Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Không thể buông xuôi

Ngọc Quỳnh| 20/07/2016 06:37

(HNM) - Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở cơ sở thực sự đang gặp nhiều khó khăn. Để kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản, thực phẩm, cần bố trí nguồn kinh phí cần thiết và đẩy mạnh phân cấp trách nhiệm cho chính quyền.

Nâng cao trách nhiệm cán bộ địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh, các xã, thị trấn cần chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức truyền thông, giáo dục ATTP cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, công thương trên địa bàn. Bên cạnh đó là thiết lập đường dây nóng tại các xã, thị trấn và thông tin trên hệ thống đài truyền thanh để nhân dân biết, thực hiện. Ngoài ra, chính quyền cấp xã cần tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán chất cấm trên địa bàn; thu hồi, xử phạt các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận ATTP vi phạm, các địa phương cần tăng cường lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm nhằm phát hiện các trường hợp sử dụng chất bảo quản, kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không đúng quy định cả trong sản xuất và lưu thông để đưa công tác quản lý ATTP ở cơ sở đi vào nền nếp…

Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Đền Lừ.


Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về ATTP cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách vệ sinh ATTP ở tuyến xã, phường nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng tham mưu, đánh giá, phân loại các cơ sở xếp loại A, B, C theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT. Đồng thời, phổ biến việc tiếp nhận, hướng dẫn các chủ cơ sở lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. “Trước mắt cần nâng cao trách nhiệm hoạt động của các ban chỉ đạo và chấm dứt tình trạng “đánh trống ghi tên” ở các địa phương. Nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định. Làm được những điều này thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP ở các địa phương mới được tăng cường và hiệu quả” - ông Trần Mạnh Giang nhận định.

Tăng cường quản lý sản xuất và lưu thông sản phẩm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các địa phương phải quyết liệt chỉ đạo hai việc song hành: Một là tập trung kiểm tra việc sử dụng thực phẩm của các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, trong đó đặc biệt kiểm tra hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật, thực phẩm chế biến, đồ uống, rau quả lưu thông trên thị trường… nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Hai là hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi an toàn từ sản xuất tới bàn ăn để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đây chính là cơ sở để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Nếu làm tốt khâu kiểm soát sản xuất theo đúng quy trình "sạch" thì rõ ràng sẽ kiểm soát được ATTP từ đầu ra. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với địa phương cử cán bộ bảo vệ thực vật, thú y giám sát chặt chẽ khâu sản xuất, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, ngoài việc treo lô gô về sản xuất an toàn, cần tuyên truyền cho người dân về quy định xử phạt mới, nhất là nội dung vi phạm quy định về bảo đảm ATTP sẽ bị xử lý hình sự, phạt tù giam.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho rằng, Nhà nước nên bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho các địa phương để thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ở các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản và cửa hàng ăn uống. Các địa phương cần củng cố nguồn cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở cấp xã nhằm nâng cao vai trò cũng như trách nhiệm của lực lượng này. Đồng thời, các sở, ban, ngành của thành phố cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra đột xuất khâu lưu thông, buôn bán sản phẩm trên thị trường sớm phát hiện vi phạm. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh, để nâng cao công tác quản lý chất lượng ATTP ở cơ sở, huyện đề nghị thành phố hỗ trợ một số bộ kít thử nhanh phát hiện các loại chất cấm trong quá trình kiểm tra để kịp thời xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Không thể buông xuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.