(HNM) - Có điểm gì chung giữa cánh ngư dân ăn sóng gội gió với những cựu binh tàu không số? Tôi cứ hay để ý đến bàn tay họ. Anh hùng Nguyễn Đắc Thắng có kể lại trong hồi ký rằng, để cải trang làm ngư dân, lính không số tập vuốt chão, kéo lưới hàng tháng giời, đến khi bàn tay họ tơ tớp, lớp chai nọ đùn lớp chai kia... Trải qua bao thời gian, nay thảy đã lên tuổi ông bà nhưng đôi bàn tay họ vẫn rắn chắc, sần sùi.
Đôi bàn tay ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 5, TP Hồ Chí Minh, một trong 34 người mở đường biển ra Bắc, một trong 6 người từ Bến Tre đi ngày 1-6-1961 trên con tàu buồm cánh dơi của ngư dân miền Bắc ra Hà Tĩnh, hệt thế. Đã bảy mươi mốt ta, nói chuyện thì rủ rỉ nhưng nhìn cách ông khoát tay "chém gió" phần phật thì vẫn rất hào sảng.
Ông Nguyễn Văn Đức. Ảnh: Trung Hưng |
Người làm sao chắc tính nết... hao hao làm vậy. Trong trận càn sau thất bại Ấp Bắc ở Thạnh Phú, Bến Tre quê ông tháng 1-1964, giặc tàn sát đồng bào. Trong số 21 người bị trúng bom xăng, tới bảy người là thân thích ruột thịt của ông Đức: Mẹ ông, chị gái ông (đang có thai), hai em ruột, hai đứa cháu… Khi đó, ông Đức đang làm nhiệm vụ trên tàu 69 cùng Thuyền trưởng Năm Phước chở vũ khí vào Trà Vinh. Nhiệm vụ hoàn thành, Năm Phước gọi riêng ông Đức ra vừa thông báo tin dữ vừa thủ thỉ mong ông thông cảm bởi đã biết từ trước nhưng nhiệm vụ là trên hết nên không thể cho ông hay. Ngay đêm đó, ông Đức băng rừng đước, lặn lội về nhà thắp hương cho mẹ, chị gái, các em, các cháu… Những người bị sát hại xác lẫn vào nhau, không còn phân biệt được nên người dân phải chôn tập thể. Ông ngồi trầm mặc bên ngôi mộ chung đến sáng mới đi, đè nén đau thương, cứng cỏi để trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.
Ông Đức kể: "Quãng năm 1961, Trung ương chỉ thị các tỉnh ven biển phải tìm cách mở đường liên lạc ra Bắc để có cơ sở hình thành đơn vị vận tải trên biển Đông. Cách làm là tổ chức lấy người địa phương, có kinh nghiệm đi biển, thông thạo địa hình, quen biết người dân, tập quán... địa phương. Cô Ba Định (nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định), lúc này đang là Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo. Tôi may mắn được chọn. Tỉnh Bến Tre có điều kiện tổ chức sớm, kế đến Bà Rịa, Trà Vinh, Cà Mau. Tất cả có 34 người. Trong điều kiện vùng giải phóng lõm (từng thôn, ấp), muốn thực hiện nhiệm vụ này hết sức khó khăn. Có người rồi, còn phương tiện? Lấy đâu tiền mua máy, thiết bị, rồi phải hợp thức hóa giấy tờ... Bốn tỉnh tổ chức được 5 thuyền, Bến Tre có 2, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa mỗi nơi 1. Ngày 1-6, tôi đi thuyền đầu tiên xuất phát từ Bến Tre. Sau mười ngày "lặn lội" trên biển, ngày 10-6, sáu người chúng tôi ra đến Hà Tĩnh. Sau đó, lần lượt Cà Mau ra tới Quảng Bình, Trà Vinh, Bà Rịa cũng đi. Cuối năm 1961, đầu năm 1962, cả 5 thuyền mở đường, 34 người ra Bắc an toàn.
Chuyến đi mở đường của ông Đức và 33 đồng đội có thể nói là hết sức... liều lĩnh. Phương tiện thô sơ chưa từng thấy: Của Bến Tre là thuyền đánh cá vùng Phước Hải vốn của ngư dân di cư từ Bắc vào. Ông Đức không đoán chắc nhưng hình như của ngư dân Thái Bình, Nam Định gì đó. Còn tại sao tổ chức lại quyết định cho anh em bắt đầu hải trình đầu tháng 6? Đấy là khi cuối hè, bắt đầu có gió Tây nam, xuôi gió, anh em phải "lợi dụng trời" để đi, nếu trễ hơn dễ gặp bão. Các thuyền đi sau, khoảng thời gian các tháng 7, 8, 12 đều "dính" bão. Con thuyền mở đường của ông Đức là thuyền buồm cánh dơi, tải trọng chỉ khoảng 3, 4 tấn. Lính mở đường ngồi trên thuyền khoát nước rửa tay được. Lúc gió to, cột buồm gãy, thuyền bị trôi dạt. Còn thuyền từ Bà Rịa? Anh em dùng ghe câu mực ven bờ.
Sức sáu người dư kéo lên bãi. Thế mà may mắn, thế mà suôn sẻ. Tất cả ra Bắc và về đến Hà Nội an toàn.
