Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5 (phần 2): Ngang qua những “tiểu vùng văn hóa”

Vân Anh - Mai Hoa - Hồng Hạnh| 24/09/2012 08:04

(HNM) - Nói về tình yêu bóng đá của người Hà Nội thì có rất nhiều, nếu gom chúng lại hẳn sẽ cho ra một bức tranh toàn cảnh đáng yêu nhường nào. Người ta viết trên các trang mạng về Thể Công, đằng sau đó là tình yêu thể thao chân chính của người hâm mộ.


Giải chạy Báo Hànộimới luôn quy tụ nhiều VĐV và thu hút rất đông lượng khán giả cổ vũ.Ảnh: Bảo Lâm

"Chúng ta còn nhớ mãi mỗi khi có Thể Công thi đấu ở sân Hàng Đẫy hay Cột Cờ, những dòng người dồn về SVĐ, tranh nhau tìm mua vé, tranh nhau cởi áo ấm, đồng hồ, giày đinh để đổi lấy một chỗ ngồi trên sân". Ngày Thể Công và Công an Hà Nội không hẹn mà cùng "trú" tại Trường Việt - Đức, đám trẻ quanh đấy suốt ngày quanh quẩn bên ngoài hàng rào, biết cả chuyện Thông "héo" nhận được thư của cô gái hâm mộ, đồn đoán Cao Cường yêu cô Hương "tây" có nhà ngay trên phố… Bóng đá ngày ấy ở Hà Nội là viên ngọc không tì vết. Những giải Hồng Hà, Cửu Long thường đủ 3 vạn người có mặt trên SVĐ Hàng Đẫy mỗi trận. Giữa bóng đá và CĐV không tồn tại mối liên hệ tiền bạc, đơn giản là yêu, là chơi, là màu cờ sắc áo.

Bóng đá Hà Nội bây giờ đã khác, CĐV cũng không còn như xưa. Thể Công không còn nữa, Công an Hà Nội không còn nữa, những trận đấu sòng phẳng, trung thực cũng bắt đầu ít đi. Người xem đến sân với một bộ phận không nhỏ chỉ cần biết kết quả, điều liên quan đến dòng tiền đổ vào túi cá nhân hoặc "ra đi" vì cá độ. Chuyện xấu quanh bóng đá ngày càng nhiều. Dưới sân thì cầu thủ phản ứng thái quá với quyết định của trọng tài, nói tục, chửi bậy, đánh nhau. Trên khán đài CĐV ném chai lọ, vật cứng xuống sân, chửi bới, la ó trọng tài và cầu thủ. Tại trận chung kết Cúp Bóng đá quốc gia 2012, một số cầu thủ CLB Bóng đá Hà Nội T&T đã có cách hành xử khiến dư luận bất bình. Người thì chơi xấu với cầu thủ đối phương, người thì chửi bậy, tỏ thái độ ngang ngược trước ống kính phóng viên. Khi Ban Kỷ luật LĐBĐ Việt Nam yêu cầu tường trình, cầu thủ lại trình bày sai sự thật, không chịu nhận lỗi. Quả là những hành vi ứng xử phản cảm, không xứng đáng với một đội bóng nằm trên địa bàn Thủ đô.

Đó là bóng đá, những môn thể thao khác cũng không thiếu chuyện. Là chuyện VĐV Hà Nội nằm trong thành phần đội tuyển vật quốc gia ra nước ngoài thi đấu rồi trốn không về nước, chấp nhận làm "cửu vạn" ở xứ người. Là chuyện nhiều VĐV tuyến trẻ mải vui, lơ là việc tập, sáng ra phì phèo thuốc lá "chém gió" ở Mỹ Đình. Đến cựu tuyển thủ giờ sắm vai HLV cũng có người tham gia tụ vạ thường xuyên ở nơi công cộng. Sau bữa sáng là cà phê trong khói thuốc, những chuyện "à ơi" vô bổ chẳng thể là gương sáng cho học trò…

Dường như trong "tiểu vùng văn hóa thể thao Hà Nội" có sự khác biệt nhất định giữa đỉnh cao và phong trào. Bên những mảng tối là gam màu sáng của những hoạt động mang tính tạo nền. Sớm sớm, chiều chiều, tại khắp các vườn hoa, công viên, các khoảng không gian công cộng, luôn có thể thấy hình ảnh thành viên các CLB văn hóa - thể thao, những nhóm người chung sở thích cùng tập một môn thể thao tập thể như thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao… Tại các công viên lớn như Thống Nhất, Thành Công… đều có CLB cầu lông, khiêu vũ, thể dục dưỡng sinh với hàng trăm thành viên cùng nhau sinh hoạt, luyện tập suốt nhiều năm trời. Hiếm có địa phương nào trên cả nước có được số gia đình thể thao, số người tập luyện thể thao thường xuyên như ở Hà Nội. Cũng hiếm có nơi nào có số lượng CLB thể thao ở các cấp độ khác nhau (thành phố, quận, huyện, xã, phường…) đông đảo với mô hình đa dạng như ở Thủ đô. Người Hà Nội tìm đến các CLB, các điểm công cộng để tập luyện với mục tiêu tự rèn luyện nâng cao sức khỏe. Qua các hoạt động thể thao cộng đồng, người Hà Nội giao lưu, chia sẻ, quan tâm đến nhau nhiều hơn, cười vui nhiều hơn trong nhịp sống đô thị ngày càng gấp gáp và nhiều áp lực.

Hà Nội có hệ thống giải đấu phong trào rất mạnh, lên đến vài chục giải đấu cấp thành phố, vô số giải phong trào cơ sở, giải của ngành, trong đó có những mô hình thể thao giàu truyền thống mà nếu không có được sự hưởng ứng của nhân dân thì không thể tồn tại. Giải chạy Báo Hànộimới là một ví dụ tiêu biểu. Được duy trì liên tục 39 năm qua, đây thực sự là giải đấu giàu truyền thống bậc nhất của làng điền kinh Việt Nam, hằng năm có hàng trăm nghìn người thuộc 29 quận, huyện, thị xã tham gia. Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 là người Hà Nội lại háo hức chờ đợi những cuộc ganh đua sôi nổi, quyết liệt trên đường chạy chung kết vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngay những ngày cuối tháng 9 này, Báo Hànộimới nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của người Hà Nội ngỏ ý muốn tham gia cuộc thi dù thời hạn đăng ký đã hết. Giải Bóng bàn tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ nhất - 2012, vừa được tổ chức từ ngày 13 đến 16-9 vừa qua cũng là ví dụ sinh động cho thấy người Hà Nội đam mê thể thao thế nào. Tuy mới lần đầu tổ chức nhưng sân chơi hấp dẫn này đã quy tụ số lượng VĐV đông đảo, lên đến 200 VĐV thuộc 40 CLB. Ngày thi chung kết, khu vực ở quanh NTĐ kín phương tiện của người hâm mộ bóng bàn. Các trận đấu diễn ra với chất lượng cao, khán đài luôn chật kín khán giả nhiệt tình.

Những gam màu sáng tối trong đời sống thể thao Hà Nội có lẽ sẽ còn song hành cho tới lúc những giá trị ảo, những lối ứng xử đi ngược lại truyền thống thanh lịch, văn minh bị đào thải. Ngày ấy gần hay xa?
(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5 (phần 2): Ngang qua những “tiểu vùng văn hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.