Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chung tay thực hiện các giải pháp

Linh Chi| 13/11/2016 05:13

(HNM) - Để tạo chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cấp, các ngành và doanh nghiệp của Thủ đô phải chung tay thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư.

Những việc làm thiết thực

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: So với mức sống tối thiểu, lương công nhân mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Vì vậy, việc chăm lo đời sống và vật chất, tinh thần của CNLĐ cần được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Thời gian qua, Công đoàn các cấp đã tích cực đàm phán với chủ doanh nghiệp về việc tăng lương cơ bản. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ cho CNLĐ các khoản phụ cấp như: Xăng xe, chuyên cần, nhà ở… có nơi lên đến hơn 1 triệu đồng/tháng.

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long đã được doanh nghiệp hỗ trợ nhà ở. Ảnh: Bá Hoạt


Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, để giải quyết nhu cầu của CNLĐ, thành phố đã cung cấp 12.000 chỗ ở tại các tòa chung cư (ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cho công nhân và cố gắng đến năm 2020 cung cấp khoảng 53.000 chỗ ở cho đối tượng này. Ngoài ra, thành phố và các cấp công đoàn đã có nhiều cách làm thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân như trang bị tủ sách tại các điểm sinh hoạt văn hóa; có phòng đọc, phục vụ miễn phí Báo Lao động Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội chợ phục vụ công nhân...

Đơn cử như đầu tháng 11, Hội chợ hàng Việt Nam năm 2016 được tổ chức tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) - nơi tập trung hàng nghìn CNLĐ. Tại hội chợ, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ CNLĐ được tổ chức như chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, chiếu phim giáo dục truyền thống, tổ chức tuyên truyền sân khấu hóa về “An toàn giao thông”, liên hoan văn nghệ trong công nhân các KCN-KCX. Háo hức dõi theo chương trình văn nghệ, Nguyễn Thị Hồng (Công ty TNHH Panasonic Việt Nam) chia sẻ: "Lần nào có biểu diễn văn nghệ, công nhân cũng rủ nhau đi xem từ sớm. Mỗi năm chỉ có vài lần được xem ca múa nhạc, nên em không thể bỏ qua”.

Không chỉ tổ chức Công đoàn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của thành phố còn tăng cường tuyên truyền, vận động đội ngũ CNLĐ và công đoàn cơ sở thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật. Việc tuyên truyền giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống giai cấp công nhân… được chú trọng. Đồng thời, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và duy trì các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ, trong đó có 28 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa thể thao; 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Tại đây, công nhân được sinh hoạt văn hóa, tư vấn, rèn luyện sức khỏe, được tra cứu internet miễn phí… Những cách làm thiết thực này phần nào đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao hiểu biết pháp luật của CNLĐ, nhưng so với nhu cầu của hơn 140.000 CNLĐ trong các KCN-KCX của Hà Nội như vậy vẫn chưa thấm vào đâu.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trên địa bàn Hà Nội mới có 3/9 KCN có nhà ở cho công nhân; các thiết chế khác như nhà văn hóa, nhà trẻ, trường mầm non, khu giải trí… cũng thiếu thốn. Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 52-CT/TƯ và Thông tư 03 của Thành ủy Hà Nội về nội dung này, thành phố đang chỉ đạo rà soát, thúc đẩy công tác xây dựng cơ sở văn hóa, thiết chế văn hóa cho công nhân tại tất cả các KCN-KCX. Trên cơ sở đó có kế hoạch, giải pháp đồng bộ triển khai xây dựng nhằm bảo đảm đời sống tinh thần cho người lao động.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Tuyến, trong quá trình xây dựng các cơ quan văn hóa, tổ chức công đoàn và các cấp đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao trí lực, sức khỏe cho CNLĐ. Đồng thời, tổ chức Công đoàn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ doanh nghiệp về việc cần thiết cũng như lợi ích của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Từ đầu năm 2016 đến nay, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” đã được triển khai quyết liệt nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô có tri thức, có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh.

Đặc biệt quan tâm đến đời sống CNLĐ, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các ngành và địa phương thường xuyên thăm, tìm hiểu thực tế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Trong dịp đi thăm công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: Hà Nội sẽ đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu chỗ ở cho CNLĐ. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu tình hình hội nhập sâu và rộng trong thời gian tới.

Để làm được những việc đó, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhất là của tổ chức Công đoàn bằng việc tiếp tục thực hiện quyết liệt 4 nhóm giải pháp mà Chỉ thị số 52-CT/TƯ của Ban Bí thư đã đề ra.

4 nhóm giải pháp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần công nhân

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân KCN-KCX trong tình hình mới.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ KCN-KCX.

- Tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chung tay thực hiện các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.