Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 5: Mê tín chen chân vào lễ hội

Tống Ngọc Thanh| 17/02/2011 06:46

(HNM) - Ngày còn nhỏ, tôi thường theo bà nội lên chùa. Thấy người ta đốt cả bó hương to tướng, trong khi bà chỉ thắp có một nén, tôi thắc mắc. Bà nội xoa đầu tôi bảo: "Phật tại tâm con ạ. Lòng thành thắp một nén nhang/Dâng lên Phật hộ mười phương vẹn mười".

Ngẫm câu nói của bà trong suốt chuyến đi thực tế lễ hội đầu năm để viết bài, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Do "phú quý sinh lễ nghĩa", do mê tín hay cuồng tín mà bây giờ người ta đi lễ phải có mâm cao cỗ đầy, tham vật chất hơn là cầu may...

Những lễ mâm cao cỗ đầy được dâng ở Bà Chúa Kho.

Lòng thành đâu phải "mâm cao, cỗ đầy"

Không biết từ khi nào, dân gian truyền tụng Đền Bà Chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) là nơi linh thiêng số một về cầu tài, phát lộc. Họ đồn rằng, ai muốn giàu có, phát tài thì đầu năm đến làm lễ vay tiền Bà Chúa, cuối năm đi trả theo kiểu "vay một trả mười". "Tiếng lành đồn xa", mỗi ngày Đền Bà Chúa Kho thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương.

Chiều 15-2-2011, nhóm phóng viên Hànộimới hòa cùng dòng người về Đền Bà Chúa. Cách làng Cổ Mễ non nửa cây số, đám cò mồi lao ra chặn xe, chèo kéo: "Các bác vào nhà em gửi xe, sắm lễ, thuê mâm... Nếu đồng ý, em sẽ dẫn các bác vào tận hậu cung, nơi Bà Chúa ngự, ở đó mới thiêng chứ giờ này vào thì chỉ có đứng ngoài sân mà vái vọng".

Đường vào Đền Bà Chúa Kho vẫn kẹt cứng, ô tô nối đuôi thành hàng dài. Cả bãi xe rộng đến vài nghìn mét vuông cũng quá tải. Mặc dù đã mua vé từ đầu làng nhưng nhiều đoàn khách đành xuống xe, cuốc bộ. Trời về chiều, mưa mù nặng hạt nhưng đường lên đền vẫn sáng rực, cơ man quán xá, dịch vụ, nhiều nhất vẫn là đồ mã.

Thấy chúng tôi bước vào, bà chủ quán Phú Quý chạy ra đon đả: "Đoàn mình có mấy người, sắm lễ năm trăm hay một triệu, em làm cho". Tôi trợn tròn mắt: "Chúng tôi chỉ hương hoa gọi là thành tâm". Nghe vậy, bà chủ quán nói khích: "Hàng vạn người đổ về đây, chẳng thấy ai như các bác, đến cửa thánh thì đừng có tiếc. Lễ càng nhiều, mâm càng cao thì Bà Chúa càng ban nhiều lộc".

Đúng như lời chủ quán, người đi lễ Bà Chúa Kho ai cũng khệ nệ mâm lớn, mâm nhỏ, đầy ắp "cành vàng lá ngọc", "vàng lá", "vàng thỏi" "đô la âm phủ"... Với quan niệm "trần sao, âm vậy", không ít người còn bỏ ra hàng triệu đồng sắm nhà lầu, xe hơi bằng giấy dâng lên ban thờ, mong lời thỉnh cầu đến được tai Bà Chúa!?

Đến lễ Bà Chúa Kho, không ít người dâng cả xôi, gà, rượu, thịt. Không chỉ có vàng mã, nhiều người còn dâng lễ hàng xấp tiền polyme Ngân hàng Nhà nước mới coóng có mệnh giá khác nhau, mong chứng tỏ... lòng thành.

Chúng tôi gặp chị Mến ở Hải Dương. Chị dẫn theo 3 người đội lễ, cười rất tự tin: "Một mâm em lễ tạ năm ngoái, hai mâm còn lại xin vay Bà Chúa năm nay. Mong các cụ đại xá, cho con cháu vay - trả cùng ngày". Chị Mến cho biết, để có 3 mâm lễ "rất gọn nhẹ" chủ yếu là vàng mã, chị phải bỏ ra 4,5 triệu đồng. Nhìn bể hóa vàng phía sau đền không lúc nào tắt lửa, chúng tôi đoán chắc một khoản tiền lớn đã được các "tín chủ" đưa vào lò.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Cụm di tích Đền Bà Chúa Kho cho biết, việc sắm lễ, dâng hương mang yếu tố tâm linh nên rất khó ngăn cản. Ban Quản lý liên tục nhắc nhở qua loa phóng thanh, yêu cầu du khách giữ gìn vệ sinh, không đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, hạn chế đốt hương và vàng mã... nhưng nhiều người vẫn ra sức đốt. Cứ mươi phút, BQL lại cử người ra rút bớt các que hương đang cháy, nhúng vào xô nước vì hương cắm quá dày. Có gia đình hóa vàng 30 phút chưa hết mâm lễ, đơn giản vì họ nghĩ "lễ càng to, bà cho càng nhiều lộc".

