Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: Đường tan, cầu nát

Nhóm Phóng viên| 24/11/2012 07:27

(HNM) - Là tuyến đường huyết mạch quốc gia, hằng ngày phải chịu lưu lượng lên tới hàng trăm nghìn lượt người, phương tiện nhưng hạ tầng QL 1A hiện nay lại không tương xứng với trọng trách của nó.



Có nhiều cung đường trở thành nơi đày đọa cánh tài xế, hành khách qua lại cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân bởi đã xuống cấp thảm hại hoặc chậm được duy tu, nâng cấp; có nhiều cây cầu khiến người tham gia giao thông không khỏi phập phồng lo sợ...

Đường tránh TP Huế bụi mù mịt.


Đường tan

QL 1A đoạn tránh TP Huế (Thừa Thiên Huế) từ lâu đã trở nên "nổi tiếng", không chỉ với người dân địa phương này mà với… cả nước, đặc biệt là cánh lái xe. Tuyến đường dài 36km, rộng 12m, được triển khai xây dựng với mục đích giảm lưu lượng phương tiện, hạn chế ách tắc giao thông cho TP Huế, đồng thời giúp lưu thông Nam Bắc được thuận lợi hơn. Được hoàn thành năm 2003, sử dụng chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng và dần xuống cấp nghiêm trọng.

Chúng tôi bắt đầu "đoạn đường đau khổ" - như người dân Huế gọi - lúc 8h45'. Dù đã đi xe gầm cao, nhưng chúng tôi vẫn gần như phải "bò" trên đường. Tốc độ phổ biến chỉ đạt 20km/h, chưa kể nhiều đoạn phải dừng hẳn lại do nhường tránh. Hàng loạt vị trí bị rạn nứt lớn, hình thành ổ gà, ổ trâu, vũng lún... Đường mù mịt bụi. Tuy nhiên, hiện trạng như thế hãy còn khá hơn rất nhiều do đang được sửa chữa, nâng cấp. Ông Nguyễn Trường San, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 29 (thôn Châu Chữ, Thủy Bằng, huyện Hương Thủy) than thở: Đoạn đường này xuống cấp nhiều lần rồi. Xe qua lại hỏng nhiều lắm, nhẹ thì nổ lốp, gãy nhíp, nặng thì gãy cả cầu…

Đúng là có đi đường này mới biết thế nào là "khổ". Hiếm có đoạn ngắn nào mà chúng tôi được yên ả. Nhưng như thế hãy còn may chán. Giữa trời nắng gắt, anh Lê Văn Tiến (Hải Lăng, Quảng Trị), tài xế xe tải chở 24 tấn xi măng mang BKS 43C-026.48 của doanh nghiệp tư nhân Dũng Hòa (Đà Nẵng) mồ hôi nhễ nhại, tay lấm lem dầu mỡ than: - Nổ lốp. Vừa thay đoạn trước thì đến đây lại nổ, giờ hết lốp dự phòng.

Ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế kể khổ: - Đây là đoạn đường do Bộ GTVT đầu tư, tỉnh chỉ là đơn vị quản lý. Đường vừa được khởi công tu sửa tháng 7-2012. Đi đường này đúng là khổ thực, tôi đi xe hai cầu cũng mất hai tiếng rưỡi, nói gì xe tải, xe khách. Tỉnh kiến nghị đại tu, nâng cấp hoàn toàn nhiều lần lắm, lần kiến nghị đầu tiên năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, ông Đồng Hữu Mạo (đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế) cũng "kêu": - Tuyến đường QL 1A tránh TP Huế dài 36km được xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian chưa lâu đã xuống cấp trầm trọng, phương tiện qua đây phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Con đường này sắp tới chắc phải mất nhiều trăm tỷ đồng để sửa chữa.

Đợt "đại tu" lần này được chia làm 4 gói thầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy tiến độ thi công khá trì trệ. Trên cầu Khe Bướm (km15+360 chiều Huế - Đà Nẵng), một mình công nhân Nguyễn Văn Quý đang lủi thủi đục chân cốt lan can cầu để sửa chữa. Anh Quý cho hay, đã làm được hai tháng, là lao động thời vụ. Công việc cũng bữa có bữa không.

