(HNM) - Thời gian từ nay đến ngày 31-3-2017 phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sau dồn điền, đổi thửa; ngày 30-6-2017 hoàn thành toàn bộ công tác cấp GCNQSDĐ không còn nhiều, trong khi số tồn đọng đều là trường hợp “gai góc”...
Trả kết quả giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “một cửa” quận Ba Đình.Ảnh: Trung Kiên |
Chỉ rõ nguyên nhân
Phân tích về các trường hợp tồn đọng, thành viên Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã chỉ rõ, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan là do nhiều trường hợp chưa có bản đồ địa chính; đất do các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương; đất còn tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm, giao trái thẩm quyền do lịch sử để lại… Về chủ quan là do chính quyền một số địa phương chưa sâu sát, quyết tâm thực hiện; cán bộ thụ động, chờ hướng dẫn của ngành chức năng thành phố, không kịp thời rà soát, đề xuất biện pháp giải quyết. Đây là lý do vì sao hàng chục nghìn hộ chưa làm thủ tục kê khai hồ sơ, nguồn gốc đất, điển hình như huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, quận Hoàng Mai có tỷ lệ cao.
Tại các buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt lưu ý các địa phương về tình trạng cán bộ chưa bao quát hết công việc, chưa làm hết trách nhiệm, thiếu sát cơ sở. Tuy các tổ công tác liên ngành của thành phố hướng dẫn rất cụ thể, cơ chế thông thoáng, nhưng một số địa phương vào cuộc chưa hiệu quả.
Ở góc độ cơ quan chuyên môn, Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, do tình trạng chung về quản lý “chay” hồ sơ địa chính, nên nhiều quận, huyện không cấp được GCNQSDĐ. Tháo gỡ việc này, UBND thành phố và Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để vận dụng trong quá trình triển khai công việc. Đối với một số xã chưa có bản đồ địa chính, thành phố cho phép vận dụng tất cả các giấy tờ có liên quan, kết hợp đo đạc thủ công để cấp GCNQSDĐ cho người dân. Dù vậy, không phải địa phương nào cũng áp dụng đúng và hiệu quả. Cũng chính vì phân loại các dạng tồn đọng chưa tốt nên ở một số địa phương, số liệu báo cáo không đồng nhất, thậm chí có nơi thực tế rất khó khăn.
Khẩn trương, nhưng không nóng vội
Thời gian dành cho các quận, huyện, thị xã rà soát, xét duyệt cấp GCNQSDĐ theo kế hoạch không còn nhiều, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương phải khẩn trương, dồn lực thực hiện với quyết tâm cao nhất. Theo các thành viên Đoàn giám sát của HĐND thành phố, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhưng không vì thế mà nóng vội, làm ào ạt thiếu cơ sở pháp lý, dễ phát sinh khiếu nại.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, đối với các trường hợp tồn đọng, quận, huyện, thị xã phân loại, soi chiếu với các quy định để thực hiện cấp GCNQSDĐ, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng; cần chỉ rõ những trường hợp chồng lấn với diện tích đất rừng, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, tranh chấp chưa giải quyết để kiến nghị thành phố xử lý. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm trong kê khai, cấp GCNQSDĐ đến người dân, chính quyền các cấp cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Các tổ công tác liên ngành của thành phố tiếp tục vào cuộc, đến từng quận, huyện, thị xã trao đổi, tháo gỡ vướng mắc từng trường hợp.
Hiện nay, Sở TN-MT đã đề xuất với UBND thành phố các bước giải quyết. Trong đó, giao UBND cấp huyện lập kế hoạch hằng tuần, hằng tháng và phân công rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân. Đối với các khu tập thể cũ chưa bàn giao cho địa phương, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát phân loại để thực hiện theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BXD và các quy định hiện hành.
Đối với các trường hợp không phù hợp với quy hoạch, nếu chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất thì thực hiện đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận theo quy định và ghi chú "Thửa đất nằm trong quy hoạch”... Trường hợp có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa thực hiện, không có khả năng giải phóng mặt bằng, UBND quận, huyện, thị xã làm việc với các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp trình UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ chứng minh hoặc giấy tờ chứng minh nghĩa vụ tài chính không đúng mẫu quy định, giao UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê gửi Cục Thuế Hà Nội để cùng các sở, ngành tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.
Ngoài những giải pháp này, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu kiến nghị, Sở TN-MT điều động tổ công tác, cùng với địa phương rà soát các dạng vướng mắc; dạng nào cấp được, quận sẽ chỉ đạo giải quyết; dạng nào không cấp được thì trả lời cho người dân. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nhiều trường hợp không thể giải quyết ngay (như đất các cơ quan, đơn vị, nông trường phân cho cán bộ, chưa bàn giao cho chính quyền địa phương, giao đất trái thẩm quyền thất lạc hồ sơ...) nên thành phố cần tổng hợp, không đưa vào tiến độ thực hiện nhằm tránh tình trạng chạy theo tiến độ, làm nóng vội, thiếu chặt chẽ.
Điểm mấu chốt, theo các thành viên Đoàn giám sát là cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội: Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận được cấp có thẩm quyền giao, cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm. Có như vậy, các địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mới tăng trách nhiệm, tăng quyết tâm giải quyết việc khó, hoàn thành mục tiêu đặt ra, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.