(HNM)- Những điểm
Trăn trở của nhiều làng quê
Trưởng công an xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) Mai Duy Hùng nhận định: Lứa tuổi từ 18 đến 25, nếu không được gia đình quản lý tốt rất dễ sa ngã, thậm chí "dính" vào các hội nhóm "đi bụi", trộm cắp. "Tôi nhận thấy, những thanh thiếu niên hư chủ yếu có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, phó mặc con cái cho ông bà nuôi dạy. Xóm nào có một, hai thanh niên nghiện hút sẽ lôi kéo những thanh niên khác nghiện theo. Từ nghiện hút dẫn đến trộm cắp để lấy tiền tiêu xài..." - ông Mai Duy Hùng cho biết thêm.
Công an xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu tại một hộ dân. |
Một nguyên nhân khác là số lượng lao động ở nông thôn thiếu việc làm ngày càng tăng. Tại xã Thạch Hòa - một xã cơ bản bị thu hồi hết đất nông nghiệp nên nông dân thiếu tư liệu sản xuất, trong khi việc giải "bài toán" việc làm vẫn hết sức khó khăn. Cũng theo ông Mai Duy Hùng, một số hộ dân đã chuyển về quê cũ ở các xã Hạ Bằng, Đồng Trúc, Tân Xã kiếm việc làm, một số khác vào nội thành làm thợ xây, cửu vạn... Lực lượng lao động có sức khỏe ở nông thôn phần lớn ra đô thị tìm việc làm. Số gia đình có điều kiện kinh tế mở cửa hàng kinh doanh tại địa phương không nhiều. Ở các vùng quê chỉ còn người già và trẻ em. Lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã chọn địa bàn nông thôn để trộm cắp. "Chúng tôi dự định làm một cuộc điều tra xã hội học về số người thiếu việc làm nhưng... để thực hiện phải có kinh phí. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa giải quyết được nhu cầu xã hội" - ông Hùng nói thêm. Rõ ràng, lao động - việc làm vẫn là vấn đề căn cốt, là điều trăn trở chung của nhiều làng quê.
Thực tế cũng cho thấy, vai trò của cơ quan công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở các vùng quê chưa thực sự rõ nét. Chủ tịch UBND xã Song Phương Bùi Đức Khoa cho biết: Thời gian qua, những vụ mất trộm ở xã hầu như chưa điều tra được thủ phạm.
Công an xã có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở các làng quê, nhưng việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn.
Công an xã Thạch Hòa có quân số 26 người gồm Trưởng công an, hai Phó trưởng công an, ba công an viên thường trực và 20 công an viên phụ trách thôn. "Hiện nay, duy nhất Trưởng công an xã có biên chế, còn lại chỉ được hưởng phụ cấp. Phó trưởng công an xã hệ số phụ cấp là 1,86; công an viên thường trực là 1,2; công an viên phụ trách hưởng lương 0,7. Phụ cấp của công an viên chỉ khoảng 800 nghìn đồng/tháng nên khó đòi hỏi họ sâu sát với công việc" - ông Mai Duy Hùng nói.
Công an xã Song Phương (Hoài Đức), có 18 người, hiện tại vẫn thiếu 1 Phó trưởng công an xã và 2 công an viên (theo quy định). "Ở Song Phương việc tuyển công an viên rất khó khăn. Xã đã giao cấp ủy, chi bộ, trưởng phó thôn "đốt đuốc đi tìm" nhưng người muốn tham gia lại không đủ tiêu chuẩn, người đủ tiêu chuẩn không muốn tham gia vì họ có việc làm khác thu nhập cao hơn" - ông Bùi Đức Khoa cho biết.
Mặt khác, Hoài Đức là địa bàn có quá trình đô thị hóa nhanh và giáp với khu vực nội thành nên trộm cắp thường "dạt" về. Các đối tượng trộm cắp ngày càng táo tợn và chuyên nghiệp. Chúng trang bị các phương tiện như súng bắn điện, dao, bình xịt hơi cay... sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy đuổi. Trong khi đó, lực lượng công an xã chỉ có gậy cao su nên khó trấn áp đối tượng...
Phát huy trách nhiệm cộng đồng
Để giữ vững ANTT ở mỗi địa phương cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Vấn đề cốt lõi là giải "bài toán" việc làm; đồng thời quản lý các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế tối đa những bức xúc trong nhân dân, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài. Bên cạnh đó là việc triển khai có hiệu quả các phong trào: Gia đình, dòng họ, thôn, xóm tự quản về ANTT", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới", nhân rộng các câu lạc bộ, tổ hòa giải, các diễn đàn toàn dân phòng chống tội phạm... ở thôn, xóm để hóa giải những phức tạp, mâu thuẫn ngay từ gia đình, cộng đồng.
Chủ tịch UBND xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Hữu Thắng cho biết: "Chúng tôi tập trung giữ gìn ANTT từ cơ sở. Xã có 7 thôn, mỗi thôn có một tổ hòa giải do Trưởng ban Công tác mặt trận làm tổ trưởng. Những vướng mắc, xích mích trong thôn được hòa giải kịp thời. Nếu hòa giải không thành, sẽ tiếp tục được chuyển lên Hội đồng hòa giải của xã do Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch hội đồng. Nhờ vậy đã giải quyết được nhiều vụ mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai, ly hôn, hạn chế việc khiếu kiện đông người vượt cấp".
Còn Trưởng thôn Gốc Báng, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Quách Công Đoan cho biết: Sau rất nhiều lần họp bàn, thôn đã quyết định ban hành quy ước về xây dựng nếp sống văn minh. "Nếu người nào ăn cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự… (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) thì ngoài việc phải xin lỗi trước nhân dân, sẽ bị nêu tên, hành vi vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh, bị phạt khoản tiền có giá trị tương đương 500 viên gạch loại I vào Quỹ tự quản; nếu tái phạm sẽ nhân theo số lần vi phạm. Những người xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và uống rượu say làm ảnh hưởng đến trật tự thôn xóm cũng bị phạt mức tương tự". Cùng với đó, thôn thành lập 4 tổ tự quản và yêu cầu cán bộ thôn cùng các thành viên trong tổ tự quản gương mẫu ký cam kết gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật… "Quy ước được triển khai, người dân chấp hành nghiêm, đến nay, thôn cũng chưa phải phạt ai cả" - ông Quách Công Đoan cho biết thêm.
Bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả cộng đồng và những quy ước về xây dựng nếp sống văn minh, những mô hình tự quản về an ninh trật tự chính là nền tảng để phát huy hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.