Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Hiếm hoi giây phút yên bình

Đức Trường| 13/06/2014 05:07

(HNM) - Sáng sớm đầu tiên trên biển Đông, khi mặt biển còn lờ mờ, các đồng nghiệp còn đang ngủ lăn lóc, tôi mò dậy, đi ra boong phía sau, bất ngờ khi thấy một người đàn ông rắn rỏi đang rửa xoong, nồi để nấu bữa sáng. Anh là Lê Xuân Cát, thủy thủ Trưởng tàu 2013.


Buổi "chiếu bóng" trên boong

Sau khi được chuyển qua tàu CSB 2015, được Đại úy, Thuyền trưởng Đặng Lê Sơn mời chúng tôi lên boong mũi uống trà và trò chuyện. Điều anh em trên tàu quan tâm nhất là thông tin trên đất liền trong mấy tuần qua bởi trên tàu việc liên lạc với đất liền hết sức hạn chế. Chỉ những con tàu có trang bị thiết bị truyền hình vệ tinh mới có thông tin ở hậu phương. Mỗi người chúng tôi kể về những điều mình biết từ dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước của Việt Nam đến người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Anh em vừa nghe vừa trao đổi thêm những tình tiết còn chưa rõ.

Cảnh sát biển Việt Nam chỉ huy xử lý tình huống đối phó tàu Trung Quốc.



Đến lượt chúng tôi hỏi thăm sức khỏe và diễn biến những ngày qua khi tàu CSB 2015 thực thi luật pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Anh em kể về những vụ vây kèm cố tình đâm va của các tàu Trung Quốc. Thuyền trưởng Sơn nói: "Cái khó nhất là làm sao không mắc bẫy để phía Trung Quốc tạo cớ, vu vạ cho ta". Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, sự phối hợp nhuần nhuyễn của các ngành trên tàu là hết sức cần thiết trong xử lý tình huống. Dù chia ca, chia kíp trực nhưng thức trắng đêm là chuyện bình thường.

Trung Quốc thường cậy tàu đông, tải trọng lớn để lấn át tàu của ta ít hơn, nhỏ hơn. "Như để minh họa cho câu chuyện của mình, Sơn nhờ anh em mang máy quay, chiếu những clip chiến sĩ tàu 2015 quay được mấy ngày trước đó chiếu vào khoảng sơn trắng của vách tàu. Không được nét như xem phim ở các bãi chiếu xưa ở Hà Nội, nhưng buổi "chiếu bóng" trên tàu CSB 2015 trong vùng biển Hoàng Sa đã cung cấp cho chúng tôi những hình ảnh thực về sự ngang ngược và hung hãn của tàu Trung Quốc. Vừa "chiếu bóng" thuyền trưởng cùng anh em trên tàu vừa thuyết minh. "Đấy, con 46101 áp rất rát, chỉ cách nhau gần 2 liên", Sơn thuyết minh. "Ba con tàu 11, 3411, 44103 có vận tốc cao là đáng ngại nhất", anh em bình luận.

Buổi "chiếu bóng" trên biển Hoàng Sa tạm dừng khi có đàn cá heo bơi lội, vẫy vùng xung quanh tàu CSB 2015 như để chào những người mới ra. Đây là một buổi tối hiếm hoi mà chúng tôi có thể ngồi trên boong mũi của tàu để trò chuyện, tâm sự. Từ buổi đó cho đến tận tối chuyển tàu để về đất liền, chúng tôi không còn được ngồi trò chuyện yên ổn như thế nữa.

Giữa những "cơn sóng dữ"

Những cuộc khiêu khích trắng trợn và cố tình đâm va liên tục diễn ra như những con sóng trên Biển Đông. Nhưng giữa những con sóng là những khoảng lặng. Chính vào lúc đó, chúng tôi lại có những giờ phút bình yên để trò chuyện, để hiểu nhau hơn.

Một trưa, tôi sang bên buồng thủy thủ. Thấy một người đang lúi húi ngồi sửa chiếc quạt cây, tôi hỏi: "Quạt bị hỏng gì thế anh?" Thoáng ngẩng đầu lên nhưng phải một lúc mới trả lời: "Sóng lắc mạnh quá nên bị kẹt cơ ấy mà". Đó là Thượng úy Ngô Thế Đăng, nhân viên ngành 5, chuyên về điện. Khi Đăng rụt rè đề xuất: "Bác có cái điện thoại vệ tinh, cho em gọi nhờ một cú xem tình hình ở nhà thế nào có được không?" Tôi trả lời liền: "Được! Nhưng sau khi anh điện đọc tin về cơ quan lúc 6h00 chiều nhé!" Liên lạc xong với anh em tòa soạn, tôi đưa máy để Đăng gọi về nhà. Gặp mẹ, Đăng hỏi thăm và thông báo tình hình rất ngắn gọn: "Mẹ khỏe không?... Con khỏe. Tàu con vẫn an toàn. Cả nhà vẫn bình thường chứ?... Thế mẹ nhé! Điện thoại cơ quan của bác nhà báo nên phải tiết kiệm ạ!" Dứt lời, Đăng đã ấn vào nút cắt cuộc gọi. Cuộc gọi chỉ 47 giây. Thấy Đăng có vẻ muốn gọi nữa, tôi gợi ý nhưng Đăng dứt khoát: "Thế là tốt lắm rồi". Sau khi biết có thể nhắn tin qua điện thoại, Đăng lại rụt rè đề xuất: "Anh giúp em nhắn tin cho vợ em nhé". Đương nhiên là tôi không từ chối. Dưới đây là đoạn tin nhắn mà tôi đã xin phép Đăng để dùng nếu có đưa lên báo.

