Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Gìn giữ cho đời sau

Hiền Phương| 07/09/2016 06:27

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài ca thắng trận năm xưa vẫn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người lính. Và đến hôm nay, bằng cách này hay cách khác, bài ca ấy như mạch nguồn đang được các cựu chiến binh (CCB) khơi tiếp cho thế hệ sau, để những chiến công hiển hách vang mãi với thời gian.


Sáng mãi tinh thần người lính

Làng Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh) - một làng Việt cổ đặc trưng cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, với những ruộng lúa xanh mướt mắt dọc triền đê sông Cà Lồ, những năm gần đây còn được nhắc đến bởi có một người CCB, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân sau những năm dài cống hiến trong quân ngũ, ở tuổi xế chiều lại đắm đuối giữ hồn rối cổ. Đó là CCB Đinh Thế Văn.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng hướng dẫn khách tham quan Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.


Câu chuyện của những ngày tháng tìm đường đi cho nghệ thuật múa rối của CCB Đinh Thế Văn bắt đầu từ lời căn dặn của người cha trước kia là “ông bầu” phường rối Đào Thục. Vừa tự nghiên cứu, vừa được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam hỗ trợ, CCB Đinh Thế Văn đã khôi phục được những giá trị độc đáo của nghệ thuật múa rối truyền thống quê hương.

“Để hút khách, không thể diễn mãi các trò cũ, phải có thêm trò mới. Nhưng cả cuộc đời tham gia quân ngũ tôi chỉ biết súng với đạn và những trận đánh thì lấy “vốn” đâu để sáng tác trò diễn mới? Kỷ niệm về một thời lửa đạn không thể nguôi quên, đêm 18-12-1972, khi tham gia Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Tiểu đoàn 77 bộ đội tên lửa của tôi đã bắn rơi chiếc B52 trên bầu trời Hà Nội. Đó chính là chiếc B52 rơi ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, một trong hai pháo đài bay của không quân Mỹ bị ta bắn hạ ngay trong đêm đầu tiên “khai hỏa” chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. Ngay khi khói bom vừa dứt, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm nghe tôi báo cáo cách đánh B52. Từ đó, tôi suy nghĩ: Tại sao không làm một vở rối về trận đánh nhớ đời như thế?”, CCB Đinh Thế Văn cho biết.

Thế rồi, tiết mục rối nước “Đánh B52” của CCB Đinh Thế Văn và một số nghệ nhân trong làng dựng thành công và trở thành vở diễn “tủ” của phường rối Đào Thục, được du khách trong và ngoài nước yêu thích. CCB Đinh Thế Văn còn cùng với cán bộ đoàn thể, Hội Người cao tuổi trong làng vận động nhiều doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ xây dựng đường làng lầy lội trước kia thành con đường khang trang, sạch đẹp hôm nay. Hệ thống điện chiếu sáng kéo về đến tận thủy đình, thuận lợi cho sinh hoạt và diễn rối của người Đào Thục.

Chung niềm đam mê truyền lại ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ, CCB, thương binh hạng 2/4 Lâm Văn Bảng, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên đã lặn lội khắp mọi miền đất nước sưu tầm được hơn 4.000 tài liệu, hiện vật về cảnh tù đày ở nhà tù Phú Quốc và dành hơn 2.000m2 đất của cha ông để cùng đồng đội lập nên Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ông Bảng cho biết: Dư âm của những ngày sống trong “địa ngục trần gian” ở Phú Quốc bám theo tôi đến tận bây giờ. Vì vậy, tôi muốn làm một việc gì đó để tái hiện lại những hình ảnh mà tôi và đồng đội đã phải trải qua nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Du khách đến tham quan bảo tàng hoàn toàn được miễn phí và được các nhân viên làm việc tại đây là nhân chứng sống hướng dẫn, giới thiệu. Vào những ngày lễ lớn của đất nước, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày lại thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan. Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật về cuộc chiến tranh chống Mỹ, những tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong lao tù Phú Quốc đã khiến nhiều người rơi lệ. Bảo tàng đã trở thành địa chỉ văn hóa của Hà Nội, nơi lưu giữ, trưng bày, tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục truyền thống yêu nước cho muôn đời sau…

Với những đóng góp của mình, CCB Lâm Văn Bảng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của TP Hà Nội, Hội CCB các cấp. Đặc biệt, năm 2010, ông được Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam - Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử tặng 7 chữ “Khơi lửa hồng - thắp sáng niềm tin” vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

Điểm tựa cho thế hệ trẻ

Hội CCB TP Hà Nội có gần 300.000 hội viên, đang sinh hoạt ở 5.645 chi hội và 867 tổ chức cơ sở hội. Hội CCB thành phố đã có bước phát triển nhanh, sâu rộng và hiệu quả, trở thành tổ chức chính trị - xã hội có số hội viên đông với nhiều tướng lĩnh sĩ quan cao cấp và là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thời gian qua, CCB TP Hà Nội luôn phát huy bản chất và truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội. Hội viên CCB luôn gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành và vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đoàn kết giữa các thế hệ CCB, cựu quân nhân với các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực phối hợp tham gia công tác hòa giải, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp...

Trung tướng Lê Minh Cược, Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội cho biết: Toàn thành phố hiện có 28.000 hội viên CCB đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Gần 6.000 người được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ liên gia tự quản; hơn 6.000 CCB tham gia lực lượng dân phố, dân phòng. Các hội viên đã chủ động cùng lực lượng chức năng xử lý các tình huống xảy ra như gây rối trật tự công cộng… Các cấp hội đã tích cực chủ động, gương mẫu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và địa phương. Từ năm 2010 đến nay, Hội CCB các cấp đã tổ chức hơn 16.000 buổi giao lưu, hơn 4.000 buổi nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng, ý chí chiến đấu cho thế hệ trẻ. Hoạt động không ngừng nghỉ trên “mặt trận” mới, CCB đã góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Hiện trên toàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giỏi, hàng nghìn chủ trang trại, công ty do CCB làm chủ. Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, CCB Thủ đô tích cực tham gia đóng góp hàng chục nghìn mét vuông đất làm đường, hàng nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hầu hết CCB mà tôi từng gặp trong cuộc sống hôm nay thêm một lần nữa khẳng định điều mình hằng tâm niệm: Đã là người lính Cụ Hồ thì mãi vẹn nguyên phẩm chất người lính, dù thời chiến hay thời bình không có gì thay đổi, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu dù khó khăn gian khổ đến đâu. Tinh thần thép và ý chí quyết tâm của họ luôn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, noi theo. Những CCB ấy đang cùng con cháu, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương chung tay kiến thiết quê hương, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Gìn giữ cho đời sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.