Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Vẹn nguyên một nét hào hoa?

Vũ Hoa| 19/09/2012 05:37

(HNM) - Gần 30 năm qua, Hà Nội có biết bao thay đổi, từ sự chuyển đổi mô hình nền kinh tế đến sự mở rộng về mặt địa giới hành chính... Sự thay đổi đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp và tiếng Hà Nội như thế nào?


- Ông nhận xét thế nào về cách thức ứng xử của cư dân Hà Nội hiện nay? Nó có "xám xịt" như một số người nghĩ?


- Mỗi năm có vài triệu lượt người từ các nơi về, qua lại Hà Nội. Bởi vậy, cách ứng xử của người Hà Nội bên cạnh cái lõi của nó thì còn chịu tác động của nhiều cách ứng xử từ nơi khác. Tôi cho rằng cách thức ứng xử của người Hà Nội hiện nay vẫn giữ được chuẩn mực, vẫn có nét hào hoa, lịch sự.


Thiếu n Hà Ni duyên dáng trong tà áo dài truyn thng. Ảnh: Nht Nam

- Là ông nhận xét thế, nhưng vì sao người ta vẫn thường kể những điều "ngược mắt", đặc biệt là thứ ngôn ngữ "khó xuôi tai" ở ngoài kia?

- Ngôn ngữ giao tiếp cũng như hiện tượng khác, chỉ có chuẩn tương đối, và chuẩn đó luôn có sự vận động. Trong ngôn ngữ học có một câu rất hay: "Cái chuẩn của ngày hôm qua chưa chắc là cái chuẩn của ngày hôm nay, và cái chuẩn của hôm nay chưa chắc là cái chuẩn của ngày mai".

Trong quá trình phản ánh hiện thực, điều đáng nói là chúng ta ít để ý tới những gì chuẩn mực, đã thành quen, mà hay để ý tới điều mới lạ. Trong các hiện tượng mới có cả sự lệch chuẩn truyền thống, thậm chí là đi ngược lại nên người ta cảm thấy không quen, không thích, có người bức xúc là phải. Nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh.

- Người Hà Nội xưa ứng xử rất tuyệt. Sự lịch duyệt thể hiện từ phong thái, cách ăn mặc đến lời nói. Đặc trưng cơ bản trong ngôn ngữ giao tiếp của người Hà Nội xưa thế nào, thưa ông?

- Tiếng Hà Nội va đập với phương ngữ thường xuyên. Nhân tài dồn về Thủ đô, nhiều người mang theo lối ứng xử ở tầm văn hóa cao, bao hàm cả ngôn ngữ giao tiếp. Cái hào hoa, vì thế, hội tụ về Hà Nội, bổ sung thêm cho ngôn ngữ giao tiếp đã được chắt lọc qua bao đời. Mặt khác, trong đặc trưng văn hóa ứng xử của người Việt có sự bình tâm, khiêm tốn, thân tình, đem vào ứng xử hằng ngày góp cho ngôn ngữ giao tiếp thêm chuẩn. Nếu ở gần những người già gốc Hà Nội, chúng ta thấy cách giao tiếp của họ có gì đó khiêm nhường. Họ nói có đầu có đuôi, thường rào trước đón sau… Điều đó tạo nên nét đáng yêu riêng của người Hà Nội.

- Ngôn ngữ cũng như xã hội, có sự phát triển theo thời gian. Gần 30 năm đổi mới, tăng cường giao lưu, hội nhập, tiếng Hà Nội có sự thay đổi đáng kể hay không, thưa ông?


- Ngôn ngữ là hàn thử biểu xã hội. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ thay đổi ngay, nhưng sự biến động diễn ra trong ổn định. 30 năm qua tiếng Việt thay đổi nhiều và tiếng Hà Nội cũng thay đổi nhanh, được bổ sung một vốn từ vựng rất lớn. Nền kinh tế thị trường vào, khái niệm, từ ngữ thị trường cũng theo vào; có nhiều nhóm xã hội thì ngôn ngữ của nhóm xã hội cũng xuất hiện. Cuộc sống hiện đại hối hả, ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ thay đổi nhanh, ví dụ như xu thế bỏ đại từ nhân xưng "dì", "mợ" đổi thành "cô"; "cậu" thành "chú". Tôi không đánh giá hay dở nhưng đó là sự thay đổi. Lại nữa, tiếng Anh đang như cơn "đại hồng thủy" tràn ngập thế giới. Ngôn ngữ là văn hóa, cũng là cái vỏ của văn hóa, nó theo văn hóa ngoại vào Hà Nội và đương nhiên là khiến cách thức giao tiếp thay đổi. Ngày xưa người Hà Nội hỏi "Chị đi đâu đấy?", giờ là "Chào chị!". Đưa từ "chào" vào, tức là nét nghi thức trong giao tiếp rõ hơn sự thân tình.

