(HNM) - Nhà văn Nguyễn Khải đã viết:
Từ hình ảnh đó mà liên tưởng, có thể thấy, trong mỗi công dân Thủ đô đều có những yếu tố tích cực làm nên giá trị của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Một Hà Nội văn minh, hiện đại của hôm nay và ngày mai đòi hỏi mỗi con người vừa phải khơi dậy và phát huy những giá trị từ ngàn xưa tích tụ, đồng thời luôn phải tu dưỡng, rèn luyện để vươn lên cả về tư duy, năng lực trước những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Và "ngọn gió" để người Hà Nội nâng mình lên một tầm cao mới chính là Chương trình 04-CTr/TU với mục tiêu "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" - Một chương trình quan trọng trong xây dựng chiến lược con người.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội
Để tạo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội cũng như để huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong thực hiện Chương trình 04, thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, trình HĐND thành phố thông qua để triển khai thực hiện. Đó đều là những hoạch định chiến lược mang tính "dài hơi" đến năm 2020, định hướng 2030 về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, công nghệ thông tin… Trong hơn hai năm qua đã phê duyệt được 43 đề án, dự án, chương trình để thực hiện quy hoạch với mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Với 5.175 di tích lịch sử văn hóa (hết năm 2012 đã có 2.119 di tích được xếp hạng), đây là thế mạnh của Hà Nội không phải địa phương nào cũng có. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa đã tạo nên những xung đột giữa truyền thống và hiện đại. Cách giải bài toán đó là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành đầu tư bài bản cho việc bảo vệ, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lấy giá trị truyền thống của Thủ đô có bề dày hơn nghìn năm văn hiến làm nền tảng cho sự phát triển. Căn cứ vào những mục tiêu cụ thể của chương trình, kết hợp với những dự án, đề án đang triển khai, các đơn vị đã xây dựng thành kế hoạch công tác của cấp ủy, chính quyền, nêu rõ mục tiêu, giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể.
Công tác phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng đã có những chuyển biến khá rõ nét. Đi đôi với việc chú trọng giáo dục tư tưởng, văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên, ngành chức năng đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách hành chính, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy. Một số dự án được đầu tư, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng như các Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội… Mạng lưới y tế cơ sở được kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất. Nhiều chuyên khoa mũi nhọn được lựa chọn, đầu tư có trọng điểm, kết hợp với phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh tự nguyện. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ; áp dụng thí điểm các mô hình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ cơ sở xã, phường, thị trấn…
Hoạt động khoa học và công nghệ đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc ứng dụng thành tựu vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Một số chương trình nghiên cứu đã tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Nếu như trong toàn giai đoạn 2011-2015, Sở KH&CN phải triển khai 17 chương trình, đề án, dự án nằm trong Chương trình 04 thì thời gian qua ngành chức năng đã hoàn thành việc thẩm định đối với 114 đề tài nghiên cứu khoa học; nghiệm thu 17 đề tài cấp cơ sở và 16 đề tài cấp thành phố của kế hoạch hai năm 2011-2012; riêng năm 2012, Sở KH&CN còn đảm nhiệm 227 đề án thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ…
Đặc biệt, thời gian qua tình hình suy thoái kinh tế khiến nhiều DN phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất đã đặt Chương trình 04 đối diện với những thách thức trong công tác bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, bằng sự tập trung chỉ đạo từ thành phố với nhiều giải pháp cụ thể kết hợp cùng sự năng động, lựa chọn cách làm phù hợp của cấp ủy, chính quyền cơ sở và những chính sách linh hoạt trong huy động các nguồn lực xã hội, mục tiêu xóa hộ nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 đã vượt kế hoạch đề ra. Phong trào đền ơn đáp nghĩa có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, hết năm 2012 toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo trong diện gia đình chính sách; việc thực hiện chính sách bảo hiểm, chăm sóc trẻ em, giải quyết việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội… đạt nhiều kết quả khả quan.
Đầu tư cho nhân lực, tạo sự đột phá
Có thể thấy, trong 3 nội dung cơ bản của Chương trình 04, vấn đề xây dựng chiến lược con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Tại từng đơn vị, địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền đã có những cách làm cụ thể, sáng tạo để đưa những nội dung của chương trình vào cuộc sống, tạo nên tác động tích cực, toàn diện tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Với mục tiêu "cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô; coi đầu tư cho nhân lực là động lực để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô", Hà Nội đã xây dựng một đội ngũ nhân lực đa dạng, được đào tạo bài bản, đáp ứng tổng hợp về các mặt như thể lực, trí lực, kỹ năng, phong cách, lối sống và đặc biệt là có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, tiếp thu công nghệ mới. Xác định đội ngũ công chức, viên chức của thành phố chính là nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, quận, huyện đã tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách từ đào tạo đến sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ; thu hút nhân tài; xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài… Hiện nay 88% số cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính của thành phố có trình độ từ đại học trở lên. Với Đề án Trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị giai đoạn 2010-2015, quận Hà Đông đã tạo điều kiện cho 17 cán bộ trẻ tham gia BCH Đảng bộ quận, 35 cán bộ trẻ là đảng ủy viên, cán bộ chủ chốt các phường. Các cơ quan thuộc Thành đoàn Hà Nội đã tiếp nhận 12 thủ khoa xuất sắc về làm việc. Huyện Mỹ Đức chủ động phối hợp với một số trường mở 3 lớp đào tạo trình độ đại học về quản lý văn phòng, luật kinh tế, văn hóa, xã hội... cho cán bộ của huyện. Huyện Thanh Trì đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng thêm 5 trường chuẩn quốc gia, đưa tổng số trường chuẩn quốc gia lên 32/58 trường, đạt 56,1%. Huyện Sóc Sơn chú ý đến công tác hướng nghiệp, chú trọng xây dựng và triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020…
Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể của Thủ đô đã phát động, tổ chức thực hiện nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả việc "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Với việc hoàn thành biên soạn và dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho học sinh từ cấp tiểu học, THCS đến THPT, ngành GD-ĐT được ghi nhận đã góp sức thiết thực và ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc người Hà Nội. MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức các phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", hội nghị biểu dương các tấm gương "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xóa đói giảm nghèo". Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội triển khai đề án "Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh", thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc". Thành đoàn Hà Nội đẩy mạnh phong trào hành động "Tuổi trẻ Thủ đô Sức khỏe, trí tuệ - Đoàn kết, sáng tạo - Thanh lịch, tình nguyện"…
Tại các địa phương, phong trào "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" là một nội dung không thể tách rời trong xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Khu dân cư văn hóa. Việc hình thành các mô hình văn hóa đã kiến tạo một môi trường lành mạnh cho việc phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.