(HNM) - Thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm, Luật Lao động diễn ra phổ biến, với muôn hình vạn trạng, hầu hết do DN cố tình vi phạm, hoặc "lách" luật.
Còn nhớ vụ việc đau lòng xảy ra tại Công ty Giai Đức (ở KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), không chỉ nhiều công nhân lao động (CNLĐ) đình công vẫn bị mất quyền lợi mà còn có CNLĐ thiệt mạng... Còn rất nhiều tình huống, hình thức vi phạm của giới chủ, một số trường hợp nêu trên cho thấy rõ sai phạm phần lớn "nghiêng" về phía người sử dụng lao động.
Tư vấn pháp luật, cung cấp kiến thức cho người lao động. |
Làm gì để bảo vệ quyền lợi NLĐ?
Trong bối cảnh đó, công đoàn (CĐ) - tổ chức đại diện duy nhất bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) đã nỗ lực "ra tay". Chỉ tính riêng năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã biên soạn, phát hành 74 nghìn cuốn tài liệu hỏi đáp về Luật BHXH, BHYT, Luật Lao động, Luật Công đoàn. Đồng thời, in, phát hành 7.500 đĩa CD tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật dưới dạng tiểu phẩm các tình huống về Luật BHXH, BHYT. Tổng Liên đoàn cũng chỉ đạo CĐ cả nước quan tâm, đẩy lùi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Thời gian qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, cả nước xuất hiện khá nhiều điểm sáng trong công tác này. Nổi bật như, các cấp CĐ tỉnh Quảng Bình tổ chức được hơn 1 nghìn buổi phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 45 nghìn lượt CNLĐ; CĐ tỉnh Tiền Giang tổ chức hơn 2 nghìn cuộc, thu hút hơn 400 nghìn NLĐ tham gia; CĐ Sóc Trăng tổ chức hơn 3.300 cuộc, với số NLĐ tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật trên 157 nghìn người. Đặc biệt, tại những TP lớn như TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật lao động cho NLĐ, giúp họ trang bị kiến thức tự bảo vệ quyền lợi của mình, CĐ TP còn tổ chức kiểm tra gần 2 nghìn DN, kịp thời phát hiện, uốn nắn, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm đối với NLĐ.
Tại Hà Nội, ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP chia sẻ, không chỉ tổ chức hàng trăm buổi tư vấn pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về lao động cho hàng chục nghìn lượt CNLĐ, CĐ TP còn chú trọng nâng cao tính thiết thực của hoạt động này bằng cách hướng về cơ sở, tổ chức nhiều chương trình đối thoại trực tiếp, giúp CNLĐ gỡ bỏ vướng mắc, nêu rõ bức xúc, nguyện vọng để giải quyết và kiến nghị giải pháp bảo vệ họ. Ông Thuần vui mừng khẳng định và cho biết, với cách làm thiết thực, hiệu quả đã khá rõ nét, từ đầu năm 2012 đến nay, địa bàn TP không xảy ra các vụ ngừng việc tập thể, đình công, lãn công.
Song điều đáng nói là, bên cạnh những địa phương tiêu biểu, nhiều cấp CĐ ở nhiều nơi vẫn lơ là, chưa làm hết trách nhiệm, tạo cơ hội cho DN vi phạm quyền lợi về chế độ, chính sách, gây thiệt thòi cho NLĐ. Song cũng phải thấy rõ rằng, hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế đủ sức răn đe đối với DN vi phạm. Đơn cử như, nếu có vi phạm, không đóng BHXH, BHYT thì mức phạt vài triệu đồng là quá nhẹ, khiến DN "nhờn" luật, vẫn ngang nhiên và cố tình vi phạm. Việc này kéo theo hệ quả là tỷ lệ thuận với vi phạm gia tăng là NLĐ bị mất quyền lợi cũng tăng theo.
