Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Giảm tải - Mong muốn và hiện thực

Đức Trường| 09/01/2012 07:01

(HNM) - Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã từng nhận ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và hứa là sẽ quyết tâm giảm tải để người dân đỡ khổ, nhưng lo được chỗ này, lại phình chỗ khác. Tình trạng quá tải bệnh viện vẫn ngày càng gia tăng. Bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đó là Thứ trưởng, cũng lại quyết tâm tìm mọi cách để giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy là chuyện giảm tải các bệnh viện cực kỳ gian nan.

Đã nhìn thấy trước sự quá tải, nhưng...

Trên địa bàn Hà Nội từ năm 1954 đến những năm cuối của thế kỷ XX gần như không có thêm bệnh viện (BV) nào được xây mới hoàn toàn. Chỉ duy nhất có BV Nhi trung ương được xây dựng bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển và bắt đầu hoạt động từ năm 1981. Hầu hết các BV, kể cả của trung ương hay của thành phố đều ở nguyên vị trí cũ và chỉ được cải tạo, để tăng thêm diện tích sử dụng, đầu tư thêm trang thiết bị và số giường. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ phó Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, thậm chí có những BV diện tích sử dụng còn bị thu hẹp lại như Bạch Mai ban đầu rộng tới 25ha giờ chỉ còn 10ha, hay Đại học Y Hà Nội ban đầu rộng 30ha giờ cũng chỉ còn khoảng 10ha.

Người nhà bệnh nhân nằm, ngồi la liệt ở hành lang là cảnh thường thấy tại các bệnh viện tuyến trung ương. Ảnh: TTXVN


Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế TP đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mạng lưới y tế cơ sở với  577 trạm y tế xã, phường tiếp tục được củng cố và hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của nhân dân Thủ đô, đồng thời thực hiện được một số kỹ thuật đơn giản trong khám, điều trị một số bệnh chuyên khoa về mắt, răng, tai - mũi họng, sức khỏe sinh sản và sức khỏe trẻ em. Các cơ sở y tế xã, phường là nơi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường, sơ cứu tai nạn, chấn thương, phòng chống dịch bệnh... Do vậy, phát triển mạng lưới y tế cơ sở sẽ góp phần giảm bớt tình trạng "vượt tuyến" và giảm tải cho các BV tuyến trên.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến năm 2011, Thủ đô mới đạt bình quân 14 giường bệnh/10.000 dân, trong khi cả nước đã đạt 21,1 giường/10.000 dân. May là trên địa bàn còn có thêm gần 6.700 giường bệnh của 16 BV đa khoa, chuyên khoa thuộc Bộ Y tế và hơn 1.200 giường bệnh của 9 BV cùng các trung tâm khám chữa bệnh thuộc các bộ, ngành khác đã phần nào "chia lửa" cho các BV của Hà Nội.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, chỉ tiêu về sử dụng đất là hơn 100 m2/giường. Trong quy hoạch mới nhất, chỉ tiêu về sử dụng đất được tạm lấy ở mức 120 m2/giường bệnh. Chỉ tiêu tầng cao, tại các quận nội thành, tầng cao tối đa 12 tầng, tầng cao tối thiểu 4 tầng; mật độ xây dựng tối đa 30 - 35%. Tại các huyện ngoại thành, chỉ tiêu tầng cao tối đa là 4 tầng, tối thiểu là 2 tầng; mật độ xây dựng tối đa 25 - 30%.

Qua tính toán để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao cho nhân dân Thủ đô và khắc phục tình trạng quá tải, nhu cầu số giường bệnh và nhu cầu đất cần thiết trong các giai đoạn sẽ như sau: Tới năm 2020, nhu cầu đất 430ha, trong đó khối BV là 200ha, đào tạo 160ha; giai đoạn 2030 - 2050, nhu cầu đất là 660ha, trong đó, khối bệnh viện 350ha, khối đào tạo là 310ha.

Lại vướng cơ chế

Với tầm nhìn Hà Nội sẽ trở thành một trung tâm y tế cỡ khu vực và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư hạ tầng kỹ thuật liên thông, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật cao, hỗ trợ nhau về kỹ thuật và thu hút đầu tư nước ngoài. Đề xuất xây dựng 5 cụm, tổ hợp công trình y tế đa chức năng có tầm cỡ quốc tế tại khu vực phía bắc đặt ở Sóc Sơn (100ha); phía nam đặt tại Thường Tín - Phú Xuyên (200ha); phía đông đặt tại Gia Lâm (50ha); phía Tây tại Hòa Lạc (200ha); phía tây bắc đặt tại Sơn Tây (50ha).

