(HNM) - Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thử thách trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Vành đai 4), nhưng về đích đúng hẹn là cam kết mà lãnh đạo 7 quận, huyện đã đặt bút ký. Đây là những cam kết thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của các địa phương trước những việc khó của thành phố...
Cam kết về đích đúng hẹn
Đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng, hầu như càng về cuối càng khó khăn. Cho nên, tâm lý chung của lãnh đạo các địa phương là không chủ quan. Tất cả đều chung một ý chí quyết tâm về đích đúng hẹn như khi đặt bút ký giao ước thi đua của 15 quận, huyện, thành phố thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Đối với huyện Mê Linh, địa phương đã hoàn thành phần khó nhất là di dời 370 ngôi mộ nằm trong diện giải phóng mặt bằng, nhưng phần đất ở cũng có những vướng mắc cần quan tâm. Ngay từ đầu, huyện đã xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng với lộ trình 4 đợt rất rõ ràng. Sau 2 đợt đầu thuận lợi, hiện nay, huyện đang tiến hành đợt 3, dự kiến kết thúc ngày 15-3 với diện tích giải phóng mặt bằng là 4,9ha. Còn trong đợt 4, huyện sẽ tập trung giải quyết các trường hợp vướng mắc. “Cơ bản chúng tôi sẽ hoàn thành tiến độ như đã đề ra”, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.
Đối với huyện Hoài Đức, khó khăn lớn nhất hiện nay là di dời hàng trăm ngôi mộ còn lại, chủ yếu thuộc 2 nghĩa trang phải giải phóng mặt bằng hoàn toàn và xây dựng nghĩa trang mới. Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi là các mộ này đều là mộ lâu năm, không phải mộ hung táng. Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại khẳng định: “Có nghĩa trang là chúng tôi sẽ di chuyển mộ được ngay”. Về mốc tiến độ ngày 30-6-2023, lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết sẽ bàn giao được khoảng 82% tổng mặt bằng cho thành phố.
Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, đường Vành đai 4 đi qua huyện dài 7,9km trên địa bàn 6 xã với tổng diện tích phải thu hồi hơn 84ha và 496 ngôi mộ. Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng nhìn chung thuận lợi. Huyện cam kết đạt tiến độ sớm trước yêu cầu của thành phố từ 1 đến 3 tháng.
Các huyện: Đan Phượng, Sóc Sơn, Thường Tín cũng cho thấy đang quyết tâm biến cam kết thành hiện thực. Công việc giải phóng mặt bằng đang được triển khai quyết liệt, kiểm đếm từng ngày và tiến những bước vững chắc để về đích trên tinh thần không phải máy móc là đến ngày 30-6-2023 hoàn thành 70%, mà cố gắng làm xong càng sớm càng tốt.
Trong số 7 quận, huyện có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, quận Hà Đông được cho là gặp nhiều khó khăn nhất và cũng là địa phương đạt tỷ lệ thấp hơn các huyện trong đợt giải phóng mặt bằng năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do đối với đất nông nghiệp, người dân mong muốn chính sách bồi thường cao hơn so với các huyện, nên quận phải tuyên truyền, vận động vất vả hơn. Trong khi đó, đối với đất ở, khu tái định cư được xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Oai, nên quận có phần không chủ động được. Việc di dời mộ cũng phải chờ hoàn thành nghĩa trang mới thay vì chỉnh trang mở rộng nghĩa trang hiện có; tuy nhiên, dự kiến trong tháng 4, việc này sẽ được hoàn thành. Mặc dù khó khăn, nhưng Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân khẳng định: “Quận cam kết trong tháng 6, sẽ hoàn thành hơn 70%, cuối năm 2023 phấn đấu hoàn thành 100%”.
Hiện thực hóa khát vọng
Tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như dự án đường Vành đai 4 thì hai nhiệm vụ trên là vô cùng quan trọng. Có thể nói đây chính là “chìa khóa” quyết định sự thành công của dự án.
Để bảo đảm về đích đúng hẹn với kết quả tốt nhất, điều quan trọng là các cấp, các ngành, các quận, huyện phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố về tầm quan trọng, ý nghĩa của Dự án đường Vành đai 4. Triển khai dự án là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”. Từ đó, tiếp tục duy trì sự tập trung cao độ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm không bàn lùi, chỉ bàn tiến như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, điểm mấu chốt nhất, quyết định nhất vẫn là sự ủng hộ của người dân.
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, các quận, huyện phải tập trung ưu tiên làm thật tốt việc di dời mồ mả. Đây vẫn là nhiệm vụ “vô cùng quan trọng”, vì liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa truyền thống, rất nhạy cảm. Kết quả thực hiện đợt 1 trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các địa phương đã làm rất tốt, nhưng phần còn lại nhất là những nơi có nghĩa trang phải làm mới như huyện Hoài Đức, quận Hà Đông càng phải chú ý làm tốt hơn nữa. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền cần gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, có biện pháp cụ thể giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, chú ý huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, phụ nữ, cựu chiến binh, người có uy tín trong cộng đồng... để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, từng địa phương vẫn phải duy trì các nguyên tắc căn bản là công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy trình, quy định pháp luật, tôn trọng người dân, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của người dân; bảo đảm quyền lợi chính đáng và ở mức cao nhất cho người dân theo quy định.
“Đề nghị lãnh đạo các quận, huyện phải bám sát việc thực hiện ở từng phường, xã, vừa kịp thời hỗ trợ cơ sở tháo gỡ vướng mắc, vừa không để xảy ra sai sót. Dự án mang tầm quốc gia, có ý nghĩa chính trị rất lớn, phải cố gắng làm thật tốt”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo như vậy khi kiểm tra thực địa dự án.
Các địa phương cần nắm chắc yêu cầu mà Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo trong Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội” và 7 lưu ý của đồng chí Bí thư Thành ủy tại hội nghị giao ước thi đua của 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) ngày 30-9-2022. Những nội dung bao hàm cả những giải pháp căn bản nhất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 bảo đảm đúng nguyên tắc, chất lượng, hiệu quả, hợp lòng dân.
Về đích đúng hẹn đã là cam kết, mà đã nói là làm, đã làm phải quyết tâm, quyết liệt. Đây cũng chính là tinh thần được các quận, huyện, phường, xã, thị trấn nơi đường Vành đai 4 đi qua đã, đang và sẽ thực hiện. Tất cả đều ý thức rõ, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là cuộc sát hạch của ý chí quyết tâm, trình độ, năng lực lãnh đạo của tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo; là cuộc sát hạch của niềm tin hướng tới mục tiêu đã định.
Đồng hành cùng các địa phương, các cấp, các ngành thành phố, cả các ban Đảng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn - Hội cấp thành phố cũng đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vừa kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, động viên khen thưởng nơi làm tốt, nhưng cũng sẵn sàng đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm nếu chậm trễ, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm. Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được phân công theo dõi địa bàn cũng đã và đang “đồng cam cộng khổ” cùng địa phương. Tất cả đang cùng hướng về đích.
Thông tin từ hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cho thấy, tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn hai địa phương cũng đang rất khả quan. Cùng với nỗ lực của thành phố Hà Nội, việc thực hiện dự án đường Vành đai 4 có thể nói đang tiến từng bước vững chắc.
Đường Vành đai 4 là dự án, một công trình, một sản phẩm cụ thể hóa quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khát vọng thể hiện ý chí vươn lên xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Khát vọng cao cả ấy đã và đang được nhân dân và cán bộ Hà Nội với ý thức nêu gương và trách nhiệm đi đầu hiện thực hóa với quyết tâm lớn hơn bao giờ hết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.