(HNM) - Khắc phục những bất cập trước đó, chính sách trọng dụng nhân tài xây dựng phát triển Thủ đô đã được bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội.
Tăng mức đãi ngộ
Đối tượng nhân tài mà Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội hướng đến là người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động. Họ có thể là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa đại học, là tiến sĩ, bác sĩ, giảng viên, giáo viên, vận động viên, văn nghệ sĩ, chuyên gia, các nhà khoa học. Cùng với việc đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức về tuyển dụng và đáp ứng vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị cần tuyển, nhân tài được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội): "Điểm nổi bật so với trước đây là chế độ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận. Các thủ khoa tình nguyện về cống hiến cho Hà Nội sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo để phát triển. Thành phố sẽ hỗ trợ mỗi tháng bằng 5 lần mức lương tối thiểu, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ như chính sách trước đây (30 lần mức lương tối thiểu nếu làm luận văn thạc sĩ; 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ và được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu). Điều này nhằm giảm những áp lực về kinh tế đối với các bạn trẻ trong thời gian đầu đi làm".
Điểm mới nữa là đối với chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển vào công chức, viên chức, được xếp ngạch bậc lương theo quy định của pháp luật và được trả thù lao theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc.
Với những quy định mới này, có thể thấy thành phố Hà Nội rất quyết tâm trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, cùng đó, tạo điều kiện tối đa để họ phát huy năng lực, cống hiến cho Thủ đô.
Xóa bỏ "rào cản"
Để phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần có đội ngũ cán bộ, công chức giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là những nhân tố đầy năng lực, trách nhiệm, năng động, sáng tạo. Điều đó đồng nghĩa cần tăng cường các chế độ đãi ngộ, thu hút nhiều cán bộ, công chức giỏi. Tuy nhiên, ban hành các chính sách đãi ngộ tốt mới chỉ là yếu tố "cần" để thu hút, trọng dụng nhân tài. Một vấn đề "vướng" khi trọng dụng người tài lâu nay là cơ quan hành chính nhà nước vẫn không "thoát" ra khỏi cơ chế, chính sách "cào bằng". Sự "cào bằng" khiến người tài không được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt mà vẫn phải tuần tự theo quy trình của CBCCVC bình thường như tăng lương, bổ nhiệm… Vô hình trung, sự cào bằng này đang dần "kéo" nhân tài về ngang bằng CBCCVC bình thường. Chưa kể, có nhiều thủ khoa được xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển nhưng không được làm đúng chuyên ngành mình học. Nguyễn Hồng Vân, thủ khoa xuất sắc khoa Công nghệ sinh học Viện Đại học mở Hà Nội năm học 2010-2011, hiện là Phó Chánh Văn phòng Thành đoàn Hà Nội, chia sẻ: "Công việc hiện tại của em không áp dụng được những kiến thức chuyên ngành đã học nên cũng thấy… tiếc. Nếu được làm đúng chuyên ngành đã học thì có thể em sẽ phát huy được năng lực nhiều hơn, còn nếu không thì chúng em lại phải tính đi học thêm văn bằng phù hợp mới đáp ứng yêu cầu công việc".
Năm 2013 đã là năm thứ 11 TP Hà Nội tổ chức Lễ ghi danh Sổ vàng các thủ khoa xuất sắc và tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Việc làm này cũng nhằm khẳng định chủ trương trọng dụng nhân tài, song hầu hết các thủ khoa vẫn ưu tiên lựa chọn ở lại trường làm giảng viên, đi du học, làm việc cho doanh nghiệp và cuối cùng mới là về làm tại các cơ quan của thành phố. Ngoài lý do mức lương trong cơ quan hành chính nhà nước thấp, cũng có những ý kiến cho rằng quy định trong Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND: "Các đối tượng được tiếp nhận hoặc tuyển dụng đặc cách phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội ít nhất 7 năm, kể từ thời điểm được tiếp nhận hoặc tuyển dụng đặc cách, không tính thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và thời gian cam kết phục vụ sau đào tạo, bồi dưỡng" là khiên cưỡng, tạo "rào cản" ngăn nhân tài đến với "thảm đỏ". Bởi 7 năm đầu là giai đoạn các bạn trẻ đang đầy nhiệt huyết muốn cống hiến và trải nghiệm, trong khi đó môi trường làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thường gò bó nên buộc phải gắn bó 7 năm khiến các bạn trẻ dễ nản.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, dù cho rằng Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND là cần thiết nhưng hiệu quả đến đâu thì cũng đang… chờ. Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Trịnh Quang Thành cho biết: Khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, công việc tăng lên nhưng hiện Sở có 109 biên chế và hợp đồng. Vì vậy, Sở rất mong thu hút được nhân tài. Tuy nhiên, nhiều năm qua Sở mới "may mắn" tiếp nhận được 1 nhân tài và sau khi có Nghị quyết số 14 thì vẫn đang tiếp tục chờ đợi...
Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND được HĐND thành phố ban hành từ tháng 7-2013, đến tháng 8-2013 đã có 123 thủ khoa xuất sắc và 205 thủ khoa biết đến những ưu việt mới nhất trong chính sách trọng dụng nhân tài của Thủ đô. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thủ khoa và chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành nào đăng ký vào làm việc tại các ngành trọng điểm, đang có nhu cầu sử dụng người có trình độ chuyên môn giỏi như: Luật, Quy hoạch Kiến trúc, Giáo dục, Giao thông - vận tải, Công nghệ - thông tin, Di sản Văn hóa, Khoa học - Công nghệ… Có một số thủ khoa đăng ký lại rơi vào những ngành không có nhu cầu tuyển dụng.
Chính sách trọng dụng nhân tài đã có, song dường như giữa "cầu" và "cung" vẫn còn vênh. Đó là điều đáng phải suy ngẫm và cần có sự đột phá để những chính sách ưu việt phát huy tác dụng trong cuộc sống. Hy vọng, với nhiều kinh nghiệm được đúc rút sau nhiều năm trải "thảm đỏ" thu hút nhân tài, cùng với việc vận dụng đặc thù đã được quy định trong Luật Thủ đô, chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài của TP Hà Nội sẽ ngày càng được hoàn thiện, trở nên hấp dẫn, thu hút được nhiều nhân tài góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.