(HNM) - Trong
Gần một tháng đi dọc dải đất miền Trung và Nam Trung bộ, nhóm PV Hànộimới đã tìm hiểu thực trạng nghề đánh bắt xa bờ thông qua loạt bài "Điểm tựa giữa trùng khơi". Để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, thời gian tới chúng ta cần tạo được những điểm tựa vững chắc về phương tiện, vốn, thông tin, trợ giúp pháp lý, hậu cần nghề cá… để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị cho mùa cá mới.
Muốn có cá phải sắm cần câu
Trong khi nhiều ngư dân trắng tay và dần dà phá sản vì ngư trường cạn kiệt thì cũng có tàu cá chất đầy khoang trở về đất liền chỉ sau 10 ngày ra khơi, điển hình như tàu của ông Trương Văn Hay, ở quận Thanh Khê hay ông Nguyễn Thân ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Cùng ra khơi, cùng làm một ngư trường nhưng tàu cá của hai ông bao giờ cũng thắng lớn. Theo ông Hay, để có những chuyến ra khơi bội thu, ông đã đầu tư mua máy tầm ngư (còn gọi là máy dò ngang), loại thiết bị định vị đàn cá bằng sóng siêu âm có tầm quét rộng, bán kính khoảng 500m. Nhờ vậy, nhiều khi chưa cần ra tới ngư trường, ông đã có thể tìm ra luồng cá và buông lưới. Để sắm một chiếc máy dò ngang, ông Hay phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Còn như anh Nguyễn Gia Viên, ở thôn Tây, An Vĩnh (Lý Sơn) cũng là một trong số ít ngư dân ở khu vực mạnh dạn tiên phong trong việc lắp đặt máy dò ngang, thì tàu cá QNg-96111 của anh có công suất nhỏ 150 mã lực, thường đánh bắt gần bờ, vậy mà có những lần tàu ra khơi chỉ cách đảo Lý Sơn 30 hải lý, máy dò ngang đã phát hiện những điểm đen đặc cá. Sau nhiều giờ đồng hồ vây lưới, hơn 30 tấn cá nục đã nằm gọn trên khoang tàu. Mẻ lưới này tiền bán cá thu về trên 600 triệu đồng.
Anh Viên chia sẻ: "Làm gì chẳng phải đầu tư. Muốn có cá phải sắm cần câu. Số tiền ban đầu bỏ ra lớn và máy dò ngang phải đặt mua từ nước ngoài về nhưng nếu "trúng mánh" chỉ hai lần là hòa vốn. Ra biển, thấy tàu cá nước ngoài nào cũng có thiết bị này mới thấy thương ngư dân mình. Kết cấu máy dò này không quá phức tạp. Nếu trong nước sản xuất được thì giá thành rẻ đi rất nhiều. Hiện đã có những đội tàu cùng góp tiền mua chung một máy dò ngang, khi phát hiện luồng cá, họ cùng nhau đánh bắt và phân chia lợi nhuận, đây cũng là cách làm hay".
Hợp tác, đoàn kết sản xuất trên biển
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 7-2012, cả nước đã thành lập 3.466 tổ hợp tác, tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với khoảng 21.400 tàu cá và 135.809 lao động tham gia. Điểm sáng về mô hình này phải kể tới các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển của xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cả xã Cảnh Dương có tới 250 tàu thuyền nhưng chỉ có 26 tổ đội đoàn kết. Theo ông Đồng Thanh Đắng, Chủ tịch Hội Ngư dân của xã Cảnh Dương: "Việc thành lập tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển là đúng và cần thiết đối với ngư dân. Những thành viên trong tổ được phân định trách nhiệm rõ ràng nên khi có bão hoặc có tai nạn đã xử lý tình huống nhanh và chủ động hơn, tính cộng đồng cũng được nâng lên rõ rệt. Hơn thế nữa, mỗi tổ đoàn kết thường có 10 tàu tham gia (chứ không phải ít nhất 3 tàu theo quy định) nên đã tạo được sức mạnh tập thể, nhất là trong trường hợp ra khơi gặp tàu cá nước ngoài lấn lướt, chiếm giữ ngư trường.
Không chỉ vậy, thời gian qua nhiều tổ đoàn kết của xã Cảnh Dương còn tăng cường phối hợp trong đánh bắt và dịch vụ hậu cần. Các tàu thường đi theo nhóm nên khi gặp ngư trường có sản lượng thấp, các chủ tàu có thể dồn sản phẩm cho một tàu vận chuyển hải sản về tiêu thụ. Ngược lại nếu gặp ngư trường lớn thì gọi thêm tàu đến khai thác. Do đó, chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm tươi ngon, bán được giá. Chi phí sản xuất giảm, hiệu quả từng chuyến đi biển sẽ tăng lên, thời gian khai thác có thể kéo dài hơn. Anh Nguyễn Minh Tuấn, một chủ tàu ở Cảnh Dương (Quảng Trạch) bộc bạch: "Tổ chúng tôi có 8 tàu, thường xuyên khai thác tại vùng Vịnh Bắc bộ. Mặc dù thời tiết cuối năm không mấy thuận lợi nhưng nhờ hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm ngư trường nên các thành viên vẫn có thu nhập ổn định. Đây chính là thành công của mô hình tổ đoàn kết có yếu tố kinh tế tập thể".
