(HNM) - Thời kháng chiến chống Mỹ, 7 làng thuộc xã Đắc Ui (nay thuộc huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum) chỉ có khoảng hơn 400 người, chủ yếu là bà con Xê Đăng. Vậy mà căn cứ Đắc Ui (mật danh E.1, sau là N thuộc H16) như một cái gai địch không tài nào nhổ được dù rằng đã tổ chức hàng trăm trận càn.
Bằng những hầm chông, bẫy đá, lấy vũ khí địch đánh địch, bà con Đắc Ui, cả nam lẫn nữ, từ trẻ đến già đã nổi tiếng với lối đánh du kích, sáng tạo. Và cho dù được sự yểm trợ của máy bay, trực thăng cùng pháo hạng nặng nhưng những lực lượng thiện chiến của chính quyền Sài Gòn không thể nào chiếm được căn cứ Đắc Ui. Đây là xã đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…
Ông U Thung (giữa) và Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắc Ui (bên trái) trao đổi với phóng viên báo Hànộimới. |
Một thời đạn bom
Từ thành phố Kon Tum về Đắc Ui chỉ khoảng hơn 30km, ô tô chạy chưa đầy một giờ, con đường thảm nhựa phẳng lỳ dẫn tới tận trung tâm xã. Tôi nghe đồn, trên một nửa số cán bộ của huyện Đắc Hà là người gốc xã Đắc Ui và chừng hơn 1/3 số cán bộ của tỉnh Kon Tum là người của huyện Đắc Hà.
Hôm tôi có mặt tại Đắc Ui, cán bộ xã đang bận tiếp mấy ban, ngành của huyện về làm việc, kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập xã (20/3/1960 - 20/3/2010) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Ngọc Quang phân trần: "Bác cả" nhà tôi (Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Lễ) đang bận đi học, thế là việc gì cũng đến tay tôi và U Brao (Bí thư Đảng ủy xã). Nói vậy nhưng anh cũng cắt cử Phó Bí thư tên là A Bốn đưa tôi đi một vòng qua 11 thôn làng. A Bốn năm nay chưa đầy 40 tuổi, cũng thuộc loại "con nhà nòi", bố là bộ đội địa phương, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, sau đó công tác ở xã một thời gian rồi chuyển lên huyện, nay đã nghỉ hưu. A Bốn thật thà: Lúc giải phóng mình bé tí, chả biết gì nhiều. Bây giờ muốn hỏi chuyện "phòng tuyến thép", tại sao địch không càn vào đây được thì phải đi gặp mấy người già trong xã. Nhưng đến đột xuất thế này chỉ sợ họ đi rẫy không có nhà. Người Xê Đăng mình mà đi rẫy có khi 2-3 ngày mới về cơ…
Quả như lời A Bốn, ông A Xê (làng Wang Tố) từng là Xã đội trưởng Đắc Ui, thay mặt anh em du kích ở đây đi báo cáo tại Đại hội chiến sĩ thi đua Mặt trận Tây Nguyên (B3) năm 1970, hôm nay đi rẫy vắng nhà cho dù cánh thợ đang miệt mài hoàn thiện căn nhà một tầng, rộng gần năm chục mét vuông, xây ngay sát ngôi nhà cũ bằng gỗ. A Bốn bảo, ông này ngày xưa vào du kích từ 13-14 tuổi, chiến đấu gan dạ lắm, gặp sẽ nghe kể khối chuyện. Cuối năm trước, A Xê bán được hơn 2.000 gốc bời lời, thu mấy chục triệu, có tiền xây nhà. Bây giờ, vỏ bời lời bán rẻ cũng được 12.000 đồng/kg. Đối diện với nhà A Xê là nhà của người em, tên A Xe cũng một thời là du kích của xã Đắc Ui, cả 2 vợ chồng đều là đảng viên 40 năm tuổi Đảng. Trí nhớ của A Xe giờ không còn tốt, nhưng nhắc đến chuyện đánh địch ngày trước, đôi mắt người đàn ông dân tộc Xê Đăng này lại sáng lên một cách kỳ lạ. A Xe bảo, hồi A Xê, anh ông, là xã đội trưởng thì Y Vênh là xã đội phó, rồi làm bí thư chi bộ. Nếu muốn biết chuyện cứ hỏi Y Vênh. Giờ bà Y Vênh đang giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum…
Dẫn tôi sang nhà ông U Thung ở thôn Kon Hra, A Bốn vừa đi vừa kể: Chỗ ở bây giờ là làng mới, trước kia các thôn của xã Đắc Ui nằm sâu trong những cánh rừng già. Từ đây vào đó đi bộ phải mất 4 tiếng, có nghĩa là cách chỗ này khoảng chục cây số. Ngày xưa người ta lấy tên suối Tea Ui, đặt tên cho xã là Đắc Ui.. Thế mà từ ngày có cái tên đó tới nay cũng năm chục năm rồi.
