(HNM) - Hiện nay, tổ chức công đoàn (CĐ) có 103.245 công đoàn cơ sở (CĐCS) với hơn 6,8 triệu đoàn viên trong tất cả các loại hình DN và thành phần kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hạn chế chung nhất của CĐCS cả trong và ngoài khu vực nhà nước hiện nay là được giao nhiều nhiệm vụ, nhiều quyền hạn nhưng thực tế lại chưa có đủ điều kiện và khả năng thực hiện.
Thiệt thòi khi chỗ dựa còn yếu
Khảo sát thực tế tại khu nhà trọ quanh Xí nghiệp May Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi nhận thấy là đến cữ trời nhập nhoạng tối, vào giờ tan ca, dường như chị em công nhân cảnh giác hơn. Phải thuyết phục mãi họ mới chịu đồng ý cho nhà báo về thăm nơi trọ. Theo chân các cô băng qua một cánh đồng rộng, con đường vắng dài hun hút mới đến khu "tổ ấm" là dãy nhà cấp 4. San sát như chuồng chim cu, mỗi "tổ ấm" khoảng 10m2 nom cũ kỹ. Bàn tay con gái chăm chút dù khéo léo đến đâu cũng không che được vẻ thô kệch của mảng tường loang lổ được bưng bằng giấy. Đồ đạc xếp hết cả dưới đất. Một cái bếp dầu, ba cái hòm tôn giống nhau; một đống chiếu to tướng cuộn thu lu ở chân tường; thêm mấy cái xô, chậu… Mùi ẩm mốc, mùi của quần áo, mùi bếp dầu, mùi mắm… tạo ra một thứ không khí đặc quánh. Thúy quê ở Lạng Sơn - một trong những chủ nhân của phòng trọ bẽn lẽn giải thích: "Toàn bộ sinh hoạt của chúng em, từ ăn, ngủ, đến nghỉ ngơi đều ở trên chiếu, thế lại tiện bởi bọn em chuyển nhà liên tục, có muốn nằm giường cũng không được, nhà chật quá!".
Sau dãy nhà trọ lụp xụp, có bao cảnh đời công nhân đang vất vả với cuộc sống. |
Ở khu công nghiệp Gia Lâm, dường như ai cũng biết đến hoàn cảnh chị Phan Thị Hồng H., ngoài 40 tuổi, từng làm tổ trưởng một công đoạn sản xuất giày của một công ty đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm. Từ quê ra Hà Nội làm công nhân với thâm niên gần hai chục năm, những tháng năm tuổi trẻ chị như con tằm nhả tơ, vắt kiệt sức ra để kiếm sống. Chị đã tự ép mình trong mức sống tằn tiện để ky cóp gửi chút tiền về quê cho gia đình. Câu chuyện của chị éo le hơn, khi nuôi các em phương trưởng, đúng vào lúc chị cảm nhận chút hạnh phúc mong manh thì nó đổ vỡ. Người đàn ông theo đuổi chị H. từng ấy năm buông xuôi, lạnh lùng nói lời chia tay vì không đủ dũng cảm chấp nhận người vợ tương lai bận dài với những ca kíp mỗi ngày, chẳng có thời gian chăm chút cho nhan sắc, chẳng có thời gian nuôi dưỡng tình yêu… Vượt qua những đổ vỡ tình cảm, qua những đêm tan ca một mình lủi thủi, là phụ nữ chị vẫn cần lắm sự quan tâm, chút vỗ về của một người đàn ông. Còm cõi cùng trống vắng, rồi cái gì phải đến cũng đến, chị H. đã vượt qua dư luận để lặng lẽ thực hiện thiên chức của người phụ nữ: Chị đã làm mẹ, mặc cho người đời đàm tiếu.