- Bố Đăng vẫn khỏe. Ba mẹ con ở nhà khỏe không?

- Khỏe. Mọi việc bình thường. Sao bố dùng số này?

- Bố nhớ ba mẹ con lắm! Điện thoại của bác nhà báo.

- Ba mẹ con nhớ bố lắm! Linh hay nhắc bố luôn! Hai đứa lớn cao và đáng yêu nữa. Bố cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Ở nhà vẫn khỏe.

Đăng hớn hở quay về buồng. Thấy nét vui vẻ hiện rõ trên mặt Đăng, Đại úy Nguyễn Hải Sơn đang nằm một góc liền nhỏm dậy hỏi: "Điện được à! Anh cho tôi gọi về nhà một cú nhé. Mẹ tôi đang bị ốm". Đương nhiên là tôi lại đồng ý. "Mạ à! Mạ khỏe hơn chưa?... Các cháu khỏe chứ?... Con vẫn khỏe, công tác tốt. Mạ cứ an tâm".

Phút thư giãn hiếm hoi

Một chiều, sau khi hoàn thành một nhiệm vụ trên giao, tàu CSB 2015 cơ động quay về đội hình tàu của ta ở cánh Tây của giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981), anh em trên tàu rủ nhau cắt tóc, cạo râu. Những chỉ huy tàu như: Nguyễn Văn Thanh, Đặng Lê Sơn, Ngô Công Quý lần lượt được các tay kéo vững nhất tàu như Hiệp, Cường cắt tỉa gọn gàng. Khi điều khiển tàu trước nhiều tình huống khẩn cấp, những vị chỉ huy này ra lệnh dứt khoát, rõ ràng, thậm chí có lúc hét ra lửa. Nhưng giờ đây, trong vài giờ bình yên trên tàu, các vị chỉ huy ấy ngồi lành như đất để các chiến sĩ "gọt" tóc, "vặt" râu. Trên tàu CSB 2015, cũng như những con tàu đang thực thi pháp luật trên vùng biển Hoàng Sa, các chiến sĩ CSB sống với nhau như anh em ruột thịt.

Trừ những lúc phải cơ động, hầu như tối nào anh em trên tàu cũng rủ nhau vớt mực, vớt cá. Đầu tiên thả một chiếc đèn xuống phía mạn tàu hướng về đất liền. Tiếp đến là chuẩn bị vợt. Rồi đứng chờ. Lúc vui nhất là khi có người vớt được mực hoặc cá chuồn. Việc vớt mực, vớt cá mỗi tối vừa xả được những căng thẳng toan lo, lại có thêm nguồn thực phẩm cho tàu. Có hôm vớt được nhiều mực, nhiều cá, ăn không hết thì đem phơi khô hoặc phơi một nắng để ăn dần.

Mỗi lần đèn được bật lên, đứng chờ phù du vào ăn đèn tôi lại nhớ đến những đêm thức câu cá cùng với Đại tá Nguyễn Xuân Phú, ngày đó đang là Chủ tịch huyện đảo Trường Sa (từ 7 năm trước). Ngày đó, Đại tá Phú thường được lính Trường Sa từ già đến trẻ gọi là bố Phú. Bố Phú bảo tôi rằng, bật đèn sáng để phù du vào ăn đèn. Có phù du thì mực nhỏ, cá nhỏ sẽ đến ăn phù du. Có mực nhỏ, cá chuồn nhỏ thì sẽ có mực lớn và cá chuồn lớn vào ăn mực nhỏ, cá chuồn nhỏ. Sau khi vớt được cá chuồn lớn hoặc mực lớn, bố Phú dùng làm mồi để câu các loại cá lớn hơn như thu bè, có con nặng đến 35 cân hoặc mực đại dương có con nặng tới 30 cân. Rồi bố Phú kết luận: "Ở đời đúng là cá lớn nuốt cá bé". Tôi nhớ như in những câu chuyện ông kể, những bài học ông dạy. Nhưng vẫn băn khoăn rằng, chẳng nhẽ trong một thế giới văn minh như hiện nay, quy luật "cá lớn nuốt cá bé" vẫn diễn ra? Liệu Trung Quốc có bất chấp mọi quy định của luật pháp quốc tế để xâm chiếm Biển Đông không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Hiếm hoi giây phút yên bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.