(HNM) - Buôn Ma Thuột (BMT) đang trong những ngày trọng đại: vừa qua tuổi 105 kể từ khi thành tỉnh lỵ Đắc Lắc, kỷ niệm 35 năm giải phóng, đặc biệt là được công nhận đô thị loại 1 với những vị trí, đặc trưng tương ứng. "Có cái nắng, có cái gió", tôi thả bộ trên đường Lê Duẩn, qua những cơ quan công quyền, tòa biệt điện Bảo Đại, dưới hàng sao, sa kê xanh rì, thấy mình phân thân "trôi" giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố…
Ngược dòng lịch sử
Tự hoang sơ, trên cao nguyên Đắc Lắc, hai dòng Krông Ana - sông Mẹ - và Krông Knô - sông Cha - hợp với nhau sinh ra dòng Sêrêpôk hùng vĩ, chảy sang phía Tây hợp vào Mê Công. Srêpôk chảy đến đâu, những tộc người Êđê, M’nông hợp đàn, sinh sôi đến đó, bắt cá, kiếm măng, nuôi voi, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Cứ thế vài nghìn năm, một nền văn hóa thuần khiết, không pha Hán cũng không lai Ấn hình thành, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị không ai có. Thời phong kiến, triều Nguyễn coi đây là “Hoàng triều cương thổ”, nhưng sự cai trị cũng lơi là bởi xa cách quá đỗi.
Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Viết Thành |
Thực dân Pháp xâm lăng. Ngày 22-11-1904, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập tỉnh Đắc Lắc mới thuộc quyền Khâm sứ Trung Kỳ xứ An Nam. Ít lâu sau, tỉnh lỵ chuyển từ Bản Đôn về buôn của đồng bào Êđê Kpă bên suối Ea Tam. Cuối thế kỷ XIX, buôn này có khoảng 50 nhà dài, mỗi ngôi chứa 30-40 người, dưới sự cai trị của Tù trưởng hùng mạnh Ama Thuột. Một cách đầy đủ, phiên ra tiếng Kinh, nơi đây là làng của cha ông Y Thuột. Xen kẽ giữa những nếp nhà dài Êđê là tòa khâm sứ, văn phòng, bệnh viện, đồn binh, nhà tù, trường học, tòa giám mục bằng gỗ.
Đầu thế kỷ XX, nương theo đường rừng, ông Phan Hộ, người Quảng Nam lên BMT buôn bán. Thấy đất đai trù phú, con người mến khách, ông xin Tù trưởng Ama Thuột ở lại dựng làng. Ngôi đình Lạc Giao của người Kinh đầu tiên mọc lên, “Lạc” là con cháu Lạc Hồng, “Giao” là giao lưu đoàn kết. Với ý nghĩa ấy, lễ kết nghĩa Kinh - Thượng được tổ chức với lời thề “Lấy người Kinh làm anh/Chọn người Kinh làm em/Nước uống chung một ống/Cơm ăn chung một nồi/Xiết chặt tay đoàn kết/Như anh em một nhà”.
35 năm qua
Chiến dịch giải phóng một số đô thị quan trọng ở Tây Nguyên, có điều kiện thì mở rộng vùng kiểm soát của cách mạng ra xung quanh được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ấn định với những điều kiện chín muồi: Mỹ đã rút khỏi miền Nam sau Hiệp định Paris, ngụy vừa suy yếu vừa lục đục. Sau Tết Nguyên đán Ất Mão 1975, chủ lực ta tập trung vào náu trong đại ngàn Tây Nguyên, kết hợp với các lực lượng bên trong chuẩn bị sẵn sàng khi có thời cơ. Ngày 10-3, đại quân ta với xe tăng, vũ khí hạng nặng ập vào BMT, nhanh chóng làm chủ thị xã với sự kháng cự yếu ớt của địch. Đây là điểm khởi đầu, cũng là đòn quyết định để quân ta tiếp tục giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên, lấy Huế, Đà Nẵng, tiến về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Buôn Ma Thuột, như vậy có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc thống nhất đất nước, khởi đầu cho giai đoạn thênh thang chúng ta đang đi hôm nay.
Đình Lạc Giao. Ảnh: Trần Chiến |
Ngày 18-3, Ủy ban Quân quản BMT ra mắt tại đình Lạc Giao, bắt đầu những công việc đầu tiên của chính quyền mới. Chủ tịch UB thời đó, ông Ama H’Oanh nhớ lại: “Ngổn ngang hết sức. Việc ngập lên, giờ nhớ lại không hiểu sao mình có sức mà làm vậy. Ngay hôm sau, ngày 19, địch dội bom trở lại, hàng trăm người chết và thương vong. Không có lòng dân, trong đó có sự cộng tác của những người trong bộ máy cũ, thì không thể khắc phục”. Thị xã 10 vạn dân lụp xụp, chật chội, điện nước không đủ, đời sống hết sức khó khăn. Những hệ quả của cách lãnh đạo thời bao cấp cũng khiến nhiều người bỏ đi.
Dưới ánh sáng của tư tưởng đổi mới, những khó khăn của một thời được dần dần khắc phục, đem lại gương mặt mới cho BMT. 25 năm gần đây, thị xã, rồi thành phố, duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước: thời kỳ 2001-2005 đạt 11,38%, từ 2006 đến 2008 đạt 16,73%. 2009 là một năm đánh dấu những biến chuyển tích cực về cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm 41,89%, thương
mại - dịch vụ 46,83%, nông - lâm nghiệp 11,28%, đưa tốc độ tăng trưởng lên tới 20,09%. Đây là những thành tích đạt được không hề dễ. Xin đơn cử: Trong khi tỉnh bạn Gia Lai đã có thương hiệu Trung Nguyên ra nước ngoài, thì BMT vẫn được coi là “kinh đô của đế chế cà phê”.