Thật may, U Thung có nhà. Ông bảo, vì cháu ngoại ốm nên con gái nhờ mình trông hộ chứ không cũng lên rẫy rồi. Nhà U Thung nhỏ nhưng xây rất đẹp, chả khác gì nhà người Kinh, thậm chí còn kiểu cách hơn khi trần không làm chỉ, làm phào mà ốp hẳn bằng gỗ. U Thung từng giữ chức Xã đội trưởng 1969-1970. Y Bê, vợ U Thung ngày trước cũng tham gia du kích mấy năm rồi được đi học làm giáo viên để năm 1973 về dạy cái chữ cho bà con dân tộc. U Thung kể, ác liệt nhất là những năm 1968-1970, chúng càn vào đây để bắt dân về lập ấp chiến lược. Rồi U Thung chỉ về phía quả đồi lớn trước nhà, có đợt chúng dùng mấy chiếc trực thăng đổ quân biệt kích phối hợp với lính bảo an đóng trên đồi Ngọc Kla để tấn công vào Đắc Ui. Du kích đánh bật ra, chúng lại nhào vô. Cứ vậy tới 3-4 tháng trời. Có lần chúng vào được làng, nhưng chả còn ai, du kích đã đưa dân vào rừng…
Vừa vỗ về đứa cháu địu trước ngực đang dần vào giấc ngủ, U Thung vừa nhớ lại những ngày tháng gian khổ đó, giọng ông trầm trầm, đều đều như kể một câu chuyện cổ tích cho cháu ngoại nghe: Ban đầu, mỗi làng đóng góp 4-5 người, phần lớn là nam giới cho lực lượng du kích cơ động của xã, còn lại làm du kích tại chỗ, vừa trồng hoa màu, lấy lương thực nuôi bộ đội, vừa rào làng chiến đấu. Để chống địch đi càn, bọn mình tổ chức cắm chông, gài mìn, làm thò, bẫy đá hết đồi này đến đồi khác. Hồi ấy du kích mình còn sáng tác kiểu đánh chim sẻ - "bám thắt lưng địch mà đánh", đánh rồi lại rút. Địch rải chất diệt cỏ nhằm triệt tiêu nguồn lương thực, tụi mình liền đào hầm trên đỉnh đồi, phục bắn trực thăng, không cho chúng rải… Rồi phong trào mạnh lên, bọn nhỏ như A Giá, A Bắc mười mấy tuổi đầu, đứng còn thấp hơn khẩu súng trường, cứ nằng nặc đòi làm du kích. Mà ngày đó khổ lắm, ăn toàn củ rừng, lấy vỏ bao bố đựng cát làm công sự của địch may quần áo. Rồi khi bộ đội cấp cho du kích xã mình một khẩu trung liên, một khẩu B40, thế là lùng xe bọc thép của địch đánh bằng được…
San ủi mặt bằng chuẩn bị xây dựng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đắc Ui. |
Một thời hòa bình
Sau giải phóng, một thời gian dài Đắc Ui còn nằm trong diện các xã đặc biệt khó khăn. Phó Bí thư Đảng ủy xã A Bốn kể: Khi đó điều kiện cơ sở hạ tầng của Đắc Ui còn cực lắm, sản phẩm bà con làm ra chủ yếu là tự cung, tự cấp cho cuộc sống của mình. Phương tiện sản xuất thì lạc hậu, tư duy làm ăn thì manh mún, nhỏ lẻ… Rồi theo chính sách của Đảng và Nhà nước, Đắc Ui đã tiếp nhận thêm bà con các dân tộc Kinh, Thái, Tày, Nùng từ phía Bắc vào xây dựng kinh tế, hình thành thêm 3 thôn mới. Và người Xê Đăng mình đã học thêm được rất nhiều điều, mà rõ nhất là chuyện canh tác lúa nước. Vào thời điểm những năm 1980, hồ chứa nước Đắc Ui được xây dựng, chủ động được nguồn nước tưới cùng với việc khai hoang mở rộng diện tích canh tác, các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện, y tế được huyện và tỉnh chú trọng đầu tư. Cuộc sống dần khấm khá hơn…
Hiện có thể nói Đắc Ui đang sở hữu hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, đường liên xã, liên thôn đều được mở rộng, nhiều tuyến đã thảm nhựa, bảo đảm xe ôtô có thể đi lại thuận tiện trong mùa khô và cả mùa mưa. Tổng diện tích gieo trồng đã lên tới trên 2.200ha, trong đó trên 25% là trồng lúa nước, còn lại dành cho cà phê, cao su, bời lời - những loại cây cho giá trị kinh tế cao… Và năm 2005, Đắc Ui đã chính thức được đưa ra khỏi diện 135. Nhưng theo A Bốn vẫn còn nhiều việc phải làm lắm, mà việc đầu tiên đối với cán bộ tụi mình là phải học. Thời buổi này, để phát triển kinh tế mà chỉ có sự nhiệt tình thôi là chưa đủ. Bà con xã mình cách thành phố Kon Tum chẳng bao xa, lại thuộc Đắc Hà - một trong những huyện đầu tàu của tỉnh (tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 16%) vậy mà giờ này thu nhập người dân Đắc Ui mới đạt có 8,1 triệu đồng/năm, không day dứt, trăn trở sao được?
Tính cho tới trước ngày giải phóng, du kích cùng nhân dân xã Đắc Ui đã vót hàng triệu cây chông, làm hàng nghìn bay thò, hàng trăm hầm chông để bố trí phòng chống địch. Cụ thể, đã đánh 289 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 885 tên địch, diệt 6 xe quân sự, trong đó có 5 xe tăng, bắn rơi 6 máy bay các loại… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.