(HNM) - Nghiện ma túy được coi là một loại bệnh khó chữa, nhưng có thể chữa khỏi.
Thực tế, nhiều người đã cai nghiện, từ bỏ ma túy một thời gian dài nhưng rồi vẫn tái nghiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tái nghiện, trong đó có sự xa lánh của cộng đồng. Anh Nguyễn Ngọc Tuyền, trú tại tổ dân phố Đoàn Kết, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) kể, vào năm 2011, anh bước ra khỏi Trung tâm Giáo dục - Lao động Vũ Oai (Quảng Ninh) sau hai năm vật vã chống lại sự hành hạ của những cơn nghiện.
Được trở về nhà, anh Ngọc Tuyền tự hứa “không bao giờ trở thành thằng nghiện nữa”. Anh tự tin, tỏ rõ khát khao hòa nhập cộng đồng nhưng ai ai cũng nhìn anh bằng ánh mắt dò xét, đề phòng, thậm chí có người tỏ ý khinh bỉ. Có những lúc tôi tưởng mình không thể vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của người đời. Rồi tôi tự nhủ mình phải làm lại, phải chứng minh cho mọi người thấy rằng mọi sai lầm đều có thể sửa chữa”, anh Nguyễn Ngọc Tuyền nhớ lại.
Công an phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình thăm hỏi, động viên hội viên CLB B93 |
Vượt qua sự kỳ thị, sau 6 năm từ bỏ ma túy, anh Ngọc Tuyền hiện là chủ một doanh nghiệp vận tải hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Anh Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết, sau cai, người từng nghiện ma túy phải vùng vẫy để thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy. Chiến thắng chính mình đã khó, vượt qua sự mặc cảm do thái độ xa lánh của cộng đồng còn khó hơn. “Nếu không đủ bản lĩnh thì chắc chắn tôi không thể từ bỏ ma túy, không thể thành lập Viện PSD để hỗ trợ những người có hoàn cảnh tương tự”, anh Lê Trung Tuấn khẳng định.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Lê Trung Tuấn kêu gọi cộng đồng thay đổi thái độ ứng xử với người nghiện, giúp họ có điểm tựa vững vàng để quay trở về với cuộc sống bình thường.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, một nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ tái nghiện ở mức cao là công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng chưa thực sự được các ngành, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương quan tâm. Kết quả thống kê của nhiều tỉnh, thành phố cho thấy, từ năm 2012 đến nay mới có gần 3.000 cá nhân, hộ gia đình có người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương được vay vốn ưu đãi để tạo dựng cuộc sống. Số tiền cho vay mới đạt hơn 26 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói: “Bị kỳ thị, không tìm được việc làm là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tái nghiện cao, tệ nạn ma túy có diễn biến phức tạp. Con đường trở về của người nghiện ma túy, vì thế, còn nhiều gập ghềnh, trắc trở”.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ tại cộng đồng
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB&XH, mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” (do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng thành lập tại 33 tỉnh, thành phố) thu hút hàng nghìn người nghiện, người sau cai nghiện tham gia sinh hoạt. Sử dụng phương pháp tâm lý để hỗ trợ người nghiện, Viện PSD đã giúp đỡ nhiều người nghiện tìm lại lẽ sống tích cực; hơn 60% người sau cai không tái nghiện. Viện nghiên cứu này cũng đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng cho công tác tổ chức tập huấn, truyền thông về phòng, chống ma túy cho hàng trăm nghìn lượt người…
Tại Hà Nội, Câu lạc bộ tình thân B93 được thành lập ở nhiều xã, phường đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều người sau cai nghiện. Điển hình là quận Cầu Giấy với mạng lưới Câu lạc bộ tình thân B93 phủ kín tất cả các phường. 70% số người tham gia sinh hoạt tại đây có việc làm ổn định. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và cung ứng nhân lực toàn cầu Invenco (số 82B, đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) phối hợp với Viện PSD hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động sau cai nghiện.
Ngoài Hà Nội, một số tỉnh, thành phố khác cũng có những mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng thiết thực, hiệu quả. Có thể kể đến trường hợp anh Tống Duy Thanh (xóm Chợ II, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), từ một người nghiện, một tội phạm liên quan đến ma túy đã trở thành tình nguyện viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Những ví dụ kể trên cho thấy việc cai nghiện, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy là công việc vô cùng khó khăn, nhưng không phải không thể. Nếu bản thân quyết tâm, nếu gia đình, cộng đồng không kỳ thị, xa lánh và chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt, người nghiện ma túy hoàn toàn có thể từ bỏ “nàng tiên nâu”, trở lại với cuộc sống đời thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.