Lắp đặt trạm bờ, tại sao không?
Ngư dân sợ nhất là rủi ro và tai nạn trên biển. Muốn thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn ngoài khơi nhất thiết phải dựa vào phương tiện thông tin liên lạc nhưng đáng tiếc thiết bị này của chúng ta vừa yếu lại vừa thiếu. Việc thành phố Đà Nẵng đầu tư lắp đặt trạm bờ để quản lý, giám sát hoạt động đánh bắt xa bờ là bước đột phá giúp ngư dân yên tâm bám biển. Trung tá Nguyễn Văn Thương, Chính trị viên Đồn biên phòng Phú Lộc cho biết, thiết bị của trạm bờ có thể định vị chi tiết chính xác tọa độ của các tàu cá đang hoạt động ngoài khơi. Khi có tín hiệu cứu nạn, nhìn trên màn hình máy tính, lực lượng biên phòng biết ngay tàu gặp nạn đang ở vị trí nào. Trong trường hợp tàu gặp nạn gần bờ, xung quanh không có tàu cá nào hoạt động, đơn vị sẽ thông báo để lực lượng chức năng ra ứng cứu. Nếu quanh khu vực tàu gặp nạn vẫn có tàu cá khác đang hoạt động, lực lượng biên phòng sẽ yêu cầu những tàu này đến cứu nạn tại chỗ. Điểm ưu việt nữa của trạm bờ là có thể kết nối thông tin từ máy Icom trên tàu về số điện thoại của gia đình ngư dân thông qua bộ chuyển đổi. Nhờ thiết bị này, ngư dân hoàn toàn có thể yên tâm bám biển mà không phải lo lắng khi thiếu thông tin về gia đình, người thân.
Để có một trạm bờ hoàn chỉnh, theo Trung tá Thương vốn đầu tư không quá lớn, khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Trạm bờ của Đồn biên phòng Phú Lộc được hỗ trợ của ba đơn vị: Quận xây tặng phòng máy khoảng 30m2, Bộ Tư lệnh Biên phòng cấp máy Icom tầm xa, UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư 800 triệu đồng mua thiết bị định vị vệ tinh. Con số trên dưới 1 tỷ đồng đầu tư cho việc xây dựng trạm bờ, so với thiệt hại của hàng nghìn, hàng vạn vụ tai nạn thương tâm trên biển trong thời gian qua quả là quá rẻ. Giá như 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước đều có các trạm bờ, ngư dân sẽ bớt đi hàng triệu, hàng chục triệu nỗi lo.
Lời kết
Trong Quy hoạch phát triển tổng thể ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, Viện Kinh tế quy hoạch thủy sản đã nêu rất rõ những khó khăn, vướng mắc cùng những tồn tại yếu kém trong lĩnh vực hoạt động đánh bắt xa bờ. Cụ thể là: Trong các năm qua, ngành thủy sản thiếu quy hoạch chi tiết, công tác đánh giá và dự báo ngư trường còn nhiều bất cập; cơ chế chính sách hiện hành không hỗ trợ ngư dân tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng, giá trị sản lượng khai thác đạt thấp (trên 55% là cá tạp chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ nội địa); cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu kém; mâu thuẫn trong quy hoạch dẫn đến nhiều cảng cá được đầu tư nhưng không sử dụng, gây lãng phí lớn...
Để vực dậy nghề cá, vừa qua Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định và triển khai thực hiện ngay một số dự án như: Mô hình thí điểm hiện đại hóa tàu cá ở Quảng Ngãi với số vốn 120 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trong điểm cấp vùng với số vốn 600 tỷ đồng và đặc biệt là dự án xây dựng Trung tâm Hậu cần nghề cá tại các đảo trọng điểm với số vốn lên tới 1.200 tỷ đồng... Với hàng loạt chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, hy vọng thời gian tới đây, ngư dân sẽ giảm bớt khó khăn, hoạt động đánh bắt xa bờ của Việt Nam sẽ mang một sức sống mới.
Trong báo cáo Quy hoạch nghề cá Việt Nam giai đoạn 2020 và tầm nhìn năm 2030 có đoạn: "Cùng với các đóng góp về kinh tế, những ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển chính là những công dân biển, đúng như lời Bác Hồ dạy "Biển bạc của ta do nhân dân làm chủ". Những ngư dân hằng ngày, hằng giờ với các hoạt động đánh cá đang gián tiếp tham gia tuần tra, kiểm soát các hoạt động trên biển, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trên Biển Đông và bảo vệ toàn vẹn vùng biển Việt Nam". Đó chính là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền giữa trùng khơi, vì vậy cần nhanh chóng tạo ra những điểm tựa chắc chắn để những cột mốc đó luôn vững vàng trước mọi bão tố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.