Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Khi lòng tin giảm sút

Thi Thi| 18/10/2014 07:32

(HNM) - Phản biện xã hội đối với hoạt động xuất bản được thể hiện ngày một mạnh mẽ hơn qua hàng loạt vụ phát giác của bạn đọc về những cuốn sách kém chất lượng, sách vi phạm bản quyền, sai sót về nội dung được công bố trên mạng xã hội, truyền thông…


Cũng chính nhờ lối ứng xử trách nhiệm của bạn đọc và truyền thông mà một phần trong sự "bí ẩn" vây quanh công tác xuất bản được làm sáng tỏ phần nào. Tuy nhiên, khi "cơ thể" xuất bản còn lâm "bệnh", tự bảo vệ mình là tâm lý dễ thấy ở bạn đọc.

Sáng tỏ một phần

Với số lượng lớn ấn phẩm được xuất bản hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản thường than thở là đọc không xuể, các ngành chức năng liên quan nói không đủ người để kiểm soát tình trạng sách lậu… Trong bối cảnh đó, thấy rõ là có khá nhiều vụ việc về sách lậu, sách vi phạm bản quyền, những vụ "đạo" thơ, văn… được truyền thông phản ánh, cơ bản đều bắt nguồn từ sự phản hồi của người đọc. Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, những lỗi sai ngớ ngẩn trong từ điển, truyện cho thiếu nhi, tác phẩm văn học dịch… được bạn đọc phát hiện, nhanh chóng lan truyền rộng rãi.

Độc giả vô tình trở thành người soát lỗi cho những cuốn sách còn nhiều “sạn”. Ảnh: Sơn Hà



Từ phản hồi của bạn đọc và sự lên tiếng của truyền thông mà việc truy nguyên cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang danh Vũ Chất và nhiều NXB ít nhiều mang lại kết quả. Ít nhất thì dư luận cũng giúp đẩy nhanh "tiến độ truy tìm sự thật", cho thấy các ấn bản Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh đã nêu là kết quả của một "hệ thống" sao chép vô trách nhiệm từ cuốn "Việt Nam tự điển" mang tên Vũ Chất (NXB Hồng Dân, năm 1971). Và chính cuốn "Việt Nam tự điển" này cũng đang được cho là kết quả của việc lược lại một cách cẩu thả công trình học thuật "Tân tự điển" của tác giả Thanh Nghị, xuất bản năm 1967.

Trả lời phỏng vấn PV Báo Hànộimới, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Chu Văn Hòa cho biết: Cục đang tiến hành các thủ tục để ra quyết định thu hồi toàn bộ ấn phẩm từ điển mang tên Vũ Chất và các NXB nêu trên. Trong số này, các ấn phẩm từ điển mang tên NXB Trẻ, NXB Thanh niên là ấn phẩm in lậu, giả danh đơn vị xuất bản. NXB Hồng Đức, với bản in mới về cuốn từ điển này, sẽ bị xử phạt kèm quyết định thu hồi sách. Khác với phản ứng vào cuộc xác minh ngay lập tức của NXB Trẻ, Giám đốc NXB Văn hóa thông tin cho biết, do cuốn từ điển xuất bản từ năm 2009 nên hiện vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc.

Như vậy, nếu đúng như khẳng định của cơ quan quản lý nhà nước thì câu chuyện này đã bộc lộ rõ ràng "bệnh" của xuất bản. Bên cạnh tình trạng in lậu tràn lan, phát hành tới tận hệ thống thư viện thì còn có chuyện buông lỏng quản lý dẫn đến sự ra đời một ấn bản từ điển vừa sai đến mức không thể chấp nhận được, vừa vi phạm bản quyền. Với sự xuất hiện của cuốn từ điển này, cho dù là kết quả của sự liên kết xuất bản thì phía NXB cũng không thể chối bỏ trách nhiệm. Một trách nhiệm không chỉ đã được luật hóa trong Luật Xuất bản mà còn xuất phát từ lòng tự trọng nghề nghiệp trước bạn đọc, nhất là bạn đọc lứa tuổi học sinh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu làm rõ mọi điều liên quan đến "ma trận" quanh cuốn từ điển, kết luận ban đầu nói trên chưa làm thỏa mãn bạn đọc. Chưa có nhiều người nhắc về hậu quả mà bạn đọc phải gánh chịu mà từ đó lòng tin của họ giảm sút và phải tìm cách tự bảo vệ.

Chọn từ điển: Tin cũ, xa lánh mới?

Bạn đọc có thể bất ngờ khi biết rằng trong hệ thống NXB ở Việt Nam hiện nay chỉ có NXB Khoa học xã hội là có một ban biên tập từ điển riêng, thế nhưng, hầu hết NXB đều có thể làm từ điển và xuất bản từ điển một cách dễ dàng.

Theo nhà nghiên cứu Giang Quân, trước đây từ điển chủ yếu là do cá nhân các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực hiện, như Đào Duy Anh, Lê Văn Hòe… Sau này, làm từ điển thường có một tập thể, mỗi người phụ trách một mảng, nhưng dù làm tập thể đi nữa thì cũng vẫn phải chịu trách nhiệm, chứ không phải mang danh tập thể làm thì không ai chịu trách nhiệm. Và bao giờ cũng thế, khi xuất bản một ấn phẩm từ điển thì cần phải có một hội đồng thẩm định.

Rõ ràng là sự thiếu trách nhiệm ở một số đơn vị trong việc làm và xuất bản từ điển nói riêng, sách nói chung cũng như cung cách xử lý hậu quả không tới nơi tới chốn khi xuất hiện sự cố đã để lại hậu quả. Như chị Thu Thủy (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói rằng, lâu nay chị không dùng cũng như không cho con dùng những cuốn từ điển tiếng Việt mới phát hành mà không rõ nguồn gốc, hoặc không do những tác giả, NXB có uy tín về từ điển xuất bản. Gia đình chị hiện vẫn dùng cuốn từ điển học sinh cấp II (NXB Giáo dục, năm 1971) do Nguyễn Lương Ngọc, Lê Khả Kế chủ biên, cùng một danh sách ban biên tập và cộng tác viên gần 20 người. Cuốn từ điển này thậm chí còn ghi rõ ai phụ trách phần từ ngữ thuộc mảng gì trong mục "Phân công biên tập" ngay sau trang bìa. Bạn đọc này cũng chia sẻ rằng, dù từ điển không phải là công trình dễ làm, có thể ít nhiều có sai sót, nhưng ấn phẩm tra cứu về tiếng Việt do các học giả biên soạn trước đây thể hiện sự nghiêm túc. Ví như bộ "Tục ngữ lược giải" của học giả Lê Văn Hòe thuộc Tủ sách Quốc học, ra đời từ giữa thế kỷ trước, giờ đọc lại thấy vẫn tin tưởng, bổ ích.

Có thể nói, đúng như ý kiến của một nhà xã hội học, hoạt động xuất bản không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa tác giả với NXB, giữa NXB với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, mà quan trọng hơn cả chính là mối quan hệ tin cậy giữa đơn vị xuất bản với bạn đọc thông qua từng ấn phẩm mà họ phát hành. Tiếc thay, sự cố từ những ấn bản Từ điển tiếng Việt mang danh Vũ Chất nói trên đã tiếp tục thách thức lòng tin của độc giả đối với hoạt động xuất bản ở nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Khi lòng tin giảm sút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.