Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: Xây “gốc” bền chặt

Đặng Nam Điền| 01/02/2012 06:52

(HNM) - Ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, đạo đức luôn là chuẩn mực quan trọng của người cán bộ, đảng viên. Trong hai mặt cơ bản của tiêu chuẩn đức và tài thì đức phải là gốc.


Trong tình hình hiện nay, đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, Đảng ta đứng trước những thách thức mới rất gay gắt, nhìn một cách nghiêm khắc và toàn diện thì vấn đề đạo đức, lối sống của đảng viên và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên còn nhiều bất cập. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng".

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức thực sự đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân, tổn thương đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, hạ thấp sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, do mắc phải chủ nghĩa cá nhân, do tác động của mặt trái của cơ chế thị trường; cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, còn nhiều sơ hở, có cả nguyên nhân rất quan trọng là sự nhận thức lệch lạc trong việc tiếp thu giá trị đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và việc quan tâm bồi dưỡng đạo đức, lối sống trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở chi bộ.

Để khắc phục tình trạng trên, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.

Một là, thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên một cách toàn diện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Do đó, công tác giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch phải được các cấp ủy Đảng quan tâm đúng mức, trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Có như vậy mới thường xuyên trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản giúp cho cán bộ, đảng viên phân biệt rõ đúng sai, những việc cần làm và những điều cần tránh. Mặt khác, thông qua giáo dục giúp cán bộ, đảng viên tiếp thu được những chuẩn mực và xu hướng vận động, phát triển của đạo đức và lối sống gồm cả mặt tích cực, cũng như tiêu cực; từ đó lĩnh hội được những chuẩn mực, giá trị của đạo đức lối sống cách mạng để hình thành nhân cách của mình trong quá trình hoạt động thực tiễn. Trong nội dung giáo dục cho cán bộ, đảng viên ở chi bộ, trước tiên phải đặt lên hàng đầu việc giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi đây là nền tảng của nhận thức, nâng cao hiểu biết, là cơ sở của việc củng cố, nâng cao đạo đức, lối sống cách mạng, giữ vững lập trường giai cấp. Tiếp đến là những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, mà trực tiếp là nhiệm vụ chính trị của chi bộ nơi đảng viên công tác và làm việc. Những nội dung giáo dục đó phải gắn với nhiệm vụ của người đảng viên và những yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã đề cập.

Tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cốt lõi là tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư phải được quan tâm tổ chức giáo dục thường xuyên cho mọi đối tượng cán bộ, đảng viên của chi bộ. Đồng thời, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống truyền thống; yêu nước, nhân ái, cần cù, ham học, cầu tiến bộ... để từng cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự giác, phấn đấu rèn luyện loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, vụ lợi, kèn cựa địa vị, ích kỷ...

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh với đấu tranh khắc phục các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tốt giải pháp này, phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục và xây dựng các biện pháp tổ chức. Các cấp ủy thường xuyên đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên vào nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Đạo đức, lối sống của đảng viên cần được cụ thể hóa thành tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá khi phân tích chất lượng đảng viên, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tổ chức quán triệt học tập tới mọi đảng viên về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định đảng viên không được làm...
Song song với giáo dục, khen thưởng kịp thời những đảng viên gương mẫu, phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống theo phương châm: cán bộ càng cao, giữ trọng trách lớn, xử phạt càng nghiêm. Cần nhận thức việc xử lý nghiêm minh và yêu cầu cán bộ, đảng viên phấn đấu sửa chữa khuyết điểm, sai lầm là một biện pháp tích cực giúp họ rèn luyện đạo đức, lối sống cách mạng.

Ba là, quan tâm đến lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Karl Marx đã khẳng định: "Lợi ích hiểu một cách đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức". Vì vậy, quan tâm giải quyết thỏa đáng lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên là một trong những điều không thể thiếu để giáo dục gìn giữ đạo đức cách mạng và lối sống trong sáng, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật vừa để phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường, vừa hạn chế mặt tiêu cực của nó. Từng bước xây dựng các chế độ tiền lương, thưởng thống nhất tương xứng với trách nhiệm và công việc được giao, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý giữa các vùng, các lĩnh vực công tác, các loại cán bộ... Trên cơ sở những nguyên tắc chung đó, cấp ủy, chi bộ phải lãnh đạo xây dựng những quy chế, quy định bảo đảm lợi ích và quyền lợi của đảng viên. Khi xây dựng quy chế phải thực sự dân chủ, khoa học, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập, công tác, rèn luyện, vừa có tác dụng phòng ngừa, giúp họ tránh được những sai lầm dẫn đến thoái hóa, biến chất, mất cán bộ, mất đảng viên.

Cấp ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên và đột xuất. Tiến hành kiểm tra trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhất là đối với những cán bộ, đảng viên được phân công thực hiện nhiệm vụ trong những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý tài chính, vật tư, nhà đất... và cán bộ, đảng viên hoạt động độc lập, công tác lưu động dài ngày, xa sự quản lý của cấp ủy, chi bộ. Qua đó đề cao trách nhiệm cá nhân, nghiêm túc với bản thân mình, tự giác học tập, rèn luyện và phấn đấu trở thành những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, xuất sắc trong từng chi bộ và đảng bộ.

Đạo đức và lối sống là nền tảng, là văn minh tinh thần, nguồn giá trị truyền thống quý báu nhất của một dân tộc; song nó lại gắn liền với nhân cách của từng con người cụ thể. Vì vậy, quá trình tiến hành công tác giáo dục nâng cao đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chi bộ và đảng bộ cần biết phát huy sức mạnh tổng hợp để bồi dưỡng đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: Xây “gốc” bền chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.