Những trường hợp nữ công nhân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như Thúy, như chị H. ở các KCN không phải là hiếm. Họ từ nông thôn ra thành thị, ở độ tuổi 18-25, thời kỳ đẹp nhất của đời người. Nhưng xem ra các cô còn quá nhiều việc phải lo trước khi nghĩ đến chuyện tìm người yêu. Với họ, những ngày ở thị thành là những chuỗi ngày đơn điệu với quẩn quanh công việc từ nhà máy đến khu phòng trọ. Sáng làm từ 7h và kết thúc lúc 21h, những ngày chủ nhật hiếm hoi của người công nhân khu công nghiệp phần lớn để… nghỉ ngơi dưỡng sức. Cuộc đời cứ bình lặng trôi qua để đến một ngày, họ chợt ngỡ ngàng soi gương thấy mình đã ở giai đoạn "cho hai chân vào vại". "Quá lứa lỡ thì" với đàn ông thì không sao, nhưng với hình ảnh người nữ công nhân, khi có những người đàn ông đến làm quen mới chỉ ngồi một lát, chưa vào chuyện "tình củm" đã thấy các nàng gật gù, hai mắt díu lại, trả lời thì nhát gừng... thì còn ai dám yêu thương và tìm hiểu? Nhiều thanh niên từ nông thôn ra thành thị làm công nhân tâm sự, những năm đầu họ rất hoang mang vì thiếu chỗ dựa, may mắn cho họ nếu nơi làm việc có tổ chức CĐ hoạt động có hiệu quả, chủ doanh nghiệp quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, ngược lại sẽ rất thiệt thòi và nguy hiểm, bởi ngoài chuyện lo toan cơm áo, gạo tiền, những người công nhân trẻ phải từng ngày đối mặt với cám dỗ, sự tấn công của tệ nạn xã hội...
Và thế là thiệt thòi sẽ đến với những ai không đủ bản lĩnh, bị sa ngã, hoặc không chịu được gian khổ, phải... "hồi hương".
Sẽ có một công cụ pháp lý bảo vệ hữu hiệu
Theo ông Nguyễn Văn Ngàng, hạn chế chung nhất của CĐCS cả trong và ngoài khu vực nhà nước hiện nay là được giao nhiều nhiệm vụ, nhiều quyền hạn nhưng thực tế lại chưa có đủ điều kiện và khả năng thực hiện. Đối với khu vực ngoài nhà nước, cán bộ CĐCS cũng là NLĐ làm thuê cho chủ DN, phải chịu nhiều áp lực về việc làm, thu nhập... do đó rất khó khăn khi dám đấu tranh vì sự nghiệp của tổ chức CĐ và quyền lợi NLĐ, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ cán bộ CĐ.
Trên thực tế, quan hệ lao động trong một số doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do chính sách tiền lương tối thiểu theo vùng còn nhiều bất cập, nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, BHLĐ, điều kiện lao động… một bộ phận CNLĐ trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, kỷ luật lao động còn thấp. Đó cũng là nguyên nhân xảy ra 18 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trên địa bàn thành phố, trong đó 16 cuộc xảy ra tại các khu CN tập trung.
Chúng tôi đã có nhiều dịp tham dự buổi họp của các doanh nghiệp có sử dụng công nhân. Điều quan tâm nhiều nhất trong cuộc họp hội tụ cả ba chủ thể là nhà đầu tư - công nhân - các cơ quan chức năng của Nhà nước, cuối cùng cũng chỉ phần nhiều bàn đến lợi ích kinh tế, còn đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của NLĐ hầu như bị lãng quên. Các địa điểm vui chơi, giải trí của nhà máy, xí nghiệp thì hầu như không có, còn các hoạt động đang diễn ra bên ngoài như ca nhạc, phim ảnh lại vượt quá xa mức thu nhập của họ. Vì vậy mà hầu hết thời gian nghỉ của người công nhân, kể cả những ngày chủ nhật hiếm hoi đều dành cho ngủ để... dưỡng sức. Những ai cảm thấy "đói" văn hóa hoặc ham hiểu biết lắm, thì cũng chỉ có cách đi xem ti vi nhờ!?
Hai mươi lăm năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Có biết bao nhiêu CN đang ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Tuy chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước.
Để thực hiện CNH - HĐH đất nước, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn có nhiều thanh niên nông thôn đem theo ước vọng từ quê lên thành phố để được trở thành công nhân. Và để có được đội ngũ công nhân lành nghề, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, thì chỉ với những thanh niên có sức khỏe, có khát vọng trở thành công nhân là chưa đủ, họ cần được đào tạo nghề, bồi dưỡng lối sống và tác phong công nghiệp, được chú ý chăm sóc về đời sống vật chất cũng như tinh thần... nhưng cần nhất vẫn là những công cụ pháp lý hữu hiệu, sự hoạt động có hiệu quả của các tổ chức CĐ để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và đời sống cho công nhân; để họ có một tương lai tươi sáng hơn, có điều kiện gắn bó, cống hiến, không còn phải rơi vào cảnh: một thoáng... đời công nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.