Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Cần cơ chế đặc thù

Tuấn Lương| 30/05/2022 07:11

(HNM) - Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô lớn, trải dài trên nhiều địa phương với không ít khó khăn, vướng mắc, trong khi theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2027… Để bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ chỉ có sự quyết tâm của các địa phương là không đủ mà phải có sự hỗ trợ rất lớn từ trung ương và các bộ, ngành liên quan thông qua việc cho phép Hà Nội và các địa phương trong phạm vi dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù.

Dự án đường Vành đai 4 được triển khai thực hiện sẽ góp phần giảm tải giao thông cho đường Vành đai 3, tạo động lực phát triển kinh tế, giao thương trong Vùng Thủ đô.

Giúp rút ngắn tiến độ

Tại tờ trình về việc thẩm định nội dung cập nhật, bổ sung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù tương tự các cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/NQ15 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Lý giải về điều này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho rằng, dự án có nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng lớn tới việc triển khai như đi qua nhiều địa phương; khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, đặc biệt là các đoạn qua khu vực đô thị đông dân cư hay khu vực đất trồng lúa; có nhiều loại công trình khác nhau như đường cao tốc, đường song hành có thể thi công xây dựng độc lập; tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, phải tách dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thành 7 dự án thành phần nhằm bảo đảm tính khả thi và rút ngắn tiến độ.

Với nhóm dự án giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tách thành 3 dự án thành phần tại Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Các địa phương sẽ sử dụng linh hoạt vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho giải phóng mặt bằng và xây dựng theo tiến độ kế hoạch; cho phép bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng theo lộ giới xác định tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất hai bên đường trong giai đoạn 2026-2030, các địa phương sẽ cân đối trả vốn vay cho Chính phủ…

Xử lý được các “điểm nghẽn”

Đánh giá về các đề xuất cơ chế đặc thù của thành phố Hà Nội (cũng như đề xuất cơ chế đặc thù đối với tuyến Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong các vướng mắc về đầu tư công thì giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một, bởi đây là nhiệm vụ phức tạp, hệ lụy là chậm tiến độ, giải ngân vốn thấp. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông…) đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật, thường do các đơn vị chuyên ngành thực hiện. Nếu đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức. Do đó, việc cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng sẽ giúp rút ngắn thời gian.

Một số chuyên gia nhận định, đề xuất phân cấp cho địa phương không chỉ quan trọng đối với hai dự án vành đai trọng điểm của Vùng Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cách tiếp cận để đổi mới thể chế. Lâu nay, với các dự án đường vành đai chiến lược quốc gia, sự tham gia của cấp địa phương rất ít, có thể đó cũng là một trong những lý do gây chậm trễ, kém hiệu quả và quan trọng là làm chậm bước tiến của đất nước trong quá trình phát triển. Nếu giao cho địa phương làm, chắc chắn nỗ lực thực hiện của địa phương sẽ rất cao.

“Giao quyền cho địa phương thực chất là giao trách nhiệm. Nguyên tắc của phân cấp, phân quyền là cấp nào thực hiện tốt nhất thì nên để cấp đó làm. Tôi tin rằng việc này sẽ làm được bởi vì làm đường liên quan đến người dân, đến địa bàn, những việc này phải xử lý tại chỗ hằng ngày. Trung ương không thể bao quát hết mọi việc. Cho phép địa phương linh hoạt xử lý có thể giúp chúng ta giải quyết được những “điểm nghẽn”, những điểm lãng phí. Tuy nhiên, muốn địa phương làm tốt thì phải có giải pháp giám sát một cách thỏa đáng”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Liên quan đến vấn đề mỏ vật liệu phục vụ cho dự án, đại diện UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh đều khẳng định, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án lớn, các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng cơ chế điều phối và nguồn vật liệu bảo đảm đủ trữ lượng, chất lượng. Đồng thời có tổ chức kiểm tra, giám sát từng mỏ, thí nghiệm vật liệu trên công trường với sự tham vấn của các chuyên gia cũng như Bộ Giao thông - Vận tải.

“Chúng tôi đánh giá Hà Nội hoàn toàn đủ trữ lượng khai thác. Đây là điều kiện quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Dức Tuấn cho biết.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Cần cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.