(HNM) - Cả hệ thống, từ sản xuất đến tiêu thụ chủ yếu nhỏ lẻ, các cửa hàng bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi nằm rải rác khắp các đường phố, ngõ xóm nên rất khó khăn cho các ngành chức năng...
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. |
Kiểm tra là ra… vi phạm
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước có 239 nhà máy chế biến TĂCN, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 nhà máy của doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp FDI. Số lượng nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài không nhiều nhưng đang chiếm 60-65% tổng sản lượng TĂCN sản xuất. Các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhưng chỉ chiếm phần còn lại. Thêm nữa, việc quản lý các cửa hàng kinh doanh TĂCN rất khó vì đa số nhà máy tổ chức sản xuất, dịch vụ cung ứng thức ăn qua hệ thống đại lý cấp 1, 2, 3. Nhiều thương lái đến cửa hàng mua sau đó về bán tại nhà, không chỉ làm đội giá mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.
Theo Bộ Công thương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiểm tra công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng thuốc thú y và TĂCN, trong 11 tháng năm 2015, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 652 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và TĂCN, xử lý 593 cửa hàng kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, thu giữ và tiêu hủy 7.726 gói thuốc thú y, 72.995kg TĂCN. Công tác quản lý TĂCN cũng còn nhiều bất cập do người sử dụng TĂCN chưa có đầy đủ thông tin về danh mục hàng hóa cấm sử dụng. Bên cạnh đó là tâm lý ham sản phẩm giá rẻ của người chăn nuôi nên bị các đối tượng sản xuất, kinh doanh TĂCN giả, kém chất lượng lợi dụng để tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.
Nhiều bất cập trong quản lý
Do số lượng cửa hàng TĂCN hiện nay quá lớn, mọi ngõ ngách trong thôn, bản, làng xã đều có cửa hàng kinh doanh TĂCN phục vụ nhu cầu của người sản xuất nên việc quản lý hết sức khó khăn. Việc mua bán, tiêu thụ cũng rất đa dạng, ngoại trừ một số trang trại lớn chủ động mua TĂCN của doanh nghiệp hoặc đại lý, phần lớn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều mua ở cửa hàng quen biết gần nhà.
Ngay như ở Hà Nội, hiện tại có 19.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thì có tới 14.000 cơ sở nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư nên rất khó phát hiện việc kinh doanh buôn bán "chất cấm" hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc. Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 50 cửa hàng kinh doanh TĂCN lớn nhỏ nằm trong các xã. Hầu như với các cửa hàng này, lực lượng chức năng không thể kiểm soát được số lượng hàng bán ra và số lượng chủng loại.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết: Hiện nay, công tác quản lý TĂCN ở trong nước đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh phối trộn trong thức ăn của gia súc, gia cầm vẫn diễn ra, nhưng các cơ quan chức năng không thể giải quyết triệt để vì cơ sở sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ.
Trong khi đó, nhân lực làm nhiệm vụ này quá mỏng, nhất là ở tuyến huyện, một người kiêm nhiều việc dẫn tới hiệu quả không cao. Đối với việc phát hiện vi phạm ở thôn, bản, làng xã, Ban chăn nuôi xã hoặc thú y viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là "chân rết" gần dân nhất, dễ phát hiện vi phạm nhất nhưng do chính sách đãi ngộ chưa cao, nên họ chưa nhiệt huyết trong công việc. Các hệ thống văn bản quản lý nhà nước về TĂCN vẫn chồng chéo, dẫn tới khó triển khai ở dưới cơ sở. Thậm chí, nhiều cửa hàng kinh doanh TĂCN không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn tồn tại và hoạt động nên thị trường TĂCN rất phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.