Cầu nát

Không chỉ đường mà nhiều cây cầu trên QL 1A cũng khiến người tham gia giao thông phập phồng lo sợ. Cầu Bà Rén, km 957+637 (Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam), là một điển hình. Phần cầu chính đã xuống cấp nghiêm trọng, đến mức dân Quảng nói tếu "rón rén qua cầu Bà Rén". Để bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phân làn, chỉ cho xe tải trọng dưới 3 tấn đi qua cầu chính. Xe tải trọng lớn hơn đi qua cầu tạm. Nhưng cầu tạm cũng thảm hại không kém, lan can tạm bợ, mặt cầu lót bằng ván sắt. Bà Nguyễn Thị Vi, nhà sát chân cầu cho biết: - Cầu cũ lắm rồi. Nhưng từ lúc làm cầu mới (cách đó không xa - PV), không thấy sửa chữa gì, trong khi cầu mới chả biết bao giờ khánh thành. Nhiều người bị té lắm, cứ rầm rầm suốt, toàn là xe máy tự té. Để giảm tải cho cây cầu cũ đang hằng ngày gồng mình cõng hàng nghìn lượt phương tiện, Tổng cục Đường bộ đã khởi công xây dựng cầu Bà Rén mới. Nhưng thời điểm hoàn thành thì liên tục bị… lùi.

Thảm hại hơn cầu Bà Rén là cầu Châu Ổ (thị trấn Châu Ổ, Đình Sơn, Quảng Ngãi). Đầu cầu, giống như ở cầu Bà Rén, có biển báo "Chú ý cầu yếu". Thực tế, có thể khẳng định cầu Châu Ổ là cầu nát: Mặt cầu thủng nhiều lỗ rộng, phải lót bằng ván thép, nhiều đoạn lan can hai bên cầu đã đổ xuống sông và phải thay thế bằng cốp pha hoặc ống sắt. Phía đầu cầu, lực lượng chức năng cắm một chiếc biển hạn chế trọng lượng - tối đa 5 tấn, khoảng cách giữa hai xe là 20m, xe qua cầu từng chiếc một. Tuy nhiên, khi chúng tôi qua cầu lúc 5h15', xe nối đuôi nhau qua. Lưu lượng trên cầu tới chừng 20 xe, trong đó có cả xe quá khổ, quá tải, tải trọng tới 40 tấn. Chị Ngô Thị Trâm, nhà ở đầu cầu cho hay: - Cầu yếu lắm, mỗi lần đi qua hãi kinh người.

Đi thêm vài cây số nữa về hướng Quảng Ngãi, cầu Ô Song (Bình Hiệp, Bình Sơn) cũng chung tình cảnh gãy đổ lan can, thủng mặt cầu. Đầu cầu được cắm biển cấm mang số 5, không hiểu là giới hạn tải trọng hay tốc độ, có lẽ cả hai?
Theo thống kê, QL 1A đi qua địa bàn Quảng Ngãi dài 98km với 54 cầu thì có tới 24 cầu rất hẹp. Đặc biệt, có 11 cây cầu nằm trong diện cầu yếu, giới hạn tải trọng 25 tấn. Nhiều cầu đã có tuổi thọ lên đến 50, 60 năm, đã qua tu sửa nhiều lần. Hàng loạt cầu được xác định là "điểm đen" giao thông như: Nước Mặn, cầu Phủ, cầu Ô Sông, cầu Châu Ổ, cầu Kênh, La Hà, Cây Bứa, Cát...

Đường tan, cầu nát không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà luôn tiềm ẩn TNGT. Tài xế Lê Văn Tiến, người đen đủi bị hai lần nổ lốp trên đoạn đường tránh TP Huế, tính nhẩm mỗi lần qua lại từ khi đường xuống cấp, anh thiệt hại tới cả triệu đồng tiền xăng, chưa kể mất thời giờ, tốn kém do xe hỏng hóc. Tuy nhiên, không chỉ có những tốn kém vật chất đấy. Là tuyến đường huyết mạch quốc gia, hằng ngày phải "chịu" lưu lượng lên tới hàng trăm nghìn lượt người, phương tiện nhưng với chất lượng hạ tầng như thế này, tai nạn giao thông, ách tắc xảy ra liên tiếp trên QL 1A là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: Đường tan, cầu nát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.