(HNM) - Việc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công cần được nghiên cứu một cách cụ thể, toàn diện và hiệu quả hơn.
Việc cải cách chính sách tiền lương sẽ gắn với năng suất, chất lượng lao động. Ảnh: Tuấn Vũ |
Khuyến khích người tài
Theo thông tin tại tọa đàm khoa học về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và cải cách chính sách tiền lương” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tuần qua, dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương có rất nhiều điểm mới. Ở khu vực công, cơ cấu tiền lương thiết kế gồm 3 phần: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (tối đa bằng 10% quỹ lương cơ bản năm). Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để tuyển dụng nhân tài.
Thang, bảng lương hiện hành bị bãi bỏ, thay vào đó là hệ thống bảng lương mới, gồm hai bảng lương, một dành cho các chức danh, vị trí việc làm, một dành cho cán bộ làm về chuyên môn. Mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay cũng bị bãi bỏ, thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động. Cùng với đó, mức tiền lương thấp nhất ở khu vực công được xác định là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp. Quan hệ tiền lương sẽ được mở rộng. Với mức như hiện nay, lương thấp nhất của công chức, viên chức đạt hơn 4,1 triệu đồng/người/tháng; lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 có thể đạt gần 27 triệu đồng hoặc hơn 33 triệu đồng/người/tháng. Với người lao động trong các doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh để bảo đảm mức sống tối thiểu đặt trong mối quan hệ với thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc phân phối lao động, gắn với năng suất, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ và mức đóng góp của người lao động nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các nhà quản lý, nhà khoa học. Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cải cách tiền lương được đề xuất chính là giải pháp hữu hiệu để khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế hiện hành. Nếu được triển khai, người lao động ở khu vực nhà nước và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Đặc biệt, lao động trình độ cao, lao động đặc thù có môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển, cống hiến tài năng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) khẳng định: Dự thảo đề án cải cách chính sách tiền lương hướng tới sắp xếp, phân bố lại hệ thống thang, bảng lương. Điểm mới đáng chú ý là cơ chế trả lương có sự phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Thủ trưởng các đơn vị có thể dùng quỹ tiền thưởng để tuyển dụng, sử dụng, khuyến khích nhân tài. Dự thảo đề án cũng cho phép các địa phương có quyền quyết định mức tiền lương cao hơn, nếu địa phương đó tự cân đối được ngân sách nhà nước, tự bảo đảm được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định.
Không để “lọt lưới” an sinh
Giữ vững quan điểm “BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH được thiết kế theo chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro.
Theo đó, tầng thứ nhất của hệ thống BHXH là phổ cập toàn dân, dựa trên đánh giá gia cảnh. Tầng thứ hai là hưu trí, dựa trên đóng góp gắn với thu nhập. Tầng ba là bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn khi nghỉ hưu.
Điểm khác biệt của đề án so với chính sách đang thực thi còn thể hiện ở thời gian tham gia BHXH. Theo dự thảo đề án, người lao động tham gia BHXH từ 10 năm trở lên mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Người lao động rời khỏi hệ thống BHXH trước thời điểm 10 năm chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Tiền lương hưu được điều chỉnh độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc. Ngoài ra, dự thảo tiếp tục đặt vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, thời gian điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021. Dự kiến, người lao động bình thường, trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng hoặc 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả nước phấn đấu có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 45% số người nghỉ hưu được hưởng lương hưu vào năm 2021 và đến năm 2025, tỷ lệ này lần lượt tăng lên 45% và 55%,… Đối tượng chính sách BHXH tập trung mở rộng là lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, người dân sống ở nông thôn.
Ông Đặng Kim Sơn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức sẽ khả thi, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Người lao động thấy rõ việc tham gia BHXH mang lại lợi ích về nhiều mặt, bản thân họ sẽ chủ động tham gia. Việc áp dụng các hình thức hỗ trợ nên được thí điểm ở khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng cà phê, làng nghề,… trước khi nhân rộng.
Chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Thực hiện tốt các chính sách sẽ tạo ra lưới an sinh xã hội vững chắc, bền chặt, có khả năng bảo vệ nhiều nhóm đối tượng. Do vậy, việc cải cách toàn diện các chính sách là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, cần được tiến hành cẩn trọng, khoa học, tôn trọng quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.