(HNM) - Thật không công bằng khi những hình ảnh về đất nước Palestine xuất hiện ở thế giới bên ngoài chỉ là những gì đại loại luôn mang lại cảm giác bất an.
Với những phóng viên như chúng tôi cũng vậy, dù biết rằng không thể có khói đạn hay bắt cóc, đánh bom như không ít người từng lo ngại nhưng ai cũng chắc vùng đất này cũng chả có gì nhiều để ấn tượng.
Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến Ramallah, định kiến này đã hoàn toàn tan biến. Những ngôi nhà xây dựng bề thế xen lẫn với các công trình đang hối hả hoàn thiện theo một quy hoạch rõ ràng đã tạo cho thủ đô hành chính của Palestine diện mạo của một thành phố phát triển, văn minh và có sức sống mạnh mẽ. Trung tâm Ramallah là khu vực buôn bán sầm uất nhất. Các gian hàng san sát bên nhau dọc những con phố dài với lượng hàng hóa khá phong phú phản ánh chất lượng cuộc sống không thấp của người dân. Và thực tế, mức tiêu dùng tại Palestine khá đắt đỏ. Không được sử dụng một đồng tiền riêng mà phải giao dịch bằng đồng Shekel của Israel, giá hàng hóa ở Palestine vì thế cũng ngang ngửa với Israel, một quốc gia có thu nhập quốc dân lớn hơn nhiều lần.
Thành phố Ramallah đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Jamat Aruri |
Vượt qua những rào cản, chính quyền Palestine đang nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với những quốc gia bè bạn. Kết nối kinh tế không chỉ là một phương tiện hữu hiệu để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị trong thế giới hiện đại mà còn là cách thức khẳng định sự tồn tại của Palestine và tạo những cơ sở quan trọng cho một quốc gia độc lập trong tương lai. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết ở vùng đất cách xa đến 9.000 cây số, một số hàng hóa của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng và rất được ưa chuộng. Công ty Thực phẩm Al Faloja ở Sinjer, Hebron là doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối cá basa và hàng thủy sản của Việt Nam lớn nhất tại Palestine. Theo ông Raed Al-Bayed, Tổng Giám đốc Công ty, trung bình mỗi năm doanh nghiệp này nhập khoảng 3.000 tấn cá basa từ nhiều công ty của Việt Nam với doanh số khoảng 30 triệu USD/năm. Khách hàng không chỉ có người Palestine mà còn tại một số nước Arab khác như Ai Cập, Jordan... "Chất lượng cá Việt Nam rất tốt, giá cả phù hợp và hiện đang là mặt hàng được tiêu dùng số một tại Palestine. Trước đây, chúng tôi không được phép nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam nên phải nhập qua Jordan, sau đó đổi tên để vào Palestine. Tuy nhiên, hiện giờ đã có chút cải thiện về chính sách và công ty chúng tôi có kế hoạch tiếp tục nhập thêm tôm, mực, mở rộng hợp tác với Việt Nam để xây dựng những thủy trường tại Palestine cũng như đưa chuyên gia sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm". Ông Al-Bayed cho biết.
Thế nhưng, trước khi hàng hóa Việt Nam vượt được chặng đường xa xôi để đến với quốc gia Trung Đông, cái tên Việt Nam đã trở nên thân thuộc. Đến bất kỳ đâu, từ khu chợ bình dân đến cơ quan chính phủ sang trọng, chỉ cần nói là người Việt Nam thì lập tức sẽ nhận được ánh mắt thiện cảm, những lời chào mừng như của người bạn thân thiết. Tại vùng đất chưa có tự do này, có rất nhiều người như ông Zahran Abu Kbita, người đứng đầu thị trấn Yatta ở Hebron, thuộc làu lịch sử Việt Nam. Hay như chủ tiệm hàng lưu niệm F.R.Jackob trên con phố Via Dolorosa nổi tiếng tại Đông Jerusalem - con đường hành khổ nơi Chúa Jesus phải gánh chịu kiếp nạn và đi đến cái chết - có thể kể vanh vách những chi tiết về cuộc đàm phán ký Hiệp định Paris có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình, một người mà anh rất ngưỡng mộ.
Tiếp xúc với nhiều người Palestine, tôi nhận thấy rằng họ sử dụng tiếng Anh cực kỳ tốt. Không chỉ các quan chức chính phủ hay địa phương có thể dùng tiếng Anh lưu loát như ngôn ngữ thứ hai, từ trẻ em, viên chức đến người bán hàng đều giao tiếp bằng tiếng Anh khá thành thạo. Đây có thể được xem là kết quả của một chính sách mà giáo dục được ưu tiên hàng đầu tại Palestine. Bất chấp chiến tranh, kiểm soát, ly tán... giáo dục cho những thế hệ tương lai được người Palestine xác định là một trong những cách thức để đấu tranh đòi quyền tự do cho dân tộc. Cùng với chăm sóc y tế, học sinh đến trường không phải trả tiền cho đến hết bậc trung học. Hầu như không có một gia đình Palestine nào mà không có một người con học đại học. Do đó, tỷ lệ người tốt nghiệp đại học trên số dân của Palestine cũng vào hàng cao nhất khu vực Trung Đông. Có khoảng 4 triệu dân tại Bờ Tây và Dải Gaza, nhưng Palestine có tới 49 trường đại học, cao đẳng và dạy nghề, tất cả đều có cơ sở vật chất rất tốt. Trong đó, có những trường danh tiếng như Đại học Birzeit tại Bờ Tây với bằng cấp được quốc tế công nhận.
