(HNM) - Tình trạng vi phạm trật tự bùng phát trở lại trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy, đó là bài học đắt giá không chỉ đối với riêng tập thể cơ quan, tổ chức mà còn đối với cả những cá nhân là cán bộ, đảng viên, nhân viên trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Kỷ cương, phép nước còn đâu?
Có lẽ chưa khi nào những vi phạm trật tự xây dựng lại gây bức xúc nhiều như thời gian vừa qua. Trước thềm kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội khóa XIV vừa qua, cử tri Thủ đô có dịp tiếp xúc với cả đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND TP. Điều đặc biệt là trong cả hai đợt tiếp xúc cử tri nói trên, vấn đề thời sự nổi bật của TP là tái bùng phát tình trạng vi phạm trật tự xây dựng được cử tri đề cập rất nhiều. Điều cử tri và người dân bức xúc nhất, băn khoăn nhất là tại sao những vi phạm nổi cộm lên tới hàng ngàn mét vuông lại có thể xảy ra ở nơi chỉ cách trụ sở Quận ủy hay trụ sở HĐND, UBND quận Hai Bà Trưng, đặc biệt là cách Sở Xây dựng chỉ chưa đầy 1km, như các công trình trên phố Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, Lý Nam Đế, Đại Cồ Việt...
Công trình xây dựng tại số 55A, 55B phố Bà Triệu.
Chỉ riêng điều này thôi đã đủ cho thấy tính chất đáng báo động của các vi phạm trật tự xây dựng hiện nay. Đó là sự cố ý vi phạm của chủ đầu tư một cách ngang nhiên, trắng trợn, coi thường kỷ cương, phép nước, nếu không muốn nói là thách thức pháp luật. Khoảng cách chưa đầy 1km cũng biểu hiện sự yếu kém về trách nhiệm giám sát, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành, đặc biệt là lực lượng thanh tra xây dựng. Nó cũng đặt ra những mối hoài nghi về sự trong sáng trong thực thi công vụ của một số cá nhân, tập thể liên quan.
Năm 2006-2007 và năm 2009, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xử lý hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng, nổi bật nhất là biện pháp "cắt ngọn" các công trình vi phạm có quy mô lớn như số 9 Đào Duy Anh, số 4 Đặng Dung, tòa nhà 15 tầng ở phường Bưởi hay vụ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trên diện tích hàng ngàn mét vuông tại cánh đồng Trũng Bói, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Báo Hànộimới phản ánh qua loạt bài "Con voi chui qua lỗ kim")… Việc khó như vậy tưởng chừng không làm được, cuối cùng các chủ đầu tư đều phải chấp nhận thực hiện yêu cầu của TP. Thành công trong đợt "trấn áp" vi phạm trật tự xây dựng này đã tạo lòng tin rất lớn trong nhân dân về kỷ cương, phép nước và sự công bằng trong xã hội, đồng thời cũng khẳng định rằng, những vi phạm của chủ đầu tư dù phức tạp đến đâu, nhưng nếu cấp ủy, chính quyền đã quyết tâm quyết liệt thì đều xử lý được, thậm chí còn khiến người vi phạm "tâm phục khẩu phục".
Nhiều cán bộ ở các cơ quan TP, đại biểu HĐND TP trực tiếp giám sát về quản lý trật tự xây dựng đã khẳng định, các quy định hiện hành cho phép chính quyền các địa phương đủ cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm khắc, không cho xảy ra các vi phạm nổi cộm. Cơ sở pháp lý đầy đủ, kinh nghiệm thực tiễn đã có, thế mà các vụ vi phạm trật tự nổi cộm, thậm chí có tính chất điển hình vẫn xảy ra. Đó là tiếng chuông báo động về trách nhiệm công vụ của cá nhân cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Việc để vi phạm trật tự bùng phát trở lại vô hình trung đã phá hỏng phần nào những cố gắng rất lớn của TP trong đợt xử lý vi phạm trước đó, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền TP.
Không còn là cảnh báo
Tại hội nghị giao ban quý II-2012 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành về trật tự xây dựng, lãnh đạo TP cho biết, trong số 23 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý vừa được luân chuyển, điều động (công bố ngày 15-6-2012), có những trường hợp do không thể hiện được năng lực và trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng. Việc luân chuyển, điều động trong những trường hợp này nhằm giúp các cán bộ được bố trí lại công việc phù hợp với khả năng của mình hơn, nhưng cũng mang ý nghĩa "răn đe" nhất định.
Trong kết luận hội nghị nói trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu rõ: "Thường trực các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã và cá nhân các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Đặc biệt, Thường trực Thành ủy đã giao cho UBKT Thành ủy tiếp tục tiến hành kiểm tra, kết luận vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy, UBKT Thành ủy, Sở Nội vụ thông qua việc đánh giá công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng và xử lý các vụ việc vi phạm, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất việc điều động, bố trí thay thế cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây không còn là lời cảnh báo mà chắc chắn sẽ thành hiện thực.
Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, bài học có giá trị nhất từ đợt xử lý bùng phát vi phạm trật tự xây dựng lần này chính là công tác cán bộ. Để khắc phục tình trạng này, không gì tốt hơn là tập trung vào công tác cán bộ. Cần phải sửa đổi các quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn đối với cá nhân người đứng đầu trong quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể là bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm cán bộ đi kèm với Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 20-1-2010 của UBND TP Hà Nội về ban hành quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý việc xây dựng công trình theo giấy phép trên địa bàn TP như đề xuất của Ban Pháp chế HĐND TP, quy định rõ các trường hợp cụ thể không hoàn thành nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng phải bị kỷ luật, tái phạm phải bị hạ cấp, cách chức, thậm chí đuổi việc.
Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả các quy định ngoài sự chủ động, tự giác của người có thẩm quyền, còn cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Trong trường hợp này, phải huy động được đại biểu HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ các cấp và nhân dân vào cuộc. Để duy trì được hệ thống giám sát thường xuyên nhất định phải có cơ chế tiếp nhận và xử lý thuyết phục các vi phạm được phát hiện. Việc này phải trông cậy vào lực lượng thanh tra công vụ. Còn nhớ, tại hội nghị giao ban quý II-2012 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện (nơi có công trình vi phạm trật tự xây dựng điển hình số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu) đã nhận định: "Chính quyền, thanh tra xây dựng đã bỏ qua quy trình, quy phạm khiến vi phạm xảy ra. Nhưng thanh tra công vụ cũng buông lỏng việc kiểm tra nên đã không ngăn chặn kịp thời việc làm sai trái này". Do vậy, muốn tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, không còn cách nào khác là phải tăng cường công tác thanh tra công vụ.
Có thể thấy rõ thái độ và quyết tâm ở cấp cao nhất của TP trong việc lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Thái độ ấy, quyết tâm ấy đã tạo cho chúng ta niềm tin vào sự chuyển biến trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.