảy ra nợ vốn xây dựng cơ bản và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đây là 2 nội dung đang được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo rất quyết liệt.

Đi sâu vào chất lượng từng tiêu chí


Mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao được đời sống người dân. Trong đó, nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo là nền tảng cho việc nâng cao các tiêu chí còn lại của NTM. Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ trồng ngô, trồng lúa đơn thuần sẽ khó có thể tạo ra nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị và nông dân khó giàu lên.

Báo cáo chuyên đề tại cuộc giao ban quý III, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội đã chỉ rõ, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là ứng dụng công nghệ cao vẫn còn thấp. Hà Nội cũng chưa có các doanh nghiệp, trang trại ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất; chưa có các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội xác định sẽ tổ chức lại sản xuất theo kế hoạch tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng bảo đảm ATVSTP; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, trọng tâm là sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi, thủy sản. Thành phố sẽ tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả cơ chế, chính sách hiện có của trung ương và thành phố về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Các địa phương sẽ tập trung huy động nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Góp ý với Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia NTM cho rằng: Nếu vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường thì NTM không bao giờ bền vững. Do vậy, bằng mọi giá, phải tạo ra một môi trường nông thôn thật sự xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, tiêu chí an ninh trật tự phải được quan tâm, nông thôn phải trở thành nơi giàu đẹp, bình an và đáng sống.

Mục tiêu phấn đấu không dừng lại ở số lượng xã đạt chuẩn NTM mà thực sự tạo ra các xã NTM vừa bình yên vừa xanh, sạch, đẹp và giàu có. Đó là chủ trương xuyên suốt của thành phố khi triển khai xây dựng NTM trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ bố trí tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn là 72.000 tỷ đồng, trong đó có 31.600 tỷ đồng đầu tư cho chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh nguồn lực, UBND thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 đến 4%/năm, giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch/ha canh tác đạt 250 triệu đồng/ha, số xã đạt chuẩn NTM từ 347 xã trở lên với 10 huyện đạt chuẩn NTM.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Làm gì để giữ vững thành tích?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.