Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 9: Bóp nghẹt huyết mạch giao thông

Nhóm phóng viên| 27/11/2012 07:34

(HNM) - Quốc lộ 1A được ví như huyết mạch giao thông chính của Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy con đường này hiện nay thường xuyên bị tắc, trong đó có nguyên nhân do bị các khu công nghiệp chèn ép, bóp nghẹt...

Điều trớ trêu là khi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các nhà quy hoạch cũng như cơ quan chức năng đã rất "khôn khéo" khi chọn lựa các vị trí đắc địa kề sát các quốc lộ, nơi cửa ngõ các tỉnh, thành để giới thiệu cho các nhà đầu tư. Song ít ai nhận ra được mối nguy TNGT cho công nhân lao động và cho người dân ở những nơi tập trung nhiều KCN.

KCN nằm sát quốc lộ luôn tiềm ẩn TNGT nghiêm trọng

Sáng 26-11, chúng tôi tiếp tục hành trình từ Phan Thiết (Bình Thuận) qua Đồng Nai vào TP Hồ Chí Minh. Đoạn đường từ tỉnh Bình Thuận vào đầu tỉnh Đồng Nai khá thoáng rộng. Chỉ duy nhất đoạn qua KCN Phan Thiết là bị quá tải. KCN này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 176ha tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc và xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết. Cũng giống như nhiều KCN khác dọc quốc lộ (QL) 1A, nó được "ưu ái" chiếm vị trí đắc địa ngay ngã tư QL 1A và QL 28. KCN này hiện thu hút gần 100 doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh với hàng vạn công nhân (CN). Mật độ giao thông trên tuyến QL 1A qua đây tăng vọt khi đến giờ tan ca của CN. Mặc dù đoạn đường này khá đẹp, nhưng lưu lượng người qua lại, đặc biệt là xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa nối đuôi nhau dài đến cả cây số.


Công nhân tan ca tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Hồ Chí Minh).Ảnh: Hải Vân

Đến thị xã Long Khánh (Đồng Nai), QL 1A như bị thắt lại bởi lượng người và phương tiện tham gia giao thông cùng với các nhà máy, KCN xây lấn ra sát đường, khi tan tầm, mỗi nhà máy có đến vài trăm CN đổ ra. Bà Nguyễn Thanh Huệ, Trưởng trạm y tế xã Xuân Bình (Long Khánh) cho biết, đoạn này thường xuyên có tai nạn, nhẹ thì chạy vào trạm y tế, những trường hợp nặng phải chuyển lên tuyến trên. Theo phản ánh của dân, CN của mấy nhà máy và KCN Long Khánh thường xuyên gặp TNGT, va quệt cũng có và chết cũng nhiều. Tỉnh Đồng Nai có khoảng 30 KCN với khoảng 500.000 CN. Trong đó, số KCN dọc theo QL 1A chiếm tới hơn một nửa, ví dụ như: Long Khánh, Hố Nai, Bàu Xéo, Sông Mây, Amata, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2…

Theo Sở GTVT Đồng Nai, chỉ riêng tuyến QL 1A chạy qua tỉnh mỗi ngày lưu lượng xe ô tô khoảng 50.000 lượt, xe mô tô và gắn máy khoảng 100.000 lượt. Lượng phương tiện xe cơ giới tiếp tục tăng nhanh, ô tô tăng 8,7%, xe mô tô và xe gắn máy tăng gần 10%. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông đường bộ ngày càng xuống cấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Ông Nguyễn Bôn, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, 11 tháng qua, trên các tuyến đường bộ toàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 722 vụ tai nạn (giảm 17 vụ), bị thương 880 người (giảm 61 người), nhưng làm chết 327 người (tăng 19 người) so với năm 2011. Nếu chỉ tính riêng trên QL 1A đoạn qua tỉnh Đồng Nai, đã xảy ra 176 vụ tai nạn (tăng 6 vụ), làm chết 92 người (giảm 8 người) và bị thương 222 người (tăng 26 người) so với năm 2011.

Gắn với các KCN, các vòng xoay tại TP Biên Hòa như Tam Hiệp và ngã tư Vũng Tàu cũng trở thành những nút thắt giao thông. Người đi xe máy qua những vòng xoay này như bị kẹp giữa các luồng xe khách, xe buýt, tải ben, bồn, container. Gần đây, ở vòng xoay Tam Hiệp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Những vụ TNGT liên tiếp xảy ra ở đây khiến người tham gia giao thông cảm thấy bất an. Còn ở vòng xoay ngã tư Vũng Tàu, các luồng giao thông phức tạp hơn, các luồng xe đổ dốc về từ hướng KCN Biên Hòa 1; từ hướng dốc cầu Đồng Nai; từ hướng QL 51; từ hướng đường nội bộ KCN Biên Hòa 2; từ hướng phường An Bình đều gặp nhau ở đây. Hậu quả là mỗi năm xảy ra ít nhất vài vụ TNGT chết người do xe ô tô và xe máy đụng nhau.