Sự thay đổi ấy là phù hợp, thỏa mãn nhu cầu giao tiếp. Những gì lệch chuẩn sẽ bị loại, thông qua quá trình tự chọn lọc bởi người Hà Nội biết cách tự điều tiết.

- Người trẻ bây giờ giao tiếp, ứng xử khác với cách nay vài thập kỷ, dạn dĩ, trực tiếp,"tây" hơn. Cung cách ấy cũng có nét hay, chẳng hạn như giảm sự khách sáo, vòng vo nhưng cũng khiến nhiều người không hài lòng. Ông nhận xét thế nào về điều đó?

- Tôi nghĩ nhịp sống nhanh thì đương nhiên nhiều thứ sẽ thay đổi, ăn cũng phải nhanh, làm việc, đi lại cũng nhanh hơn. Cách thức, ngôn ngữ giao tiếp cũng khác, có điều là phải phù hợp với đối tượng và bối cảnh. Ngôn ngữ chia chức năng, ngôn ngữ giao tiếp công sở khác với giao tiếp gia đình, giao tiếp của lớp trẻ khác với giao tiếp của người già. Ví dụ người trẻ gặp nhau thường hỏi "có gì mới không?", nhưng gặp người già thì không thể như thế được. Giới trẻ năng động, thích cái mới, nhưng đem ngôn ngữ chat vào nhà trường là sai. Chúng ta không kìm hãm sự phát triển của ngôn ngữ nhưng phải định hướng nó sao cho đúng.

- Những thay đổi về tiếng Hà Nội, nếu có gì đó đáng kể thì nguyên nhân chủ yếu là gì, thưa ông?

- Nguyên nhân chủ yếu khiến tiếng Hà Nội thay đổi là sự phát triển của đời sống xã hội. Thời hiện đại ngôn ngữ cũng phải hiện đại, nhưng nét hiện đại đó phải phát triển trên nền tảng truyền thống, nếu chệch ra xa thì không khác gì mất gốc. Nghiên cứu về tiếng Hà Nội, tôi thấy không đáng lo lắm. Ngược lại, tôi lo sự lan tỏa của tiếng Hà Nội đang làm mờ các phương ngữ. Người đến Thủ đô sẽ mang tiếng Hà Nội về quê của mình và điều đó còn mạnh hơn tác động của phương ngữ khi vào Hà Nội.

- Theo ông, trong tương lai, ngôn ngữ giao tiếp của người dân Hà Nội sẽ thế nào? Có cần thiết và có cách để bảo vệ một thứ ngôn ngữ giao tiếp Hà Nội trong sáng và mẫu mực như chúng ta từng biết?...

- Tôi nghĩ tiếng Hà Nội sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực với điều kiện chúng ta có sự định hướng tốt. Ví dụ, vai trò của tiếng Anh hiện nay là rất lớn nhưng chúng ta vẫn phải có biện pháp để bảo vệ tiếng Việt nói chung và tiếng Hà Nội nói riêng. Để bảo vệ ngôn ngữ, ngoài xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, tôi cho rằng có hai điều quan trọng nữa cần quan tâm ở Hà Nội hiện nay, là xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và văn hóa công sở. Hiện nay văn hóa công sở có gì đó chưa ổn, trong giao tiếp có chỗ cứng quá, có chỗ buông lỏng quá. Nếu cứng quá trở thành lạnh lùng, không phù hợp với văn hóa của người Việt, dễ dãi quá lại làm mất đi tính quy thức của giao tiếp công sở. Trong gia đình, nếu có sự giáo dục kỹ lưỡng, người lớn tuổi biết làm gương cho giới trẻ thì sẽ ngăn được sự thâm nhập của thứ ngôn ngữ không lành mạnh. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông phải dùng từ một cách chuẩn mực vì tác động của truyền thông là rất lớn.

Làm tốt mấy điều nói trên thì chúng ta mới bảo vệ được sự trong sáng và mẫu mực.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Vẹn nguyên một nét hào hoa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.