(HNM) - Đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai được xây dựng trên địa bàn 5 phường, gồm An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người dân đang gắn bó ở nơi này phải rời đến "quê hương mới", nhường chỗ cho tương lai phát triển của Thủ Thiêm và TP Hồ Chí Minh.
Nỗi niềm
Chúng tôi đến chung cư Bình Trưng (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, quận 2) vào một ngày cuối tháng 10. Cư dân ở đây là những người đầu tiên chấp nhận di dời cách đây 8 năm để phục vụ các dự án Đại lộ Đông Tây, Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm.
Nhìn bề ngoài, bốn block nhà 5 tầng nằm ở khu vực có cảnh quan khá đẹp với vườn hoa, khu vui chơi và hệ thống đường sá rộng rãi. Tuy nhiên, cư dân nơi đây đang chất chứa phiền muộn do chất lượng nhà xuống cấp quá nhanh. Ông Lưu Quốc Xương, Tổ trưởng tổ dân phố 51-52 của chung cư Bình Trưng, trước là cư dân của ấp Cây Bàng 1 (phường Thủ Thiêm), cho biết: Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận nhà, các hộ dân đã phải đối mặt với tình trạng thấm, dột đường ống thoát nước. Gần như nhà nào bên dưới cũng chịu cảnh thấm nước từ nhà tắm, nhà vệ sinh của các hộ tầng trên. "Hầu hết các hộ đều phải sửa nhà ít nhất 1 lần, có hộ sửa đến 3-4 lần. Có đến 70% hộ nhận nhà tái định cư (TĐC) nay đã bán và chuyển đến sống ở nơi khác. Đáng buồn hơn cả là khu vực này được thiết kế hệ thống chiếu sáng nhưng liên tục bị trộm phá hoại nên ánh sáng đèn đường trở thành một thứ xa xỉ khiến bà con rất bất an khi ra đường ban đêm".
Khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, chốn an cư mới sau khi di dời của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh để phục vụ dự án đô thị mới Thủ Thiêm. |
Cách chung cư Bình Trưng khoảng 3km là khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi, chốn đi về của hàng nghìn hộ dân di dời. So với Bình Trưng thì khu Thạnh Mỹ Lợi có vẻ khang trang, kiên cố hơn với đầy đủ khu vui chơi công cộng, siêu thị, trường học… Khi chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Long (phòng 107, lô A4) sau khi gia đình ông mới dọn về đây được dăm ngày, thì vợ ông đang lúi húi nấu ăn trong bếp nhưng không dám bật đèn sáng vì… sợ bội chi tiền điện. Căn hộ 55m2- gồm 2 phòng ngủ, 1 công trình phụ và khu bếp - là nơi tá túc của… 12 nhân khẩu thuộc ba thế hệ. "Trước đây nhà tôi có hơn 32m2 nền đất, được đền bù tổng cộng 141 triệu đồng nhưng đã chi dùng hết 60 triệu đồng do có người nhà phải nằm bệnh viện. Để được về tái định cư ở Thạnh Mỹ Lợi, gia đình tôi phải vay "nóng" 60 triệu đồng với lãi suất 7%/tháng. Hy vọng sắp tới, sau khi dỡ nhà, bàn giao mặt bằng thì chính quyền sẽ hỗ trợ cho nhà tôi để trả món nợ trên. Có điều con cháu trong nhà đứa chạy xe ôm, đứa bán hàng rong…, nay phải đi làm xa hơn nên cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn" - ông Long trầm ngâm nói.
Tuy nhiên, với chị Trần Thị Phượng (căn hộ A0-04, lô A6) lại là cuộc "đổi đời" từ ngày rời căn nhà lá ở ấp Cây Bàng về tái định cư ở đây năm 2007. Không còn "được" gánh nước mướn như cũ, chị phải vay vốn tín chấp của Hội Phụ nữ để mở cửa hàng bán cà phê mỗi ngày kiếm đôi ba chục nghìn. Căn hộ rộng 55m2, có hai phòng ngủ là giấc mơ mà trước đây chị chưa bao giờ dám nghĩ tới, bởi cuộc sống lúc trước của gia đình chị hoàn toàn trông vào nghề gánh nước thuê. Nhờ khéo thu vén sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nên những người được "đổi đời" như chị Phượng cũng không hiếm. Chị Nguyễn Thị Kim Sang (hiện trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cho biết, trong số 1,5 tỷ đồng tiền đền bù gia đình nhận được, chị đã dành hơn 700 triệu đồng để mua căn nhà mới ở Hóc Môn, đồng thời bỏ ra khoảng 250 triệu đồng mua chiếc xe tải để hai người con trai có phương tiện làm ăn; số tiền còn lại gửi ngân hàng lấy lãi. Hằng ngày, chị Sang vẫn chạy xe máy khoảng 20km về lại Thủ Thiêm để… bán vé số, vừa giúp vơi đi nỗi nhớ quê vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống…
Còn những âu lo
Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu ĐTM Thủ Thiêm (4-6-1996) đến nay đã 15 năm, song khu ĐTM vẫn còn nằm trên giấy, trong khi đó khâu chuẩn bị tái định cư vẫn còn dang dở, khiến cuộc sống mới của người dân Thủ Thiêm chưa thể ổn định chứ chưa nói là sẽ tốt hơn, sau khi họ đã chấp nhận di dời vì một TP mới trong tương lai.
