Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Yên Kỳ: Chốn bình yên… chưa yên

Đức Trường| 09/07/2010 07:47

(HNM) - Nhiều gia đình ở Hà Nội có người thân đang yên giấc ngàn thu ở nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt (huyện Ba Vì). Văn Điển là nơi chôn người mới mất, còn Yên Kỳ là nơi những mộ phần đã được cải táng.


Chợ họp trong nghĩa địa

Khác hẳn với nghĩa trang khác như Thanh Tước, Văn Điển, Ngọc Hồi… hoặc những nghĩa trang nhỏ ở các vùng quê, ngay trong nghĩa trang, người ta dễ ngạc nhiên khi thấy chợ họp ngay bên lối vào. Ở "chợ Yên Kỳ" (cứ tạm gọi vậy), người dân bán đủ thứ, từ rau, quả, bê thui, tôm, cua, ốc… đến những thứ chuyên phục vụ cho nghĩa trang như hương, hoa, vàng, mã… Mọi người mời chào, níu kéo, mặc cả như ở bất kỳ cái chợ nào khác. Không rõ là các linh hồn ở Yên Kỳ có thấy dễ chịu về cái chợ này không? Bên ngoài đã vậy, đi sâu vào nơi đặt các phần mộ cũng chẳng thông thoáng gì. Có thể nói, để đi vào được phần mộ là cả một hành trình gian nan. Tất cả ngôi mộ ở khu này đều được xây gần nhau đến mức không còn lối vào bình thường mà phải giẫm, nhảy và đôi khi phải dùng bằng tay mới có thể tới được phần mộ để thắp hương, rồi người này đứng chen người kia vì không có chỗ đứng để làm lễ. Ngay cả nơi hóa vàng cũng chẳng có.

Đó là chưa kể đến chuyện người dân địa phương, già có, trẻ có cứ bám lấy người đi thăm mộ, tự ý làm mấy việc vặt rồi chờ được "trả công". Không ít trường hợp khi không được thù lao hoặc trả qua quýt đã văng tục, chửi bậy, thậm chí còn tỏ ý đe dọa sẽ phá mộ...

Khó quản…
Đem những chuyện bức xúc đó trao đổi với ông Phùng Văn Vinh, Trưởng nghĩa trang Yên Kỳ: "Chúng tôi cũng bức xúc lắm! Quả thực là chúng tôi cũng biết những chuyện đó và cũng có những biện pháp ngăn chặn như phối hợp với công an khu vực. Nhưng vì nghĩa trang rộng như thế lại không có tường rào, bốn phía là dân cư sinh sống, ai thích vào thì vào, thích ra thì ra, trong khi chỉ có 16 người trong tổ quản trang, nên quản không xuể". Ông Vinh giải thích, cái chợ đó là họp tự phát thường từ khoảng gần 8h sáng cho đến khi nào hết khách viếng mộ. Vào những đợt cao điểm cuối năm và đầu năm, mỗi ngày có hàng nghìn người đi thăm, viếng mộ, chúng tôi đã phải kết hợp với các lực lượng công an, dân phòng… để phân luồng giao thông và giữ gìn trật tự. Vào mùa thanh minh, ngày nào chúng tôi cũng tuyên truyền trên loa về những điều cấm, như không mang gia súc, gia cầm vào chợ bán, không chèn ép người đi viếng mộ, học sinh không được bỏ học để đi kiếm thêm tiền… Tình hình gần đây có chuyển biến so với trước nhưng vẫn rất phức tạp.

Ông Vinh cho biết, hiện nay trên diện tích rộng 37ha, nghĩa trang Yên Kỳ có gần 80.000 mộ có danh và hơn 20.000 mộ vô danh. Yên Kỳ còn 15.000m2 đất trống và sẽ có thể cải táng trong vòng 3 năm nữa. Với số lượng mộ lớn như thế, mỗi năm có không biết bao nhiêu gia đình có nhu cầu sửa sang, ốp đá lại cho phần mộ của nhà mình. Những gia đình nào có nhu cầu sửa mộ mà không vào ban quản trang đăng ký, chúng tôi cũng không thể bỗng dưng chen vào được mà chỉ có thể quản lý theo kích cỡ. Trước do chưa có kích cỡ phù hợp, nên nhiều gia đình xây sửa theo ý của họ làm cho mộ sửa sau to hơn mộ sửa trước. Nhưng, những khu mới bây giờ đã chấm dứt tình trạng đó và hàng lối ngay ngắn, rõ ràng.

Về vấn đề an ninh trật tự, những trường hợp sửa mộ rồi bị chèn ép thường là do gia đình nhờ một người dân địa phương trông nom, đến khi sửa mộ lại thuê một người khác nên dẫn đến mâu thuẫn. "Có trường hợp ở Khu C8 tôi phải gọi cả gia đình có mộ, bên trông nom, bên sửa mộ với sự chứng kiến của công an để giải quyết cho dứt điểm", ông Vinh cho biết và khẳng định chỉ khi nào tường rào xung quanh nghĩa trang Yên Kỳ được hoàn thành khi đó mới có thể quản nghĩa trang tốt hơn và cũng chỉ khi đó những bức xúc của người dân lên thăm mộ mới được giải tỏa.

Tiễn tôi về trong cái "trảng" cuối cùng của tháng Năm âm lịch (người dân ở đây có câu nói về số ngày nắng trong các tháng âm lịch "tháng 4, bốn trảng; tháng 5, năm trảng; tháng 6, sáu trảng"), Yên Kỳ chiều mùa hè bỗng tĩnh lặng lạ kỳ, ông Vinh nói nhỏ: "Tôi chỉ mong mọi người lên đây thắp hương cho tổ tiên đến lúc về cảm thấy trong lòng thanh thản". Và có lẽ những người có mồ mả của tổ tiên, họ hàng trên này cũng chỉ mong có vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Yên Kỳ: Chốn bình yên… chưa yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.