Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 7: Đích đến là chất lượng cuộc sống người dân

Nhóm PV Nội chính| 22/07/2013 05:40

(HNM) - Hơn hai năm thực hiện CT07 của Thành ủy Hà Nội về



Cái được không chỉ là sự cải thiện trên hai lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và môi trường, nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô mà còn ở kinh nghiệm xây dựng, phát triển đô thị, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Nhiều dấu ấn tích cực

Trước đây, nếu từ Tây Hồ đi Hà Đông phải vòng ra đường Láng hoặc qua đường Tôn Đức Thắng hay theo lối Thái Hà thì giờ đây, người tham gia giao thông có thêm lựa chọn là đường Cát Linh - La Thành. Nhiều người lần đầu tiên đi trên con đường mới này đã thốt lên: "Đúng là nhanh hơn hẳn". Từ Tết Nguyên đán 2013, những người đi qua nút Đào Tấn - Nguyễn Khánh Toàn cũng cảm thấy dễ chịu hơn nhờ việc nối liền hai con phố này. Có lẽ chỉ trong năm nay, khi cây cầu vượt nối liền đường Bưởi qua nút giao này hoàn thành, việc đi lại qua đây sẽ còn thuận lợi hơn nữa.

Tuyến đường cao tốc trên cao dài 15km dành riêng cho ô tô chạy suốt với tốc độ lên đến 100km/giờ đã góp phần làm giảm rõ rệt ùn tắc trên các tuyến đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng... Ảnh: Viết Thành


Đây là hai trong nhiều ví dụ cho thấy tình hình giao thông Hà Nội đã có nhiều cải thiện trông thấy trong vòng hơn hai năm qua, là kết quả tập trung cao độ của thành phố cho lĩnh vực giao thông, một nội dung quan trọng của Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội. Kết quả thực hiện chương trình trong nửa đầu nhiệm kỳ thể hiện trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng sự đổi mới, hoàn thiện về hạ tầng giao thông là biểu hiện rõ ràng nhất, trong đó phải kể đến công dụng của các cầu vượt kết cấu thép. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành 5 cây cầu vượt như thế tại các nút giao trọng điểm thường xảy ra ùn tắc là: Thái Hà - Chùa Bộc, Láng - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà - Láng Hạ và Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi về xây dựng hạ tầng giao thông vì trong hơn hai năm qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư một loạt dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng khung giao thông vận tải như các đoạn tuyến còn lại trên đường Vành đai 1, 2, 3, các tuyến đường hướng tâm quốc lộ 1, 3, 6, 32… Cùng việc thúc đẩy tiến độ, nghiên cứu chuẩn bị nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc như đường Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, Kim Mã - Trần Phú, Liễu Giai - Núi Trúc - Sơn Tây và một số tuyến trục chính đô thị.

Chưa kể, thành phố đã xây dựng nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ, khởi công và đang thi công cải tạo, xây dựng mới gần 10 cầu yếu, tập trung đầu tư hệ thống giao thông tĩnh theo hướng xã hội hóa tại một số địa bàn có nhu cầu cao, dừng hoạt động bến xe Kim Mã để triển khai xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT… Song song với những tiến bộ về hạ tầng, tình hình giao thông Hà Nội được cải thiện còn nhờ thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục những vấn đề cụ thể, những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra ùn tắc giao thông như: Thay đổi giờ học - giờ làm, lắp đặt đèn tín hiệu tổ chức lại các nút giao thông, sắp xếp lại mạng lưới điểm đỗ xe, xử lý các vi phạm hành lang ATGT…

Đầu tư xây dựng và quản lý ở một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị nằm trong khuôn khổ Chương trình như cấp, thoát nước, xử lý nước thải, mạng lưới công viên, hệ thống nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ cũng đạt nhiều kết quả. Trong đó, đáng kể nhất là hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt đã được mở rộng thêm hàng chục xã, phường, thị trấn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà và một số nguồn cấp quy mô nhỏ. Khả năng thoát nước đã được cải thiện đáng kể, nhất là sau khi Trạm bơm Yên Sở được nâng công suất, cũng như sự kết hợp giữa xử lý ô nhiễm môi trường các hồ với mục tiêu thoát nước. Công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường cũng đạt nhiều hiệu quả mang tính cụ thể ở một số nơi…

Những bài học kinh nghiệm

Quá trình tổ chức thực hiện Chương trình số 07 trong nửa đầu nhiệm kỳ đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Ngay từ khi triển khai 9 chương trình công tác lớn, Ban Thường vụ Thành ủy đã lưu ý, phải chọn những vấn đề trọng tâm cần giải quyết, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng lĩnh vực công tác. Trên cơ sở chỉ đạo này, trong quá trình thực hiện Chương trình số 07, thành phố đã xác định rõ nguyên tắc: "Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải". Thay vì gần 100 công trình được trình lên, thành phố đã quyết định ưu tiên đầu tư 37 công trình trọng điểm, trong đó 2/3 thuộc lĩnh vực giao thông. Đó là yếu tố quyết định, nâng cao hiệu quả đầu tư, mang lại kết quả nổi bật về hạ tầng giao thông nói trên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07 cho biết, trong tình hình khó khăn, thành phố phải lựa chọn việc gì làm trước, việc gì làm sau để từ đó tìm cách huy động vốn hoặc dùng ngân sách của thành phố; kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT; có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư. Đối với những dự án thuộc ngân sách đầu tư của thành phố đòi hỏi phải tập trung cao độ hơn, dứt khoát không đầu tư dàn trải. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Ban chỉ đạo đã cương quyết thực hiện: Chỗ nào tiến độ chậm mà tính chất dự án quan trọng thì phải tập trung thực hiện. Đơn cử như khi xây dựng đường Vành đai 1, đoạn từ Xã Đàn về Voi Phục, thay vì làm cả tuyến như kế hoạch, thành phố đã quyết định chọn một đoạn (Xã Đàn - Hoàng Cầu) tập trung làm cho xong…

Quá trình thực hiện Chương trình số 07 đã góp phần định hình phong cách chỉ đạo, điều hành mới của thành phố theo hướng khoa học, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm; tập trung giải quyết những vấn đề đáp ứng nhu cầu bức thiết của đời sống; chỉ đạo đến đâu dứt khoát đến đó. Đây vừa là kinh nghiệm quý cho thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố vừa là cơ sở để chúng ta tin tưởng về những kết quả tích cực và xa hơn là hoàn thành mục tiêu đã đề ra của Chương trình số 07, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Đích đến là chất lượng cuộc sống người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.