Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần lộ trình triển khai đồng bộ

Hồ Bách| 27/11/2017 06:20

(HNM) - Để sử dụng tiện ích công nghệ thay thế sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân nhằm giảm các thủ tục hành chính liên quan quản lý dân cư thì ngoài việc nhập dữ liệu, còn rất nhiều việc phải làm và cần một lộ trình triển khai đồng bộ.

Cần quy định chuyển tiếp

Việc Chính phủ thông qua đề xuất của Bộ Công an về thay thế sổ hộ khẩu là một việc làm được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên, khi bỏ phương thức quản lý cũ đã tồn tại lâu năm, chuyển sang phương thức mới phải cần một lộ trình hợp lý, đồng bộ.

Biện pháp quản lý bằng sổ hộ khẩu sẽ dần được chuyển sang phương thức mới. Ảnh: Bá Hoạt


Theo tính toán của Bộ Công an, lộ trình thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm nhất đến năm 2019 sẽ hoàn thành. Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành, địa phương nên việc bảo đảm an toàn thông tin bí mật đời tư, bảo mật dữ liệu theo phân cấp được cơ quan này đặt ra chặt chẽ. Hiện có 16 địa phương thí điểm cấp căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân; từ nay đến năm 2020, 47 tỉnh, thành phố còn lại sẽ triển khai thực hiện. Như vậy, có thể hiểu, ít nhất là đến năm 2020 mới có thể bỏ được sổ hộ khẩu.

Khi bỏ sổ hộ khẩu sẽ có hàng loạt các quy định khác phải sửa cho phù hợp, vì hiện nay, kể cả bản kê khai sơ yếu lý lịch, kê khai tài sản, đơn xin việc, đơn xin học… vẫn khai hộ khẩu. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, các cơ quan chức năng cần có "quy định chuyển tiếp" để tạo điều kiện cho người dân. Trong trường hợp các thủ tục, hồ sơ người dân đã hoàn thiện trước đó, khi có "quy định chuyển tiếp", người dân sẽ được cập nhật các thông tin mới, đồng thời thông tin cũ còn nguyên giá trị theo quy định của pháp luật.

"Không phải áp dụng hình thức quản lý mới là các thông tin mà người dân cung cấp trước đó theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân cũ hết hiệu lực. Các cơ quan chức năng nên rút kinh nghiệm từ việc cấp đổi chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ căn cước công dân 12 số, thiếu giấy tờ xác nhận việc chuyển đổi này đã gây khó cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch dân sự. Từ đó, có thể dự liệu các tình huống phát sinh để có phương án khắc phục. Ngoài ra, tại nhiều địa phương khó khăn, hay các vùng núi, hải đảo xa xôi, khi chuyển sang quản lý hành chính bằng công nghệ thông tin sẽ gặp nhiều bất cập, cần phải có sự quyết tâm đổi mới, cũng như nguồn kinh phí đủ lớn cho quá trình này" - ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp

Ngoài nội dung nêu trên, thực hiện Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư, hộ tịch. Đơn cử như bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Cùng với đó là bỏ giấy chuyển hộ khẩu (HK07) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an; bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an.

Về thủ tục đăng ký tạm trú tại công an cấp xã, Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua số định danh cá nhân. Từ đó, cần bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP.

Hiện, việc sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi đó, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 đã được thông qua chưa thấy có kế hoạch sửa đổi các bộ luật được Nghị quyết 112/NQ-CP nhắc tới. Tuy nhiên, Chính phủ có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình gần nhất (cho chương trình làm luật năm 2018).

Ở góc nhìn khác, luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nhìn vào con số thì thấy số luật và văn bản có liên quan phải sửa khá nhiều nhưng quan trọng là lựa chọn cách làm. Để bỏ sổ hộ khẩu, không nhất thiết sửa toàn bộ các luật. Một luật cũng có thể sửa được tất cả các luật. “Ở đây có chung một vấn đề, đó là về hộ khẩu, chứng minh nhân dân..., khi các luật này chưa đồng nhất với nhau thì có thể xây dựng một luật để sửa, bãi bỏ những quy định trong các luật không phù hợp” - luật sư Cao Minh Vượng đề xuất.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, nếu vấn đề nào có lợi cho đông đảo người dân, được người dân đồng tình mà vướng các quy định hiện hành thì Quốc hội nên sớm sửa đổi các luật liên quan; thậm chí, vấn đề hộ khẩu nếu thực sự cấp thiết thì có thể áp dụng Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo phương thức một luật sửa nhiều luật và thảo luận, thông qua tại một kỳ họp.

Nghị quyết 112/NQ-CP là cơ sở để chúng ta thực hiện mục tiêu tới năm 2020 sẽ xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Vì vậy, quan trọng nhất hiện nay là cần lộ trình triển khai đồng bộ cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực, chuẩn bị nguồn vốn cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần lộ trình triển khai đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.