Lý do dự án "gặp khó" là vì công tác quy hoạch Thủ Thiêm chưa được nghiên cứu kỹ, phải thay đổi. Chính sách đền bù, di dời khi đó cũng không được nhiều người dân đồng thuận. TP đã 2 lần điều chỉnh đơn giá đền bù, nhưng người dân vẫn không đồng ý vì cho rằng, đơn giá đền bù chỉ bằng 1/3, thậm chí có nơi chỉ bằng 1/10 so với giá thị trường. Đến tháng 1-2009, khi TP quyết định tăng tiền hỗ trợ gấp 4 lần so với mức đền bù cũ thì việc di dời mới bắt đầu thuận lợi. Theo BQL dự án Thủ Thiêm, Ban đã hoàn thành bồi thường được 506,2ha trong tổng số gần 518ha phải bồi thường (đạt tỷ lệ gần 98%); đã thu hồi mặt bằng hơn 470ha (đạt gần 91%). Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa suôn sẻ vì quỹ nhà đất phục vụ TĐC chưa xây dựng xong để phục vụ cho khoảng 15.000 hộ đủ điều kiện TĐC. Chính vì vậy mà dù tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã lên tới hơn 17.451 tỷ đồng nhưng hiện mỗi ngày TP vẫn phải chi hàng tỷ đồng để người dân ở tạm, chờ ngày chuyển về nơi ở mới.
Ông Tất Thành Cang, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2 cho biết: Quỹ nhà đất phục vụ TĐC Khu ĐTM Thủ Thiêm bao gồm 15.279 căn hộ chung cư và 2.075 nền đất. Hiện một số lượng lớn đã hoàn thành, số còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 12-2012 để toàn bộ người dân di dời có nơi ở mới. "Một dự án muốn thành công cần phải có quy hoạch khả thi, tránh điều chỉnh khiến người dân có tâm lý bức xúc và khi có quy hoạch cần triển khai ngay mà không nên kéo dài. Bên cạnh việc đền bù sát giá thị trường thì công tác TĐC cho dân phải bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, xét cả về điều kiện vật chất lẫn văn hóa, tinh thần. Đối với việc khu TĐC Bình Trưng sớm xuống cấp, chúng tôi đã có kế hoạch đập đi xây mới và người dân được đổi ngang nhà mà không phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào".
Cũng theo lời ông Cang, không chỉ là vấn đề giải phóng mặt bằng, TĐC, nỗi trăn trở của các cấp chính quyền là làm sao tổ chức cho người dân tạo dựng cuộc sống mới ít nhất phải ngang với nơi ở cũ. Đó là vấn đề giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề, xây dựng trường học, bệnh viện…. Chính vì vậy, trong công tác xây dựng đời sống của người dân sau TĐC, quận 2 đã tập trung thực hiện đồng bộ việc tổ chức việc làm cùng với xây dựng đời sống văn hóa, các tiện ích để nâng cao đời sống tinh thần. Về việc làm, người dân được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; quận đã tổ chức chia thành các nhóm phù hợp để định hướng công việc, như đưa vào Công ty Công ích quận 2 để làm công việc chăm sóc cây xanh, bảo vệ…, tạo điều kiện buôn bán nhỏ lẻ có quy hoạch trong các chợ hiện hữu và xây mới, tạo điều kiện học nghề…
Tuy nhiên, có thực tế là việc tổ chức cuộc sống gia đình để thoát ly khỏi những thói quen xuê xoa, làm quen với nếp sống văn minh đô thị… cũng không hề đơn giản. Hỏi "tháng 11 này hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn thông xe, ông có vui không", ông Lưu Quốc Xương trầm ngâm rồi trả lời: Vừa vui, vừa buồn. Vui vì TP có một công trình hiện đại để phát triển, mà tôi là một trong những người đã chấp nhận hy sinh, đóng góp công sức vào đó; nhưng buồn vì đó là nơi đã từng gắn bó, còn bây giờ đã gần 8 năm về nơi ở mới tôi vẫn chưa thể thích nghi, dù cuộc sống có khá hơn. Đây cũng là tâm trạng chung của những người dân phải di dời, dù cuộc sống tốt hơn hay không bằng nơi ở cũ. Chị Phượng, dù đã có căn hộ khang trang thay cho mái nhà lá cũ, công việc mới nhàn nhã, thu nhập cao hơn so với nghề gánh nước thuê, nhưng người phụ nữ ngoài 50 tuổi có nụ cười xởi lởi này vẫn không khỏi chạnh buồn khi nhắc về chốn cũ.
Việc chấp nhận giải tỏa để có đất cho TP xây dựng dự án đã khiến người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Rời bỏ nơi chốn quen thuộc, sinh hoạt, học hành, kinh doanh buôn bán đều bị đảo lộn. Dân TĐC phần lớn có thu nhập thấp, nên mặc dù chỗ ở mới khang trang hơn nhưng tại nơi ở cũ họ có những công việc quen thuộc, dù ít hay nhiều cũng tạm có đủ tiền sinh nhai hằng ngày. Từ khi dọn về nơi ở mới rất khó thích nghi, khó kiếm được việc làm mới. Rất nhiều người không tìm được việc làm, phải quay về nơi ở cũ để làm những công việc trước đây từng làm, trong đó có người lại vẫn làm nghề cạo gỉ tàu.
Có thể thấy, con đường hòa nhập với quê hương mới vẫn còn không ít gian nan, ghập ghềnh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.