Cầu may hay là cầu tham?

Sở dĩ Đền Bà Chúa Kho có lực lượng chuyên đi khấn thuê, lễ mướn là bởi đặc thù vay - trả. Người đi lễ không phải ai cũng tâm niệm cầu may, cầu an theo cái lẽ thông thường. Có khá nhiều người vừa đặt lễ vừa nhẩm tính xem năm Tân Mão "vay" Bà Chúa bao nhiêu cây vàng, bao nhiêu đô la cho đủ. Để tránh bị phân tâm và có lời thỉnh cầu bài bản, họ cậy nhờ đội quân khấn thuê, lễ mướn. Để thực hiện nếp sống văn hóa, ngay tại ban thờ chính của đền, BQL di tích đã đặt một tấm biển: "Quý khách lưu ý, không nhờ khấn thuê, lễ mướn". Khuyến cáo là thế nhưng phía sau ban thờ luôn có dăm bảy người túc trực khấn thuê. Hễ thấy khách bê mâm lễ vào là nhóm người trên chạy đến mời chào, xin khấn thuê, giá khấn phụ thuộc vào "chiều cao" của mâm lễ.

Tôi hỏi một phụ nữ khấn thuê: "Sao lại nhìn mâm lễ của gia chủ để đòi tiền khấn thuê?", chị trả lời rất hồn nhiên: "Đó là cách nắm tâm lý. Người đi mâm cao cỗ đầy, tức là họ giàu có. Họ thường không tiếc tiền thuê khấn đâu".

Tôi lại hỏi: "Người ta cấm khấn thuê rồi cơ mà?" Chị nhoẻn miệng cười: "Cấm cho vui, ai biết chúng tôi khấn thuê hay khóc hộ. Đấy, cái nhà bác kia năm ngoái lên đây nhờ tôi cúng hộ, xin Bà Chúa cho vay ba chục cây vàng để xây nhà. Quả nhiên, năm rồi có tiền xây nhà thật, hai vợ chồng béo lên trông thấy".

Ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng ban An ninh Đền Bà Chúa Kho tỏ ra bức xúc khi nói về đội quân khấn thuê, lễ mướn: "Nhóm người này không nghề nghiệp, thậm chí không biết chữ. Gia chủ yêu cầu khấn gì họ nhắc lại đúng như thế. Đi lễ Thánh thần mà lại đặt mục tiêu vay mấy chục, mấy trăm cây vàng, như vậy là tham chứ đâu phải cầu may. Đáng tiếc, rất nhiều gia chủ vì quá mê tín nên bị nhóm người khấn thuê, lễ mướn lợi dụng".

Mê tín làm biến tướng vẻ đẹp lễ hội

Hoạt động mê tín dị đoan đã có biểu hiện ở tất cả các lễ hội, đó là nhận định của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc bói toán, lên đồng, nạn đốt vàng mã vô tội vạ, tệ dùng tiền Ngân hàng Nhà nước phát hành xoa lên tượng Phật. Mọi thứ như đều có thể quy ra tiền, đến Chùa Hương, Chùa Hà, Chùa Bái Đính, Đền Trần, Đền Bà Chúa Kho... những ngày đầu năm, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy tình trạng dán, xoa tiền lẻ lên tượng Phật. Người đi lễ vung tiền như giấy vụn, bay lả tả.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thì việc cúng tiền thật mang ý nghĩa như một chút công đức, là "giọt dầu" và là niềm hy vọng cầu may. Tuy nhiên, với cách vung tiền bừa bãi như ở các lễ hội hiện nay, nét đẹp văn hóa tâm linh không còn nguyên vẹn nữa. Tiền dù có mệnh giá thấp nhưng thể hiện giá trị tinh thần và mang biểu tượng quốc gia. Việc rải tiền bừa bãi thể hiện ý thức của công dân về đất nước, về quốc gia chưa cao.

Cũng vì người đi lễ sùng bái một cách thái quá, nhiều lễ hội đang mất dần đi bản sắc. Những nghi thức "bán rủi, mua may" ở Chợ Viềng (Nam Định), cầu tình duyên ở Chùa Hà... đã bị thương mại hóa, trở thành những cuộc tranh giành xin lộc thánh. Chỉ trong một đêm diễn ra lễ khai ấn, Đền Trần đón 10 đến 20 vạn du khách. Để cướp ấn cầu may, cả biển người phải chen lấn, xô đẩy. Cảnh tượng ấy khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đó có phải là văn hóa tâm linh?

Nói về vấn đề này, Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương nói: "Đạo Phật khuyên con người ta ăn ở hiền lành, tin vào nhân quả, nghiệp báo. Một phật tử tốt luôn là người biết tu, biết lo cho gia đình và xã hội. Một gia đình yên ấm, hạnh phúc thì mới có một xã hội ổn định. Phật tại tâm mỗi người chứ không phải cứ nay đi lễ chỗ này, mai đi lễ chỗ khác, đốt thật nhiều vàng mã, hay sắm sửa mâm cao cỗ đầy mới là thành tâm. Đến với chùa chiền là hành trình hướng tới điều thiện, vì vậy người đi lễ hãy cố gắng làm theo những điều Phật dạy, đừng mê tín một cách mù quáng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Mê tín chen chân vào lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.