Gương mặt nào cho đô thị cao nguyên?
Chỉ trước ngày kỷ niệm 35 năm giải phóng, BMT được Thủ tướng ký quyết định lên đô thị loại 1. Bộ Chính trị xác định đây là thành phố “trung tâm cấp vùng, là trung tâm công nghiệp, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và y tế của vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và trong quan hệ quốc tế”. Vinh dự lớn đó mang lại những trách nhiệm không nhỏ.
Chẳng hạn, quy hoạch thế nào để trong quá trình kiến thiết, xây dựng, đô thị phải có không gian đặc thù, không giống các thành phố khác. Theo hướng phát triển về Đông - Đông Bắc và Nam - Đông Nam, thì phải đối xử với khu phố cũ- hình thành chủ yếu trước năm 1975 và các buôn làng còn có lịch sử, truyền thống lâu đời hơn thế nào?
Đường Lê Duẩn, bắt đầu từ Ngã Sáu với tượng đài xe tăng lịch sử, tập trung những cơ quan đầu não: tòa án, bưu điện, bảo tàng - biệt điện Bảo Đại, nhà văn hóa, Tỉnh ủy, Đài TNVN khu vực Tây Nguyên, UBND (chưa xây)... Dù trời thật nóng, đây vẫn là con đường đi bộ lý tưởng. Những tán sa kê, sao xanh thẫm, bướm vàng tung hoa chi chít. Và tôi, nhâm nhẩm trong đầu nhận xét của người bạn dự trại kiến trúc sư trẻ toàn quốc năm ngoái ở BMT: thành phố nhỏ nhắn, xinh xắn, sạch sẽ, chưa bị san ủi đồi nhiều như Đắk Nông, Bắc Kạn, cũng không trơ lỳ như Điện Biên, Thanh Hóa. Nhưng dường như ít bản sắc, khu phố cũ khiến nghĩ tới quận 1 Sài Gòn, còn đường Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành gợi quận 3. Và trước triển vọng phát triển mới, xu hướng xây cất ồ ạt, thích đồ sộ hoặc kiểu Pháp cổ của các chủ đầu tư đặt áp lực lên những ai mơ tới một không gian thong thả, thân thiện không hề là nhỏ.
Nhận xét trên, với chút dự cảm lo lắng, tuy hơi cực đoan nhưng không phải không có cơ sở. Xu hướng “hiếu đại” đang thắng thế với những công thự to đoành, nghiêm khắc, đã lây sang cả cổng chùa, cổng đình khi trùng tu. Chia sẻ nhận xét trên với Diêu Văn Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đắc Lắc, anh trả lời sau đôi chút trầm ngâm: “Là trung tâm Tây Nguyên thì anh phải là một thành phố cao nguyên, tức là không thể cao, dày như Sài Gòn, Hà Nội. Cây, rừng, hồ, suối cần được tôn trọng, đặc biệt không san ủi làm hỏng thế đất. Thế nên đất giao xây cất phải rộng để có nhà thâm thấp nấp sau tán vườn. BMT thì phải là thành phố của buôn chứ, không thể là thành phố của chợ như Hà Nội - Kẻ Chợ”.
Chính quyền BMT đang có những động thái “tỏ ra” đồng tình với cách nhìn ấy của nhà chuyên môn. Ý đồ về một con hồ có diện tích mặt nước 25ha nương theo suối Ea Tam, xung quanh bao 70km2 không cho xây cao đang được tìm cách thực hiện. Hy vọng khi hoàn thành, nó đem lại cho thành phố cao nguyên luôn luôn khát lá phổi mới, giống như Thủ đô diễm phúc được hồ Tây và dòng sông Hồng. Ngoài ra, là việc bảo tồn các buôn làng ngoại vi. Buôn Akô Dhông, dù xinh như mộng nhưng đã pha phách, nhuốm mùi du lịch.
*
Tôi cố gắng tránh lời mời chào xe ôm, lại mải miết thả bộ ra ngoại vi. Hoa cà phê tỏa hương dưới tiếng ve ran ầm ĩ. Xung quanh, là cờ đỏ, áo dài, những gương mặt rạng rỡ. Thành phố mừng ngày giải phóng, vui thế. Nhưng sao không thấy sắc áo Êđê đỏ thẫm trước ngực, những đàn bà gùi măng như vẫn có ở Sơn La hay các đô thị cao nguyên khác? Thế thì đâu là gương mặt người tiêu biểu của trung tâm Tây Nguyên?
Câu hỏi của thời phát triển và bảo tồn truyền thống “va chạm” nhau không dễ trả lời. Nhưng thôi, lễ trọng nên tránh đặt nó ra.
Nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới Ngày 18-3-1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y BLốc Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Đắc Lắc đứng đầu đã ra mắt nhân dân và trực tiếp quản lý hành chính trong thị xã, tổ chức ra chính quyền ở các cơ sở, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Chỉ trong thời gian ngắn, anh em công nhân đã khôi phục lại điện và nước trong thị xã. Ủy ban Quân quản mở kho thóc để cấp phát lương thực cho dân. Cùng với nhân dân lao động, những người trí thức yêu nước, những nhà tu hành, các nhà giáo và ngay một số nhân viên ngụy quyền cũ cũng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Nhiều người tình nguyện giúp chính quyền mới nắm bắt tình hình và điều hành công tác trong thị xã. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.