Ngoài ra, bên ngoài các KCN dọc QL 1A, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để bán các loại hàng hóa phục vụ CN xảy ra khá phổ biến, nhất là vào những giờ tan tầm. Những người bán bày quần áo, đồ ăn, rau quả… la liệt ra đường. CN chen nhau xem hàng, mua hàng lấn ra hết cả phần đường của xe máy. Điển hình là khu vực trước KCN Linh Trung trên địa bàn quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) mặc dù chính quyền đã ra quân dẹp nhiều lần mà không xóa được tụ điểm này.

Lỗi từ quy hoạch

Nhằm giảm thiểu cả ba tiêu chí về TNGT, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai đã đề ra và thực hiện 3 nhóm giải pháp: Tăng cường tuyên truyền pháp luật về TTATGT; đẩy mạnh tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm TTATGT; cố gắng sớm khắc phục các điểm đen TNGT. Đồng thời, để ngăn ngừa TNGT trên các cung đường "đen", Ban ATGT tỉnh đang đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ 7 lắp đặt các dải phân cách tim đường bằng nhựa dẻo ở các đoạn đường "đen" trên QL 1 vì mặt đường qua đây hẹp, chỉ rộng khoảng 12m. Việc gắn dải phân cách tim đường sẽ ngăn ngừa được tình trạng TNGT đối đầu giữa các phương tiện, giảm xảy ra TNGT thảm khốc. Đặc biệt, để nâng cao ý thức của CN, trong những năm qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các KCN và đơn vị sử dụng lao động tiến hành tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cho CN cả ở doanh nghiệp lẫn nơi họ cư trú. Tuy nhiên, khi đánh giá kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của người lao động tại các KCN trên địa bàn, ông Nguyễn Bôn chỉ lắc đầu: "Vẫn còn yếu kém! Khó khăn lớn nhất là họ thường xuyên thay đổi chỗ ở". Số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh, hai tiêu chí về số vụ tai nạn và số người bị thương có giảm nhưng số người chết lại tăng. Còn trên QL 1A, hai tiêu chí số vụ tai nạn và số người chết đều tăng. Liệu có phải tại những bài thuốc đưa ra chưa đủ liều hoặc chưa đúng bệnh?

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, GTVT đường bộ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư phát triển để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. QL 1 từ Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau), dài 2.434km sẽ hoàn thiện toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; mở rộng một số đoạn có lưu lượng lớn đạt tiêu chuẩn đường cấp II, với 4 làn xe; thay thế toàn bộ các cầu yếu; xây dựng các tuyến tránh cần thiết tại các đô thị… Tuy nhiên, quy hoạch này quá mới so với những KCN vốn đã được đầu tư và đi vào hoạt động cách đây hơn chục năm.

Cũng giống như tình trạng phổ biến là những quy hoạch chuyên ngành thường thiếu đồng bộ với những quy hoạch tổng thể, những người xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trước đây đã chưa tính đến hoặc không tính hết những bất cập phát sinh sau khi các KCN đi vào hoạt động. Nhiều KCN lớn nhỏ đều cố gắng bám sát mặt đường và gần các đô thị để đỡ phải đầu tư thêm các hạ tầng xã hội cần thiết như nhà ở, chợ dân sinh, bệnh viện, trường học, đường sá… Đến khi đi vào hoạt động, các KCN này đã tạo áp lực quá lớn lên hệ thống hạ tầng xã hội của địa phương.

Không chỉ các KCN xây dựng chưa được tính toán kỹ về mặt quy hoạch, ngay trụ sở, cơ quan của chính quyền, các công trình của ngành điện lực, bưu điện, cấp thoát nước, xăng dầu lấn chiếm hành lang ATGT. Từ Lạng Sơn, đến Cà Mau hiện có gần 6 nghìn công trình xây dựng lấn hành lang ATGT đường bộ, trong đó có gần 200 KCN, hơn 2 nghìn khu dân cư và hơn 1 nghìn cửa hàng xăng dầu.

Rõ ràng khi QL 1A - mạch máu chính bị nghẽn mà không có giải pháp "chữa trị" hiệu quả, kịp thời, tất sẽ làm suy yếu cả nền kinh tế của đất nước. Ai có thể đo đếm được mỗi ngày chúng ta thiệt hại bao nhiêu về sinh mạng, vật chất khi QL 1A không được thông suốt, an toàn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 9: Bóp nghẹt huyết mạch giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.