(HNM) -
Đoạn từ chợ Tre đến cầu Cây Bứa chỉ dài hơn 100m thuộc địa phận thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông và dân sống hai bên đường. Ông Phạm Nhựt nhà ngay mặt QL, cho biết, từ đầu năm đến giờ có mấy cặp đi xe máy bị ô tô đụng chết, mới nhất là hồi tháng 8 vừa rồi. Còn trong nhiều năm qua đã xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người.
Trước khi được làm mới, tai nạn ít xảy ra vì đoạn đường này quá xấu, nếu có cũng chỉ va chạm nhẹ. Nhưng đến khi cầu mới và đường mới hoàn thành thì tai nạn xảy ra liên tục, số người chết do tai nạn giao thông tăng lên trông thấy. Từ phía chợ Tre lên cầu có độ dốc lớn, xe hai chiều Bắc - Nam khó quan sát lẫn nhau. Trong khi đó, chợ Tre rất đông người qua lại, đặc biệt người dân sống ở khu vực lân cận liên tục "tấp vô", băng ngang qua đường. - Nhiều người chết, dân ở đây biết chừng hơn nên tai nạn cũng đã giảm rồi đó. Sợ nhất là giờ nhiều xe chở vật liệu vương vãi ra đường. Những hôm nắng ráo thì đỡ, chứ mưa xuống chẳng khác gì vũng bùn thì TNGT làm sao mà tránh được! - Ông Nhựt nói.
Lúc chúng tôi ngồi nói chuyện với ông Nhựt, người hàng xóm sang chơi, góp lời: - Thôn chúng tôi làm đơn kiến nghị gửi xã rồi đấy. Cái đường dốc thì chịu, nhưng phải xử lý triệt để xe chở vật liệu.
Không chỉ chuyện xe chở vật liệu, đường dốc, ông Nhựt còn cho biết thêm, thời gian gần đây, xe khách qua lại đều chạy quá tốc độ và đã gây ra nhiều vụ TNGT đau lòng cho người dân nơi đây cũng như hành khách. Kể lại vụ tai nạn được chứng kiến tận mắt năm ngoái, ông Nhựt kéo chúng tôi ra đường chỉ ngược về phía chợ Tre: - Ở ngay trước cửa quán cà phê Vi Vi kia, 2 đứa trẻ trong xóm dắt nhau qua đường để sang chợ Tre. Chẳng hiểu đi đứng thế nào, một chiếc xe khách chạy theo hướng Bắc - Nam đã tông thẳng vào khiến 2 nhỏ tử vong tại chỗ.
Trên tuyến QL 1A đoạn qua Quảng Ngãi, đây là điểm đen khét tiếng bởi số vụ tai nạn, số người thiệt mạng. Nhưng đây không phải là điểm đen duy nhất. Trung tá Nguyễn Tất Phong, Trạm trưởng Trạm CSGT Đức Phổ đặc biệt lo ngại về hai điểm đen khác, một là đoạn qua đèo Tắc, hai là khu vực thị tứ Sa Huỳnh. Các chuyên gia cầu đường đã khảo sát, theo đó nguyên nhân hình thành điểm đen đèo Tắc là do "siêu cao". Xe lưu thông hay bị văng khỏi phần đường, hoặc bị lật hoặc đối đầu xe khác. Muốn xóa điểm đen này thì phải dựng thêm hệ thống biển cảnh báo, hộ lan mềm, gờ giảm tốc... Đến giờ, cơ quan chức năng mới chỉ hoàn thành hộ lan mềm. Còn lại, Trạm CSGT Đức Phổ, Phòng CSGT Quảng Ngãi cùng liên ngành cũng đã kiến nghị nhưng chưa thấy có hồi âm. Trách nhiệm làm những hạng mục này là của hạt quản lý đường bộ thuộc phân khu quản lý đường bộ 5. Ngay những người dân bình thường cũng thấy sự bất cập của điểm đen này. Ông Nguyễn Phát Thi, 60 tuổi, trú tại xóm 4, (thị tứ Sa Huỳnh) cho biết: - Đoạn đường này năm nào cũng có tai nạn, những anh tài xế xe tải lần đầu chạy qua đây mà không cẩn thận là bị lật. Vừa rồi, một chiếc xe khách cũng bị lật nhưng may không có ai tử vong. Ông Thi cho rằng, nguyên nhân là do "người ta cân đối đường không chính xác nên độ nghiêng của đường không bảo đảm".