Không giống như nhiều xã hội Arab Hồi giáo khác, Palestine có đời sống xã hội khá tự do. Đi trên đường phố Ramallah, bên cạnh những người phụ nữ mang khăn trùm đầu truyền thống là những cô gái xinh đẹp, ăn vận gợi cảm và cầm tay tình nhân đầy lãng mạn. Cuộc sống về đêm của người Palestine cũng khá phong phú. Những quán bar sôi động nhưng trật tự, những quán cà phê vườn rộng rãi với khung cảnh nên thơ thường chật khách mỗi tối. "Các bạn hãy đến và xem "những kẻ khủng bố" Palestine sống thế nào nhé", Đại sứ Saadi Salama nói đùa đầy ẩn ý khi đưa chúng tôi tới một quán cà phê ở Ramallah. Tôi nhìn quanh, quán không còn chỗ trống. Đàn ông, phụ nữ đủ cả, họ trò chuyện vui vẻ, hút shisha và cả tham gia chương trình đố vui để tìm hiểu kiến thức. Không gian ngột ngạt được thiết lập bởi các trạm kiểm soát như bị đẩy lùi về phía sau.
Sự có mặt của phụ nữ trong rất nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong các gia đình Palestine đã mang đến cho tôi cái nhìn rất khác về phong tục, văn hóa và đời sống của người dân tại đây. Ở tất cả các khu chợ tại Palestine, không phải phụ nữ mà đàn ông mới là người bán hàng. Tại những khách sạn, nhà hàng từ lớn đến nhỏ, hầu như không thấy bóng dáng một người phụ nữ làm phục vụ. Theo quan niệm của người Palestine, đây là những công việc nặng nhọc, do đó người đàn ông phải gánh vác. Chúng tôi vẫn đùa nhau rằng, đàn ông Palestine rất "ngoan". Dù có trách nhiệm là trụ cột chính về kinh tế nhưng họ không có thói quen "tụ tập" khi chiều đến mà dành nhiều thời gian cho gia đình. Vì thế, sự gắn kết của các gia đình Palestine là khá chặt chẽ và có nhiều nét tương đồng với người Việt Nam.
*
* *
Không chỉ có Thành cổ Jerusalem với những câu chuyện thần thánh của cả ba tôn giáo, hầu như tất cả địa danh tại Palestine đều gắn liền với một sự kiện lịch sử, văn hóa nào đó. Một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất phải kể đến là nhà thờ Máng cỏ tại Bethlehem, nơi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời.
Nhưng đó mới là một phần của vùng đất Palestine linh thiêng và cổ kính. Sẽ là không đầy đủ nếu không nói tới nhà thờ Abrahim trong khu Thành cổ Hebron 5.000 năm tuổi, nơi thờ tự người đã sinh ra hai người con trai Ismaeel và Isshac, cha đẻ của đạo Hồi và đạo Do Thái. Thành phố Jericho 10.000 năm tuổi, nằm dưới mực nước biển hơn 300m, cũng là địa danh có một không hai trên thế giới.
Với một nền văn hóa lâu đời, chất đầy những chứng tích lịch sử của nhân loại, Palestine thực sự hội đủ yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất về du lịch văn hóa và tôn giáo. Người Palestine ý thức được rằng, nếu có độc lập và chủ quyền, chắc chắn rằng du lịch sẽ là ngành công nghiệp không khói mang lại sự giàu có, thịnh vượng cho dân tộc này. Đơn cử, dù làm du lịch trong điều kiện không thể tiếp cận với khách hàng, không có quyền cấp thị thực nhưng trong năm 2010, doanh thu từ lĩnh vực này đã đem đến 900 triệu USD, chiếm 15% GDP của Palestine. Nhưng con số ấy chỉ thể hiện cho 5-10% lợi nhuận mà phía Palestine có thể thu được từ khoảng 2 triệu khách du lịch đến các vùng lãnh thổ Bờ Tây mỗi năm vì họ đều đến qua đường Israel nên không sử dụng dịch vụ của Palestine.
Con đường đưa chúng tôi về lại cửa khẩu Allenby và sang Jordan để trở về như dài hơn khi cả đoàn phải chuyển xe tới ba lần vì phương tiện mang biển kiểm soát của Palestine không được đi vào khu vực đang nằm dưới sự quản lý của Israel. Hai bên đường, những ụ cát pha đất nổi lên trên bình địa rộng lớn của vùng đất Trung Đông khô cằn, kỳ bí và hùng vĩ trong những vạt nắng nhạt nhòa của hoàng hôn muộn. Chúng đẹp và u uẩn như những đôi mắt của người Palestine, đượm buồn nhưng luôn ánh lên niềm khao khát độc lập. Giấc mơ ấy như đang bừng sáng khi Palestine vừa chính thức được trao Quy chế nhà nước quan sát viên phi thành viên của Liên hợp quốc. Người Palestine đang được thôi thúc bởi niềm tin rằng mong muốn thành lập một nhà nước Palestine độc lập rồi sẽ thành hiện thực. Tôi vẫn thấy vẳng bên tai những câu hát đầy lạc quan của các sinh viên Trường Đại học Birzeit "Tôi nguyện cầu cho thành phố hòa bình, cho những người con bị ly tán, những trẻ em không nhà cửa... Hòa bình rồi sẽ đến với chúng ta".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.