Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Giải quyết đồng bộ 3 vấn đề cơ bản

Thu Hương| 30/09/2013 06:09

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2013, các cấp MTTQ thành phố Hà Nội đã giám sát hơn 5.000 vụ việc, phát hiện nhiều sai phạm, lãng phí, thất thoát vốn và tài sản, kiến nghị thu về cho Nhà nước gần 400 triệu đồng và trên 25.709m2 đất.

Với đội ngũ cán bộ hiện có thuộc các Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn, tính bình quân mỗi người tham gia giám sát một vụ việc. Đó là sự cố gắng, nỗ lực lớn của những người làm công tác này. Song, để phục vụ yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thành phố trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu quả vai trò, chức năng giám sát của MTTQ các cấp thì không thể thỏa mãn với kết quả nêu trên.

Nguyên nhân chính của những hạn chế

Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phúc Đồng (quận Long Biên) Lê Xuân Chính cho biết: 6 tháng đầu năm nay, thông qua công tác giám sát, phường Phúc Đồng đã yêu cầu chủ thầu phải bóc dỡ 35m2 gạch lát nền, thay 25m bó vỉa hè đường, làm lại 4m dầm bê tông công trình xây dựng trường học, xây lại 3 hố ga, thay thế 4.000 viên gạch không đủ tiêu chuẩn ở các ngõ phố… Tương tự như vậy, BGSĐTCĐ phường Thượng Thanh kiến nghị thu hồi 180m2 đất, phường Ngọc Lâm thu hồi 65m2 đất, phường Giang Biên kiến nghị thay 140 tấm đan thoát nước, 7.000 viên gạch và phường Gia Thụy phát hiện việc thiếu nguyên vật liệu tại một số công trình, góp phần chống thất thoát tài sản công.

Những vụ việc được phát hiện nêu trên đã phần nào thể hiện hiệu quả thiết thực của công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng của các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Song nhìn vào kết quả đó có thể thấy, đây chỉ là những vụ việc nhỏ, chưa phản ánh đúng thực chất tình trạng các công trình do cộng đồng đóng góp hoặc nhà nước đầu tư phần lớn chất lượng không bảo đảm, nguyên vật liệu hoặc bị "rút ruột", bớt xén hoặc sử dụng sai chủng loại so với thiết kế để hạ giá thành. Cùng với đó, những vụ việc sai phạm có quy mô lớn, xảy ra tiêu cực trong móc ngoặc chỉ định thầu, đấu thầu theo kiểu "quân xanh, quân đỏ" hoặc chia chác, sử dụng tiền dự án vào các mục đích tư lợi… ít được phát hiện qua công tác giám sát.

PGS.TS Bùi Xuân Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhận định: Giám sát là khâu yếu nhất của Mặt trận hiện nay. Cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của Mặt trận còn thiếu và chưa cụ thể, nhất là về phạm vi, đối tượng, nội dung, cách thức tiến hành và cơ chế xử lý kết quả giám sát. Hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao. Giám sát phần nhiều mới được thể hiện qua hình thức phát hiện, nêu ý kiến nhẹ nhàng tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát. Việc giám sát và phản biện xã hội hầu như mới chủ yếu ở cấp cơ sở còn cấp huyện, tỉnh, thành phố và trung ương còn ít và thiếu cơ chế. Bản thân Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa của công tác này, xem nhẹ quyền giám sát và phản biện của chính mình… Để nâng cao vai trò của công tác giám sát, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên. Có ba vấn đề chính được rút ra gồm: Một là, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của việc này để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Hai là, còn thiếu hệ thống văn bản pháp quy, các quy định để thực hiện. Ba là, điều kiện cần thiết, cơ sở bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện, nhất là đội ngũ cán bộ và cơ sở, phương tiện còn nhiều khó khăn.

Một số bài học kinh nghiệm từ cơ sở

Kinh nghiệm tại các địa phương của Hà Nội đã hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ giám sát đầu tư tại cộng đồng cho thấy, MTTQ và chính quyền phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng; đồng thời cần có cơ chế khuyến khích cán bộ, hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ, chỉ đạo kịp thời các ban, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công cung cấp đủ thông tin theo quy định. Tại các quận, huyện như Đống Đa, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm… do có sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tranh thủ sự giúp đỡ của người dân, tạo thành mạng lưới giám sát cộng đồng. Chính mạng lưới này đã hậu thuẫn đắc lực cho MTTQ thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát các công trình, dự án.

Tìm hiểu cụ thể tại quận Long Biên, BGSĐTCĐ của nhiều phường hoạt động có hiệu quả là do MTTQ quận đã nỗ lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời sâu sát cùng cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy, năng lực, kiến thức của các thành viên BGSĐTCĐ phần nào đáp ứng được với yêu cầu thực tế, không rơi vào tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa", thực hiện nhiệm vụ theo kiểu hình thức, làm qua loa chiếu lệ. Kinh nghiệm, cách làm hay của BGSĐTCĐ các phường cũng được nhanh chóng phổ biến trong toàn quận để những nơi khác có cách thức vận dụng, triển khai phù hợp đồng thời có sự liên thông, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ sở trong hoạt động giám sát… Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Xuân Điệp, thực tế cho thấy, nơi nào MTTQ cấp trên quan tâm tới công tác này thì nhất định sẽ có những biện pháp thực hiện giám sát hiệu quả.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ của Mặt trận làm công tác GSĐTCĐ tại cơ sở đều là những người tâm huyết với công việc. Nhưng để lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm với công việc của họ phát huy được hiệu quả thì cần gấp rút giải quyết những vấn đề về cơ chế chính sách và trình độ năng lực chuyên môn. Được biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao trách nhiệm cho Ban Dân vận Trung ương chủ trì việc phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Hy vọng đề án sẽ đưa ra những biện pháp khả thi nhằm giải quyết những bất cập đã nêu trong loạt bài này nhằm góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội; khẳng định và phát huy vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam - tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Giải quyết đồng bộ 3 vấn đề cơ bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.