Ngoài ra, còn bố trí các BV trung ương, thành phố và cơ sở đào tạo tại vị trí đã được thống nhất quy hoạch như: BV Việt -Đức cơ sở II tại quận Long Biên; BV Đa khoa Xanh Pôn cơ sở II, BV Mắt Hà Nội tại quận Hoàng Mai và Thanh Trì; BV Đa khoa Hòa Lạc tại huyện Thạch Thất…

Các BV phải di dời khỏi khu vực nội đô là các BV điều trị các bệnh truyền nhiễm, nằm trong khu vực mật độ dân cư quá dày đặc hay các BV có tính chất độc hại, mức độ lây nhiễm cao, lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý hoặc BV đa khoa có khoa lây không đủ điều kiện cách ly theo quy định. Các BV trung ương sẽ chuyển đổi chức năng cơ sở cũ trong nội thành, xây dựng cơ sở mới là cụm công trình y tế đa chức năng theo quy hoạch trên địa bàn: K, Lao và bệnh phổi, Mắt, Nội tiết, Viện Răng - Hàm - Mặt, Viện Da liễu quốc gia, Viện Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới... Các BV thành phố: Tâm thần Mai Hương, Lao và phổi, Xanh Pôn, Tim, Mắt, Nhi, Lão khoa, Da liễu, Đa khoa Hòe Nhai…

Tuy nhiên, thực tế là việc tiếp cận với đất để hiện thực hóa quy hoạch là rất khó và tốn nhiều thời gian, công sức. BV K có kế hoạch di dời từ lâu nhưng mãi đến hết năm 2011, BV mới trong khuôn viên rộng 7ha ở Tân Triều đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, BV K mới sẽ đón bệnh nhân vào năm 2013, nghĩa là sau khoảng 10 năm từ ngày có quyết định di dời. Theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng của BV K sẽ được đấu nối với các đầu mối cơ sở hạ tầng như điện, cấp nước, thoát nước, đường chung… nhưng thực tế là BV phải tự lo việc đấu nối đường điện, dùng nước hút từ giếng khoan vì mạng nước chưa có, và vẫn chưa biết xả nước thải đi đâu. Về Tân Triều giờ đây, BV K mọc sừng sững giữa đồng không mông quạnh. Rõ ràng việc biến những ý tưởng chỉ đạo, những chủ trương lớn trong quy hoạch thành hiện thực gặp khó rất nhiều khi vướng phải đống bùng nhùng cơ chế quản lý.

Để quy hoạch không nằm... trên giấy

Để góp phần giảm tải BV, UBND TP Hà Nội đã và luôn khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, ưu tiên phát triển bệnh viện tư nhân, các khoa, phòng bán công trong bệnh viện công lập, các phòng khám đa khoa tư nhân ở ngoại thành, cùng các dịch vụ y tế tư nhân sử dụng công nghệ y học cao, hiệu quả khám chữa bệnh lớn, ít gây ô nhiễm môi trường. Theo quy hoạch đang xây dựng, dự kiến sau năm 2020 sẽ có khoảng 10 BV tư nhân mới được xây dựng với khoảng 3.000 giường bệnh. Thành phố sẽ thực hiện tốt những chính sách ưu đãi như: ưu đãi về thuế; cho vay ưu đãi từ vốn ngân sách; cải cách thủ tục hành chính… Nhiều ý kiến đề nghị UBND TP Hà Nội cần có quy hoạch sử dụng đất, trong đó bố trí đất cho phát triển các BV ngoài công lập; công khai và đơn giản hóa thủ tục giao đất, cho thuê đất...

Tuy nhiên, tất cả những ưu đãi, ưu tiên nêu trên vẫn chỉ đang dừng ở văn bản. Từ đó đến thực tế còn là cả một quãng đường rất dài nếu không muốn nói là chưa nhìn thấy đích. Những BV thuộc trung ương và thuộc thành phố (nghĩa là cùng của Nhà nước) mà còn phải chờ đợi đến 10 năm mới xong thì bệnh viện tư nhân không biết sẽ phải chờ trong bao lâu?

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, trong năm 2012, ngành y tế Hà Nội sẽ triển khai 34 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với số vốn được bố trí trong kế hoạch hơn 600 tỷ đồng. Một số BV đa khoa tuyến huyện  như Sóc Sơn, Đông Anh, Đức Giang, Sơn Tây, Hà Đông, Ba Vì… tiếp tục được đầu tư nâng cấp. BV Đa khoa 1.000 giường Mê Linh, BV Mắt Hà Nội, Nhi Hà Nội, Xanh Pôn cơ sở 2, BV Đa khoa 1.000 giường ở phía tây sẽ được xây mới. Ông Hiền khẳng định điều này trong một cuộc làm việc giữa Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội có phần bạo miệng bởi vì ngoài những vướng mắc do cơ chế, chính sách như trên đã phân tích thì việc tìm đâu cho ra đủ nguồn vốn để xây dựng theo kế hoạch, quy hoạch là một bài toán rất khó giải?

Thực tế, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng y tế rất thấp. Cách đây khoảng 10 năm, mỗi năm ngành y tế rót về cho 78 đơn vị trực thuộc khoảng 100 tỷ đồng, nghĩa là mỗi đơn vị sẽ chỉ được hơn 1 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng y tế một năm. Đến năm 2011, con số này đã tăng gấp 10 lần, hơn 10 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chả thấm tháp vào đâu khi biết rằng Bộ Xây dựng quy định suất đầu tư cho một giường bệnh khoảng 1 tỷ đồng, còn thực tế là để có một giường bệnh thỏa mãn những tiêu chí cơ bản nhất thì phải mất tới khoảng 3 tỷ đồng.

Xem ra tình trạng quá tải ở một số BV và một số khoa như hiện nay sẽ khó thay đổi trong vòng 5 năm nữa. Và nếu quy hoạch không được xây dựng tốt, quản lý xây dựng BV theo quy hoạch kém, nếu những bùng nhùng về cơ chế, chính sách không được tháo gỡ, nếu không tìm ra cách huy động nguồn lực tài chính… tình trạng quá tải BV sẽ là "căn bệnh mãn tính".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Giảm tải - Mong muốn và hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.