Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Gác cổng” phải chặt chẽ

Hà Phong| 19/06/2016 07:28

(HNM) - Từ nay đến ngày 1-7-2016 thời gian không còn nhiều, đó là thời điểm phải ban hành 86 nghị định, quyết định của Chính phủ về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.

Việc có nhiều giấy phép con đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Cơ quan thẩm định cũng áp lực

Nhận xét chung các dự thảo nghị định gửi về cơ quan thẩm định, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp cho biết, khó tránh khỏi những hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng vì thời gian quá ngắn. Song, nếu làm qua loa là đi ngược lại với tinh thần đổi mới.

Thực tế quá trình "nâng cấp" từ thông tư sang nghị định là quá trình rà soát lại các quy định không phù hợp hoặc chưa thuận tiện cho doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan quản lý. Bộ Tư pháp rất quan ngại khi hiện nay các bộ, ngành chạy nước rút để kịp hoàn thành nhiệm vụ ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh trước ngày 1-7 nên trong hồ sơ trình thẩm định chưa chú ý nhiều tới nhiệm vụ rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung. Chưa làm nổi bật được tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ ngày 7-8-2015 về việc triển khai thi hành Luật DN và Luật Đầu tư với những con số cụ thể nhằm trả lời cho câu hỏi đang được người dân, DN rất quan tâm hiện nay. Đó là bao nhiêu thủ tục hành chính được bãi bỏ, được đơn giản hóa, từ đó giảm gánh nặng chi phí là bao nhiêu từ việc nâng cấp thông tư sang nghị định.

Theo Luật Đầu tư, chỉ có 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, song thống kê của Viện Quản lý kinh tế trung ương và nhiều cơ quan khác cho thấy có tới gần 7.000 giấy phép con quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có hơn 3.000 văn bản ban hành không đúng thẩm quyền. Song các dự thảo nghị định này chưa làm sáng rõ được câu hỏi, còn bao nhiêu điều kiện kinh doanh sau khi đã ban hành mà chỉ thuần túy là nâng cấp cơ học từ các thông tư lên nghị định. Chính vì thế, lo lắng của một số chuyên gia lập pháp là không chừng sẽ có tình trạng ào ào ban hành rồi 1-2 năm sau lại phải sửa đổi, bổ sung vì những quy định không phù hợp, gây khó cho DN.

Thời gian không chỉ gây áp lực lớn cho những người xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành mà còn tạo áp lực đối với cơ quan thẩm tra. Vì vậy, Bộ Tư pháp vừa phát đi thông điệp kêu gọi các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp ngay từ quá trình soạn thảo đến chỉnh lý hoàn thiện văn bản, không thể vội vàng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra rồi ban hành.

Gỡ vướng

Bản thân những người làm công tác pháp chế cũng không khỏi tâm tư, không chỉ bởi số lượng văn bản cần phải ban hành lớn mà còn rất nhiều vấn đề bộ, ngành "bó tay" vì có quá nhiều cách hiểu khác nhau, chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng các hướng dẫn lại rất chậm. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT cho hay, Luật Đầu tư đã có hiệu lực từ 1-7-2015 nhưng đến cuối tháng 4-2016 mới có hướng dẫn về điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngay cả khi có hướng dẫn rồi thì những người làm công tác pháp chế cũng chưa thật sự thấu hiểu và đồng thuận, cũng không hẳn đã nhận được sự thống nhất...

Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Đăng Công Khôi kiến nghị Bộ Tư pháp nên có một đầu mối giúp các bộ, ngành giải quyết những dự thảo được áp dụng theo thủ tục rút gọn, đồng thời cần đổi mới cơ chế thẩm định, không phải dự thảo nào cũng cần thiết phải thẩm định theo cơ chế hội đồng, cần linh hoạt với hình thức hội thẩm chuyên gia, giao cho các đơn vị chức năng thẩm định, nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định lên. Với những vấn đề có quan điểm khác nhau cần nhanh chóng có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Cũng có quan điểm cho rằng, với tiến độ hiện nay, phần lớn các nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không thể ban hành trước ngày 1-7. Chính phủ cần trình cấp có thẩm quyền xin lùi thời hạn đến sau ngày 1-7, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Những ý kiến này xuất phát từ thực tế, là trong trường hợp Chính phủ không ban hành kịp các nghị định còn các thông tư đã hết hiệu lực, sẽ xuất hiện “khoảng trống pháp lý”. Về nguyên tắc, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là nhằm mục đích vì bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Nếu “khoảng trống pháp lý” xuất hiện, các yếu tố trên có thể bị xâm hại.

Tuy nhiên, luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật là nhiệm vụ không thể lùi, nhưng không thể vì nhanh mà nhân nhượng với chất lượng. Nếu không tôn trọng các quy định về thời hạn trong Luật Đầu tư thì năng lực cạnh tranh của DN không thể nâng lên, môi trường kinh doanh của Việt Nam không thể được cải cách một cách thực chất. Vì vậy, đây là lúc cần quyết tâm chính trị của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phải kiên quyết làm tròn chức năng "gác cổng pháp luật".

Luật sư Cao Minh Vượng cho biết: "Người dân và DN vẫn nhớ lời cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp đầu tiên, đó là Chính phủ sẽ không lùi bước trước khó khăn, thách thức, đồng thời nâng cao kỷ cương phép nước. Nếu chỉ vì những khó khăn, những sức ép mà xin lùi thời hạn thi hành các quy định về điều kiện kinh doanh, thì niềm tin của cộng đồng DN, của nhân dân nhất định sẽ bị ảnh hưởng".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Gác cổng” phải chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.