Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chất lượng đại biểu đặt lên hàng đầu

Hải Hà - Vũ Thủy| 09/05/2016 07:10

(HNM) - Bên cạnh những thành công mà Quốc hội và HĐND các cấp đã làm được trong nhiệm kỳ 2011-2016 thì tồn tại lớn nhất là hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống đặt ra.


Nguyên nhân chính là trình độ, năng lực của một số đại biểu còn hạn chế. Do đó, nhiệm vụ đặt lên vai cử tri trong ngày bầu cử 22-5 tới đây là phải sáng suốt lựa chọn được những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND chất lượng nhất.

Trăn trở nợ dân, nợ nước

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đang bước vào những ngày làm việc cuối cùng. Đây là thời điểm để các đại biểu nhìn nhận lại mình sau 5 năm được cử tri cả nước gửi trao trọng trách. Theo các đại biểu: Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa), Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), sau mỗi lần rời nghị trường vẫn còn bao trăn trở vì những món nợ với dân, với nước. Đó là chất lượng lập pháp tuy có nhiều tiến bộ, nhưng ở một số luật có những quy định chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu của cuộc sống, nên tác dụng điều chỉnh không cao, tính khả thi thấp; một số quy định còn thể hiện ý chí chủ quan, tính dự báo thấp nên sức sống của một số điều luật, đạo luật không dài. "Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật. Nhân dân lo lắng về thực trạng nhờn luật vì thiếu chế tài khả thi trên rất nhiều lĩnh vực nhưng tiến độ khắc phục chậm" - ông Lê Nam cho biết.

GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, việc ủy quyền lập pháp cho các cơ quan hành pháp cụ thể hóa luật còn tương đối phổ biến làm cho luật chậm đi vào cuộc sống, gây khó khăn cho việc thực hiện. Việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước của Quốc hội vẫn còn những bất cập, còn dựa dẫm, ỷ lại khi bấm nút thông qua. Hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao. Còn đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn vì việc tổ chức giải trình của các Bộ đối với những vấn đề dân quan tâm chưa tốt. Lấy ví dụ ngay đoàn TP Hồ Chí Minh, ông Lịch cho biết, dù cả đoàn đã rất tích cực giải quyết nhưng số vụ việc tồn đọng vẫn còn nhiều. Nguyên nhân một phần do cơ chế, một phần do khả năng đeo bám vụ việc của từng ĐBQH chưa sát.

Với HĐND, bất cập điển hình là quy định số đại biểu chuyên trách quá ít; số đại biểu HĐND các cấp là cán bộ, công chức làm việc các cơ quan hành chính nhà nước còn chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND các cấp mỏng, thành phố và cấp huyện chỉ có 3 người, cấp xã chỉ có 2 người. Một số đại biểu HĐND các phường, xã, thị trấn còn cho rằng, hiện vẫn chưa có quy định hướng dẫn thống nhất về kinh phí cho một số hoạt động chuyên môn của các ban như, kinh phí thuê chuyên gia tham gia giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án; kinh phí cho công tác khảo sát, thu thập thông tin; chế độ, chính sách cho đại biểu chuyên trách còn bất cập, không động viên được đại biểu chuyên trách yên tâm công tác lâu dài. Đáng nói, tổ chức bộ máy, bố trí biên chế cơ quan văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố theo Nghị quyết 545 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có điểm chưa phù hợp, thiếu tính chuyên sâu nên việc tham mưu cho hoạt động của HĐND các cấp còn thiếu tầm nhìn dài hạn.

Ngay đối với hoạt động HĐND ở TP Hà Nội cũng còn hạn chế. Tại một số kỳ họp, một số đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết HĐND do UBND thành phố chuẩn bị còn chậm, cá biệt có nội dung chưa bảo đảm chất lượng, tính khả thi chưa cao nên phải đưa ra khỏi chương trình trước kỳ họp hoặc không được thông qua tại kỳ họp. Do chưa ban hành luật giám sát của HĐND nên hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chưa cao; nhất là HĐND cấp xã giám sát còn hạn chế. Mặt khác, do cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm nhiều nên việc tổ chức đoàn giám sát còn khó khăn, hiệu quả giám sát chưa cao.

Cần đại biểu có tâm và tầm

Trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm của Quốc hội, HĐND các cấp khóa mới càng nặng nề. Giải quyết các vấn đề dang dở không đơn thuần là phát huy, kế thừa các bài học kinh nghiệm, thành tựu khóa trước đã đạt được, lấp các lỗ hổng về cơ chế, chính sách, mà còn phải nâng cao số lượng, chất lượng đại biểu có tâm, có tầm. Đồng thời, tăng số lượng đại biểu chuyên trách để Quốc hội, HĐND hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn... Vì thế, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là cơ hội để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu của Mặt trận cũng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là quá trình kết hợp giữa việc thực hiện chế độ tập trung, dân chủ và chế độ hiệp thương dân chủ, bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đạt được sự đồng thuận của các thành viên trong Mặt trận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức đơn vị được giới thiệu để cử tri bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Quá trình giải bài toán cơ cấu và chất lượng đại biểu dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng các địa phương đều nêu quan điểm cần có sự hài hòa và hợp lý, nhưng vẫn phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu. "Đích đến cơ bản nhất là chọn đầu vào, tìm được người xứng đáng để gánh vác nhiệm vụ chung của Quốc hội, HĐND" - ông Pha nói.

Cũng theo ông Pha, sau hội nghị hiệp thương lần 3 để thống nhất và lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, đây là giai đoạn cần tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Để người dân hiểu đầy đủ về trình độ, năng lực, chương trình hành động của đại biểu ứng cử, cần tạo điều kiện để nhân dân xem xét, đối thoại với ứng cử viên. Thông tin của các ứng cử viên phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai tại địa phương nơi cư trú, tại các cơ quan để nhân dân biết giám sát, lựa chọn và có phản hồi kịp thời. Một yêu cầu quan trọng cần chú ý nữa là trong tuyên truyền về vận động bầu cử, cần phải bảo đảm cao nhất sự công bằng, bình đẳng giữa người ứng cử được giới thiệu với người tự ứng cử; người ứng cử có chức vụ cao với người ứng cử không có chức vụ hoặc chức vụ thấp hơn. Tất cả nhằm để cử tri nắm chắc, từ đó có sự lựa chọn chính xác, bầu ra những đại biểu có năng lực, trình độ, tâm huyết vì việc của nước, của dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chất lượng đại biểu đặt lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.