(HNM) - Trong khi việc cưới hỏi vẫn còn là gánh nặng ở nhiều địa phương thì tại xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội), đám cưới được tổ chức ngày một tiết kiệm mà vẫn không kém phần trang trọng.
Việc tổ chức hôn lễ vui tươi, lành mạnh theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU không chỉ được quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn được đông đảo người dân địa phương tích cực hưởng ứng, làm theo.
Một đám cưới ở ngoại thành Hà Nội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. Ảnh: Đức Nghiêm |
Cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện
Khi được hỏi về việc cưới trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Bình Yên Lê Văn Mão phấn khởi nói vui: "Lâu lắm rồi tôi không được đi ăn cỗ cưới. Cán bộ xã, thôn giờ có việc cưới không mời khách, chỉ làm ít mâm cỗ, mời gọn trong gia đình, dòng họ. Không còn cảnh cỗ cưới làm đến hàng trăm mâm, ăn uống kéo dài hai, ba ngày như vài năm trước". Như để chứng minh điều mình nói, ông Mão điểm tên cả chục đám cưới vừa được tổ chức trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy một cách gọn nhẹ, tiết kiệm.
Phó trưởng thôn Cánh Chủ - ông Nguyễn Đình Tám - người vừa tổ chức cưới cho con gái theo nếp sống mới kể: "Lúc đầu đưa ra bàn bạc trong gia đình cũng còn nhiều băn khoăn. Sống ở nông thôn, tâm lý "trả nợ miệng" hoặc e ngại "ma chê, cưới trách" vẫn còn rất nặng nề. Người ta cưới con mời mình mà giờ mình lại không mời người ta… Nhưng ngẫm đi, ngẫm lại, chính quyền vừa quán triệt xong, mình là cán bộ, phải gương mẫu đi đầu, có vậy mới đi vận động được người khác. Vì vậy, chúng tôi quyết định chỉ tổ chức trong một ngày, làm 48 mâm cỗ". Cũng theo ông Tám, nếu so sánh với đám cưới tổ chức cho cậu con trai cả vào năm trước thì cưới cô con gái đã giảm hơn 150 mâm cỗ. "Gia đình tổ chức ăn uống ròng rã hai ngày. Lo cỗ bàn và tiếp khách vã hết cả mồ hôi" - ông Tám nhớ lại.
Chủ tịch Lê Văn Mão cho biết, xã có 9 thôn, 2.694 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu. Đời sống người dân chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống còn rất khó khăn. Trước năm 2004, mỗi khi có đám cưới, gia chủ thường tổ chức hàng trăm mâm, ăn cỗ trong vài ngày, chi phí có hà tiện cũng tốn kém vài chục triệu đồng. Có đám phải chi tới cả trăm triệu đồng. Xuất phát từ phong trào thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, từ năm 2004, xã Bình Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên hưởng ứng. Đám cưới trong xã từ ăn ba ngày đã giảm xuống còn hai ngày, nhưng số lượng cỗ vẫn còn nhiều. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 11 của Thành ủy, xã Bình Yên đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và kế hoạch triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong toàn đảng bộ. Bây giờ đám cưới ở Bình Yên chỉ diễn ra trong một ngày, trung bình mỗi đám 50 mâm nhưng nhiều nhà chỉ tổ chức 20-30 mâm. Tính ra, chi phí cho mỗi đám cưới giảm được khoảng 30 triệu đồng. Với 120-140 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn mỗi năm, nếu quyết liệt triển khai sẽ tiết kiệm được 3-4 tỷ đồng tiền làm cỗ cưới, vừa đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian, mà quan trọng hơn là đám cưới vẫn trang trọng, vui vẻ, hạnh phúc.
Xây dựng thành phong trào
Kinh nghiệm bước đầu trong triển khai Chỉ thị 11 ở xã Bình Yên cho thấy, cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu và thực hiện nghiêm, có như vậy người dân mới đồng thuận làm theo. "Chúng tôi quán triệt trong toàn đảng bộ, cán bộ, đảng viên không đi ăn cỗ cưới trong giờ hành chính. Gia đình có việc cưới không tổ chức quá 50 mâm. Những ai không chấp hành đúng sẽ "được" nêu "gương tích cực ăn uống" trên hệ thống truyền thanh xã để toàn dân biết" - ông Lê Văn Mão cho biết. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Bình Yên, tại hội nghị đại biểu nhân dân tới đây, xã sẽ đưa ra bàn bạc với dân, nếu đồng thuận, mỗi đôi trai gái ra UBND xã đăng ký kết hôn sẽ phải ký cam kết thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11, kèm theo đó là đặt cọc số tiền 5 triệu đồng. Nếu thực hiện đúng, sau khi đám cưới kết thúc sẽ trả lại tiền, nếu vi phạm sẽ nộp công quỹ…
Từ kinh nghiệm tổ chức việc cưới cho con mình, Phó trưởng thôn Cánh Chủ Nguyễn Đình Tám đã vận động anh em trong gia đình, dòng họ làm theo. Các ông Nguyễn Đình Mậu, Nguyễn Đình Thu là anh em của ông Tám cho hay, gia đình sắp tổ chức cưới cho con, mấy anh em đã bàn nhau cũng chỉ tổ chức trang trọng, gọn nhẹ như nhà ông Tám.
Thành công bước đầu trong thực hiện việc cưới đã và đang cổ vũ phong trào xây dựng nếp sống mới trên địa bàn xã Bình Yên. Phong trào văn hóa tinh thần lên cao, thôn nào cũng có đội văn nghệ. Người dân trong xã đã tham gia đóng góp hơn 300 triệu đồng để xây dựng đường giao thông; trong đó, 21 hộ dân đã tham gia hiến hàng trăm mét đất, dỡ tường bao, công trình phụ để mở đường… phấn đấu hoàn thành cứng hóa 100% đường ngõ xóm trên địa bàn xã trước Tết Nguyên đán để người dân vui xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.