Không chỉ là một trong 34 người mở đường liên lạc ra Bắc, ông Đức cũng chính là người vận chuyển vũ khí vào cửa Vàm Lũng trên một trong bốn con tàu Phương Đông. Chuyến đi trên tàu Phương Đông cũng đầy ắp mạo hiểm. Tàu Phương Đông của ông Đức chết máy liên tục trên đường, may nhờ máy trưởng kỳ cựu, sửa chữa, cố gắng lết vào tới Cà Mau. Cả đời lính tàu không số, ông đã thực hiện 14 chuyến vận chuyển vũ khí thành công, trung bình mỗi chuyến 50 tấn. Có gần 10 chuyến, quãng 1968-1972, thời gian con đường huyền thoại trên biển gần như bị phong tỏa hoàn toàn, ông phải quay trở lại. Mọi biến động của biển như nằm trong lòng bàn tay ông Đức. Ông áp dụng nhiều cách đo đạc, lúc đo bằng trăng sao, khi đo bằng mặt trời hoặc bằng chim hải âu. Tiếng chim hải âu tao tác là có đảo, hải âu to, lông xám, mỏ đỏ là ở ngoài khơi, hải âu nhỏ, lông trắng là ở gần bờ. Hoặc ông dựa vào những cái mốc tự nhiên như hòn Hèo, hòn Chuối, hòn Khoai, Cù lao Xanh… đặc biệt là những đảo có hải đăng. Ông Đức bảo miền Tây tiếp nhận tàu nhiều vì đây là đồng bằng, có nhiều cửa sông, rừng nhiều, dễ vào. Vào cửa sông là tàu được ngụy trang kín đáo. Miền Trung toàn núi, không có cửa sông nên khó khăn hơn, nhất là sau này. Nhưng cái khó của miền Tây là nhiều cồn cát, không có phao tiêu, không có mục tiêu trên bờ để bám, sát bờ 2, 3 hải lý mới thấy rặng cây ven bờ, mất tàu như chơi nếu mắc cạn.
Hôm 15-4 vừa rồi, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật những chiến sĩ đầu tiên vượt biển mở đường ra miền Bắc, lập nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, chi viện vũ khí, thuốc men cho chiến trường miền Nam trên các con tàu không số. Ông Nguyễn Văn Đức là trưởng đoàn. Được Chủ tịch nước tiếp, trò chuyện, ông Đức phấn khởi lắm. Ông khoe bao nhiêu hình, đĩa phim ghi lại hôm đó. Nhưng niềm vui đó không trọn vẹn. Trong số 34 chiến sĩ đầu tiên vượt biển ra miền Bắc trên 5 con thuyền từ tháng 6-1961 đến tháng 2-1962, giờ chỉ còn lại 15 người. Buồn nữa, hầu hết đang trên giường bệnh. Trong đoàn hôm ấy chỉ có 5 người đủ sức khỏe về Thủ đô, còn lại là thân nhân. Sau khi nghe các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm những ngày tháng sống, chiến đấu trên các con tàu không số, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hết sức xúc động. Chủ tịch nước bảo: - Chỉ có sáu người, trên con thuyền mà ngồi trên lấy tay khoát nước được thì đúng là các đồng chí gan cùng mình.
Trước hôm gặp tôi một ngày, ông Đức vừa đi Quảng Ngãi về. Tại chỗ tàu 43 bị giặc chặn đánh, ông làm lễ viếng, thả hoa đăng, bồi hồi nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống. Nay ông về hưu lâu rồi, bận bịu từ khi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận mà nhiều việc vẫn áy náy. Nhiều đồng đội của ông trở lại đời thường, phải chật vật với miếng cơm manh áo, thậm chí nhiều người còn chưa có nổi mái nhà tàm tạm. Cũng hôm gặp gỡ vừa rồi, Bộ Quốc phòng đã hứa tặng 10 nhà tình nghĩa cho gia đình 10 trong số 34 người mở đường mấy chục năm trước.
Ông Đức may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Năm 1984, ông ra khỏi quân ngũ, chuyển sang làm Phó Giám đốc Công ty Dầu thực vật Marvela Nhà Bè. Năm 1996, ông về hưu, lúc mới 55 tuổi. Hỏi sao bác hưu sớm thế, ông Đức cười hiền lành: - Ở lại công tác tiếp được chớ. Nhưng khi đó, bà nhà tôi đang làm Tổng Giám đốc một công ty lớn, xuất ngoại xoành xoạch. Hai con còn nhỏ. Gia đình tôi 11 anh em hy sinh hết, chẳng có ai giúp. Hai vợ chồng đều đi mãi thì không ổn. Cứ tị với bả thì... Nhờ đó, các con cũng nên người.
Con trai ông Đức sinh ở Hải Phòng đúng thời gian "12 ngày đêm", cô con gái kém anh sáu tuổi. Cả hai đều đi du học nước ngoài. Anh con trai giờ làm cho một công ty Thụy Điển, bay Việt Nam - Thụy Điển như đi chợ. Còn cô con gái cũng đang làm cho một công ty kha khá. Mừng cho ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.