Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 7: Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên

Hiền Phương| 25/04/2021 06:11

(HNM) - Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên xuất phát từ thực tiễn nhiệm vụ cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề này tiếp tục được bổ sung và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công an thành phố Hà Nội ra quân bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Duy Linh

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Điểm mới của Đại hội XIII của Đảng là đã đề cập đến một số khía cạnh nổi bật, cũng là những yếu tố để tạo nên bức tranh tổng thể tươi sáng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đó là: Tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện, sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa và đối ngoại ngày càng hiệu quả; Đảng ta đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng như: Chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ về đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng; chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức; nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những phần việc trong quan điểm chỉ đạo là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…”.

Như vậy, điểm mới ở đây là Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “sức mạnh thời đại” để phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp nhằm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia.

Bảo vệ an ninh con người

So với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, việc xác định phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có mặt đậm nét hơn và có những điểm mới.

Một trong những điểm mới đó là, bổ sung nội dung trọng yếu của quốc phòng, an ninh: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ở đây, lần đầu tiên “an ninh con người” được đề cập, cho thấy Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước.

Đồng thời, văn kiện Đại hội XIII còn nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế....”.

Việc này đã làm rõ tư duy mới về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia của Đại hội XIII của Đảng là không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia. Theo đó, cần phải mở rộng nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia ở cả bên ngoài biên giới hành chính quốc gia. Việc bảo vệ an ninh quốc gia từ xa, từ sớm sẽ tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia...

Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng thể hiện nội dung xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh rõ nét hơn, toàn diện hơn khi thêm cụm từ “phát huy mạnh mẽ” so với Văn kiện Đại hội XII trong việc: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân…”.

Về xây dựng lực lượng, điểm mới so với Văn kiện Đại hội XII là Văn kiện Đại hội XIII đã bổ sung mới nhiệm vụ “Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Cũng về xây dựng lực lượng, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại…”. Văn kiện Ðại hội XII mới chỉ xác định: “Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”, trong khi Văn kiện Ðại hội XIII xác định “một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Ðây là sự phát triển về chất trong định hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh…

Trước những diễn biến mới nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực cũng như sự phát triển mạnh mẽ các loại vũ khí, trang bị hiện đại, Đảng ta cũng xác định rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ triển khai thực hiện các chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Nắm vững những định hướng trên của Đảng về công tác quốc phòng, an ninh là cách để mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên vận dụng linh hoạt sáng tạo vào hoạt động thực tiễn trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.       

(Còn nữa)

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.