Có một thực tế đã gây ra nhiều bức xúc, trăn trở. Đó là tổ chức CĐ TP Hà Nội đã kiến nghị và có đơn khởi kiện, đưa gần chục DN vi phạm lớn về chế độ chính sách đối với NLĐ ra tòa án xét xử, song kết quả thu được không nhiều. Không để tình trạng "chờ được vạ, má đã sưng", mới đây TP đã thành lập đoàn thanh tra thu hồi nợ, do Thanh tra TP, cơ quan BHXH, Sở LĐ,TB&XH cùng CĐ phối hợp thực hiện mang lại kết quả bước đầu. Qua kiểm tra tại 100 DN và thanh tra việc chấp hành pháp luật tại 57 DN có số nợ BHXH trên 1 tỷ đồng, đoàn đã thu được 24 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Do thu nhập thấp, giá cả hàng hóa tiêu dùng, các dịch vụ xã hội thiết yếu liên tục tăng cao nên nhìn chung đời sống vật chất và tinh thần của nhiều cán bộ, công nhân, viên chức, lao động còn gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng công nhân, lao động phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc với máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, trong môi trường không bảo đảm an toàn và điều kiện vệ sinh vẫn còn khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Môi trường lao động bị ô nhiễm về bụi, ồn, rung, nóng, hơi khí độc… chiếm khoảng 25-35%; thiết bị, công nghệ lạc hậu so với thế giới từ 15-30 năm; tỷ lệ cơ khí hóa, tự động hóa dưới 10%. Số vụ tai nạn lao động tăng trung bình hằng năm 8,9% về số vụ và 7,8% về số người chết. Riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng từ 26- 42,4%. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hàng chục ngàn công nhân, lao động. Năm 2009 nợ 2.286,2 tỷ đồng; năm 2010 nợ 1.725,4 tỷ đồng.
Về quan hệ lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước về cơ bản vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên quan hệ lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài nhiều nơi diễn biến phức tạp, khó lường, do tiền lương, thu nhập của công nhân, lao động làm thuê không đủ sống, chế độ đãi ngộ của chủ doanh nghiệp không tốt, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tạm bợ, đời sống khó khăn; nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng pháp luật lao động và những cam kết, thỏa thuận với người lao động, nhất là các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát ngày càng tăng của công nhân, lao động. Trong hai năm 2009, 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 1.240 cuộc đình công tự phát và ngừng việc tập thể của công nhân, lao động. Năm 2009 xảy ra 309 cuộc, năm 2010 xảy ra 424 cuộc, 6 tháng đầu năm 2011 xảy ra 507 cuộc.
Hầu hết các cuộc đình công không theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Ở một số nơi đã có tình trạng công nhân bị lôi kéo, kích động tham gia đình công. Khi xảy ra đình công, CĐ luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.
Thay lời kết
Tháng 1-2008, Hội nghị lần thứ sáu BCH TƯ Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Bốn năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc triển khai thực hiện nghị quyết còn bộc lộ những hạn chế: Việc giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của CNLĐ (nhà ở, tiền lương, thu nhập, thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, nhà trẻ, đời sống văn hóa tinh thần…) chưa có chuyển biến rõ nét; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho CNLĐ chưa thực sự được đầu tư đúng mức; vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của CNLĐ, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn. Tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn chưa có chiều hướng giảm...
Nguyên nhân của những tồn tại trên chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng chủ yếu mới dừng lại ở triển khai tổ chức quán triệt nghị quyết, chưa quan tâm kiểm tra, chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung, đồng bộ triển khai thực hiện nghị quyết; nhiều nơi chưa bám chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nghị quyết, chưa cụ thể hóa, triển khai còn chậm. Phương thức hoạt động công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở chậm đổi mới; nhiều chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ còn bất cập. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để Nghị quyết 20 thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự chuyển biến đồng bộ về cả nhận thức và những hành động. Trước mắt, chú trọng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân; chăm lo công tác thành lập tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp để phát triển đảng viên, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ cho CNLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.