(HNM) - Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Hiện nay có "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên xa rời chính Đảng của mình thì chỉnh đốn Đảng để Đảng được trong sạch là vô cùng cấp bách. Tìm hiểu kỹ Nghị quyết số 12-NQ/TƯ càng thấy phương thức lãnh đạo bằng sự gương mẫu của đảng viên, bằng trách nhiệm của người đứng đầu là vấn đề hệ trọng hôm nay.
Trước thềm Xuân Nhâm Thìn, ngày 16-1-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Tìm hiểu Nghị quyết, tôi tự đặt ra cho mình một câu hỏi để tự trả lời: Nghị quyết có gì mới?
Cơ bản, những nhận định về tình hình xây dựng Đảng, những nguyên nhân của cái được, cái chưa được trong thời kỳ đổi mới, đã được đề cập ở nhiều văn kiện của Đảng. Nghị quyết ghi rõ: “Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Vậy mà hôm nay xây dựng Đảng vẫn đang là vấn đề cấp bách. Bởi vẫn tồn tại một thực trạng “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (NQ 12/TƯ; phần “Tình hình và nguyên nhân”).
Như vậy chủ nghĩa cá nhân đã chiếm chỗ, làm lu mờ đạo đức cách mạng của một bộ phận không nhỏ trong Đảng. Dù là thiểu số, nhưng “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp” lại có những biểu hiện suy thoái nêu trên, trong đó có cả “tùy tiện, vô nguyên tắc” thì tình hình đến mức báo động cấp bách rồi. Trong cỗ máy vận hành sự lãnh đạo của Đảng lại có những chỗ then chốt tùy tiện, vô nguyên tắc thì không mang lại điều gì cho sự nghiệp của Đảng, ngoài sự phá hoại từ bên trong. Từ thực tế nghị quyết nhiều mà hiện thực không thay đổi mấy, đòi hỏi phải có cái mới hơn, quyết liệt hơn, cấp bách hơn đó là phải có hẳn một nghị quyết về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Phải chăng đây là cái mới quan trọng về nhận thức.
Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định rõ 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết này không chỉ cụ thể hóa 8 nhiệm vụ ấy, mà là toàn bộ tinh thần Đại hội XI. Trong vấn đề cấp bách thứ nhất, Nghị quyết ghi: “…củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”. Trước đây, thường chỉ nói niềm tin của dân giảm sút, phải củng cố niềm tin của dân. Nay, trong cụm từ nghị quyết nêu trên, việc “củng cố niềm tin của đảng viên” được đặt lên trước. Điều này đã chỉ rõ nguy cơ khôn lường đối với Đảng và chế độ. Trong đoạn trích Nghị quyết “một bộ phận không nhỏ…” nêu trên, hình như, lần đầu tiên văn kiện Đảng đã điểm danh “kể cả một số cán bộ cao cấp…”. Niềm tin của những đảng viên chân chính là niềm tin được kết tinh từ trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc, từ xương máu của nhân dân và từ tiến bộ của thời đại. Qua đó, việc đưa vấn đề “củng cố niềm tin của đảng viên đối với Đảng” lên trước tiên, càng khẳng định tính cấp bách của Nghị quyết và phải chăng đây lại là một cái mới.
Một Đảng phải lấy lại niềm tin với đảng viên bằng cách khắc phục những suy thoái nghiêm trọng trong nội bộ mình, rõ ràng là một việc hệ trọng, cấp bách! “Một bộ phận không nhỏ” trong Đảng suy thoái lại làm ta hôm nay phải nhắc lại lời lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác”. Việc Nghị quyết phân nhóm, điểm danh rõ hơn cái “bộ phận không nhỏ” ấy lại là tín hiệu tốt lành. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khuyên nhủ, động viên: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính”. Nghị quyết 12/TƯ thêm một lần nữa thể hiện Đảng ta quyết tâm làm theo lời Người.
Để củng cố niềm tin nơi đảng viên và nhân dân, tập thể, cá nhân đứng đầu mỗi cấp ủy phải dám tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu. Lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng đặt ra câu hỏi cuộc đời một cách cụ thể theo chiều từ trên xuống:
“Một là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại”.
Hai là, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân (xin nhấn mạnh) về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.
Ba là, các đồng chí ủy viên Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế.
Ba vấn đề trên thuộc nhóm giải pháp thứ nhất là yêu cầu mang tính chiến đấu cao và đòi hỏi tập thể, cá nhân đứng đầu các cấp ủy, trong đó đề cao tính chiến đấu với chính mình (tự phê bình) phải được thể hiện một cách cụ thể, quyết liệt. Phải chăng, trước tình hình mới với yêu cầu mới, đây cũng là cái mới.
Dân ta có câu: “Nhân cường thì tật nhược”, “Hữu xạ tự nhiên hương”; “Dậu đổ, bìm leo”. Thế nên, đảng viên chân chính và nhân dân, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài rất kỳ vọng vào sự kiểm điểm, đánh giá trung thực, khách quan, thiết thực của lãnh đạo các cấp ủy, trong đó yếu tố trung thực có vị trí riêng của nó. Trung thực với chính mình mới trung thực được với Đảng, với nhân dân. Thực hiện tốt ba vấn đề trên là nghiêm túc trả lời “câu hỏi cuộc đời” của mỗi đồng chí lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở trên nền triết lý tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh (xem Sửa đổi lối làm việc và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bác viết: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình” và tự phê bình và phê bình dựa trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Xin mượn môi trường trường học để ví von rằng, nhân dân đang là giám thị nghiêm túc khi các đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp trả lời những “câu hỏi cuộc đời” mà Nghị quyết 12/TƯ đặt ra. Nhân dân không đứng ngoài cuộc. Phát huy truyền thống yêu nước, hơn tám chục năm qua, nhân dân luôn là, mãi là lực lượng làm nên lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nghị quyết 12/TƯ có thể còn có nhiều cái mới khác nữa, nhưng để đưa toàn bộ tinh thần nghị quyết thực sự đi vào đời sống của Đảng, của đất nước, phải chăng những cái mới nêu trên cũng đủ tư cách mở đầu, tiên phong. Đảng viên chân chính và nhân dân ai cũng mơ sẽ đến ngày không còn “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Ngày ấy không xa, nếu phương châm “xây dựng Đảng là then chốt” được thực hành ráo riết trên thực tế. Môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay phải là môi trường để đảng viên, cán bộ và nhân dân cống hiến, không thể là môi trường để “chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.