Khu vực thị tứ Sa Huỳnh khét tiếng không kém. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng bán hoa quả, cho biết: - Chiều 23-11, hai phụ nữ đều ở đây đi xe máy đụng nhau. Cả hai bị thương nặng, được đưa vô bệnh viện cấp cứu nhưng chả biết sống chết thế nào. Một người khác bị thương nhẹ thì đã được sơ cứu, chắc không vấn đề gì.
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này còn 13 điểm đen và 7 tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Nghĩa là, bình quân cứ hơn 5km QL 1A qua tỉnh, có một "điểm nóng" về giao thông. Và khi tiếp tục đi, tiếp tục quan sát, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều biển báo đường đèo dốc nguy hiểm, cảnh báo đoạn đường thường xảy ra tai nạn như đoạn chân đèo Bình Đê sang đất Bình Định, khu vực chớm vào thị xã Sông Cầu, Đèo Nại, Dốc Quýt, đèo Cả của tỉnh Phú Yên…
Điểm đen vô hình
Nếu như có những điểm đen tồn tại là do những bất cập của hạ tầng giao thông đường bộ thì có không ít điểm đen vô hình do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn kém. Chúng tôi gọi đó là điểm đen ý thức. Trung tá Nguyễn Tất Phong khẳng định, hầu như người bị nạn ở điểm đen trên địa bàn ông quản lý đều là dân đi biển. Họ đi cả tháng, vài tháng mới về, gặp bạn gặp bè, kéo nhau ra Sa Huỳnh cho hoành tráng, uống đến mức say xỉn rồi chạy bạt mạng, tự gây họa cho mình. Thương tâm nhất là vụ 9 thanh niên xỉn rồi chở nhau trên ba xe máy, đi lấn phần đường đã đụng vào xe khách của hãng Thuận Thảo (Phú Yên). Ba người tử vong tại chỗ mà hai trong số đó là anh em ruột.
Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến QL 1A, đoạn qua địa bàn xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) làm 2 người chết, 3 người bị thương. Theo điều tra của cơ quan công an, sau khi ngà ngà say, tài xế Bùi Tấn Việt (29 tuổi), quê ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) điều khiển xe ô tô mang BKS 76M - 2694 đã tông vào người đi đường. Ngay sau đó, Việt đã bị Công an huyện Sơn Tịnh khởi tố, bắt tạm giam về vi phạm những quy định an toàn giao thông đường bộ. Tại cơ quan công an, Việt thừa nhận đã uống quá nhiều rượu nên không kiểm soát được tay lái.
Theo Trung tá Nguyễn Tất Phong, Trạm trưởng Trạm CSGT Đức Phổ (Quảng Ngãi), trạm đã chủ động tham mưu cho các cơ quan chức năng khảo sát, xác định điểm đen về tai nạn giao thông để kiến nghị xóa bỏ. Tuy nhiên, riêng điểm đen ý thức thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều, bằng các giải pháp mang tính kỹ thuật. - Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người quá kém, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm giới hạn tốc độ diễn ra phổ biến. - Ông Phong cho biết.
Số liệu thống kê của Trạm CSGT Đức Phổ cho thấy ý thức người tham gia giao thông yếu kém như thế nào: Từ 16-11-2011 đến ngày 15-11-2012, đã có 2.063 trường hợp vi phạm lỗi vượt quá tốc độ quy định bị xử lý; 2.423 trường hợp vi phạm lỗi phần đường, làn đường; 1.309 trường hợp vi phạm lỗi tránh vượt… Còn theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, từ đầu năm đến nay đã xảy ra gần 30 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, 71,92% do ý thức yếu kém của người tham gia giao thông với các lỗi như vi phạm tốc độ, vượt sai quy định, lấn đường… Khi vào đến đèo Quán Cau qua 2 xã An Cư và An Hiệp, huyện Tuy An, (Phú Yên), chúng tôi gặp tổ CSGT tuần tra do Đại úy Nguyễn Trường Sinh làm tổ trưởng đang lập biên bản xử phạt một xe khách mang BKS 92K- 4636 do lỗi vượt tốc độ. Đại úy Nguyễn Trường Sinh cho biết, những lỗi thế này rất phổ biến.
Trên thực tế, điểm đen giao thông liên tục được đề cập đến trong những năm gần đây. Có những điểm đen hữu hình tồn tại, phát sinh do quy hoạch, xây dựng hoặc điều kiện địa hình. Trên hành trình của mình, chúng tôi đếm được hàng trăm điểm nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, điểm đen ý thức mới là điều đáng lo ngại hơn cả và dường như đây mới là cái gốc của quốc nạn giao thông hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.