(HNM) - Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về
Bộn bề công việc
Trước thời điểm ngày 1-8-2008, Hà Nội đã thực hiện việc nghiên cứu, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết của 12/12 quận, huyện để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có những điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Và tháng 7-2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây chính là quy hoạch chuẩn, quy hoạch "bản lề", chi phối mọi quy hoạch của Hà Nội. Yếu tố này là nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới tiến độ phê duyệt các quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhiều quy hoạch đã được phê duyệt trước đây, nay phải điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Duy Tường |
Để thực hiện hiệu quả Chương trình 06, thời gian qua Hà Nội đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều chương trình nhằm hoàn thành quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành, các đề án, kế hoạch dài hạn 5 năm và hằng năm, làm cơ sở để lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, năm 2012 còn được thành phố chọn là "Năm quy hoạch" để dồn toàn lực cho công tác này. Đến nay, đã tổ chức thẩm định 18/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị xã, thị trấn và các đô thị vệ tinh, dự kiến sẽ phê duyệt trong năm 2013; đã phê duyệt 10/31 quy hoạch phân khu, 7 đồ án phân khu khác đang được xem xét; 28/39 đồ án quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được thành phố phê duyệt, các quy hoạch còn lại (11/39 đồ án) như quảng cáo tấm lớn, khu - cụm công nghiệp, điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, quy hoạch nhân lực… đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013.
Một số quy hoạch mang tính chiến lược đến năm 2020, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như quy hoạch cấp nước, thoát nước của thành phố. Các đồ án như quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang Thủ đô, quy hoạch giao thông vận tải hiện đã trình Bộ Xây dựng thẩm định. Quy hoạch hệ thống thủy lợi thành phố, quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn đã được UBND TP phê duyệt; quy hoạch công viên, hồ nước, vườn hoa trên địa bàn Thủ đô đã được trình HĐND TP…
Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, thực hiện chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai; hạ tầng kỹ thuật của nhiều tuyến phố, tuyến đường trong nội đô được xây dựng đồng bộ; khởi công, xây dựng lại 10 nhà chung cư nguy hiểm… Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ còn chậm do một số vướng mắc về cơ chế chính sách trong áp dụng các quy định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Công tác chấn chỉnh kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị được triển khai quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm sau cấp phép xây dựng tiếp tục được chú trọng; trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này đã từng bước đi vào nền nếp; tỷ lệ công trình xây dựng có giấy phép tăng dần qua từng năm…
Trong thời gian chưa đầy 2 năm, với điều kiện phạm vi quy mô lập quy hoạch gấp hơn 3 lần giai đoạn trước khi mở rộng địa giới hành chính, khối lượng các quy hoạch của Hà Nội phải lập, thẩm định, phê duyệt là rất lớn. Nhiều quy hoạch có tính chất phức tạp, yêu cầu hoàn thành trong thời gian ngắn. Mặt khác, do điều chỉnh địa giới hành chính, hệ thống văn bản pháp luật của các địa phương trong thành phố còn thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Với bối cảnh đó, có thể nói, đạt được kết quả nêu trên trong thực hiện Chương trình 06 là sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành. Việc hoàn thành một số quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chính là cơ sở để Hà Nội thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để Hà Nội có tầm vóc mới
Vấn đề quản lý và thực hiện quy hoạch hiện nay là đặc biệt quan trọng đối với các địa phương trong cả nước. Riêng với Thủ đô, vấn đề này đặt ra với những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe hơn cả về quy mô cũng như chất lượng, tính khả thi trong thực tế của từng quy hoạch cho tới quy hoạch tổng thể. Dù phía trước còn bề bộn công việc nhưng có thể thấy công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Việc thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình 06 sẽ quyết định diện mạo mới, tầm vóc mới của thành phố trong tương lai. Sự khoa học, tính hợp lý trong xây dựng quy hoạch của từng ngành, địa phương, lĩnh vực quyết định mức độ đồng bộ, hài hòa của quy hoạch tổng thể và hiệu quả của quá trình phát triển. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực trong giải quyết công việc còn chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo. Sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Năng lực của hệ thống quản lý quy hoạch các cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thực hiện việc phân cấp quản lý trong khi lực lượng cán bộ làm công tác quy hoạch tại các địa phương còn mỏng, yếu và thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững nội dung, phương pháp thực hiện quy hoạch, đặc biệt là đối với các đồ án quy hoạch nông thôn mới… Điều đó dẫn đến nhiều quy hoạch thiếu cơ sở nghiên cứu bài bản, thậm chí là thiếu tính khả thi, chưa khai thác được thế mạnh của từng ngành, địa phương, lĩnh vực.
Đối với một số quy hoạch đã được thẩm định, phê duyệt, quá trình triển khai xã hội hóa thực hiện xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư cũng như chưa tận dụng được các nguồn lực trong cộng đồng. Một số công trình, dự án trọng điểm triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ, dẫn đến không khớp nối được với các dự án khác trong cùng khu vực, địa bàn, nên không phát huy được tính tích cực của quy hoạch tổng thể cũng như hệ thống các quy hoạch đang được tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, mỗi quy hoạch đều đòi hỏi nhiều lĩnh vực cùng tham gia để có được tiếng nói chung, song với từng quy hoạch hiện nay sự phối hợp giữa các lĩnh vực, các ngành chức năng và địa phương trong xây dựng quy hoạch còn chưa chặt chẽ.
Một vấn đề khác cũng có ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị là hệ thống văn bản pháp lý hiện nay chưa đồng bộ; nhiều bộ luật liên quan đến quy hoạch xây dựng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung (như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…); cơ chế, chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực thường xuyên có sự thay đổi, điều chỉnh. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành; giữa cơ quan trung ương và thành phố trong các hoạt động quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với hầu hết các đồ án quy hoạch của thành phố trước khi phê duyệt còn mất nhiều thời gian. Nhiều đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực… chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng đang triển khai và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Để tháo gỡ khó khăn và giải quyết những bất cập nêu trên, mới đây Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06 Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới. Đó là ngành chức năng và các cấp cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, đồng thời ban hành đồng bộ quy chế quản lý và hướng dẫn tổ chức thực hiện quy hoạch. Khẩn trương tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư, huy động nguồn lực đẩy mạnh xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Tăng cường quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch; kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm các vi phạm trật tự đô thị theo quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện phối hợp tốt trong việc lấy ý kiến nhân dân, chính quyền cơ sở về các đồ án quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch xây dựng với quy hoạch chuyên ngành. Xây dựng phân kỳ đầu tư thực hiện quy hoạch; chỉ đạo các ngành, các quận, huyện chú trọng công tác điều chỉnh quy hoạch, phải có sự khớp nối chung mục đích, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Tập trung rà soát các quy hoạch không khả thi, chậm thực hiện theo đúng quy định của luật, kịp thời điều chỉnh bảo đảm quyền lợi chính đáng người dân. Kiên quyết thu hồi đất đối với những chủ đầu tư chậm thực hiện dự án theo quy hoạch, vi phạm Luật Đất đai…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.