(HNM) - Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đánh giá: Nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế còn cao, an toàn hệ thống còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế xử lý dứt điểm, triệt để vấn đề này
Các ngân hàng tự xử lý và bán nợ
Thực hiện tái cơ cấu từ năm 2012, đến nay, hệ thống NHTM và TCTD đã giảm bớt 5 đơn vị thông qua sáp nhập, hợp nhất (Ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á). Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 3 NHTM cổ phần với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank và GPBank)... Sau quá trình tái cơ cấu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ. Số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc.
Theo thông tin mới nhất từ NHNN, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, chủ yếu là các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%) và bán nợ (bao gồm bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD - VAMC và tổ chức, cá nhân khác).
Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo các ngân hàng sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường tài chính. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, tính từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ 227.848 tỷ đồng. Hầu hết khoản nợ xấu đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện cách duy nhất xử lý nợ xấu là dùng ngân sách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Chính phủ trả nợ thay cho các doanh nghiệp, mà chỉ mua lại món nợ này bằng giá trị thị trường, sau khi được chiết khấu hợp lý. Đây cũng là cách Hoa Kỳ đã làm. Kết quả, Chính phủ không những thu lại số nợ mà còn có lãi, nhưng để làm được phải có đầy đủ công cụ, cơ chế, chính sách thị trường hóa nợ xấu.
Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng
Mặc dù cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các TCTD đạt kết quả bước đầu, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất an toàn hệ thống, song Nghị quyết số 05-NQ/TƯ cũng thẳng thắn đánh giá, việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn; nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế còn cao, an toàn hệ thống còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế xử lý dứt điểm, triệt để các TCTD yếu kém và nợ xấu. Vì vậy, trong yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước, Nghị quyết số 05-NQ/TƯ nhấn mạnh: Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các TCTD. Tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các TCTD; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM.
Nghị quyết số 05/NQ-TƯ cũng yêu cầu, ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các TCTD. Tiếp tục cơ cấu lại các TCTD; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ luôn cân nhắc việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém. Sau những giải pháp đã triển khai, Chính phủ cũng đề xuất những giải pháp mạnh hơn nhằm vừa tuân thủ nguyên tắc cơ chế thị trường, vừa bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, không để xảy ra hiệu ứng dây chuyền. TCTD nào còn có thể phục hồi được thì tái cơ cấu, TCTD không phục hồi được thì cho vào diện xử lý ngân hàng yếu kém.
Theo các chuyên gia, đi đôi với yêu cầu các NHTM tự xử lý, cũng cần nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ các ngân hàng một cách dài hạn. Cần phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp và quỹ đầu tư tài chính của nước ngoài qua các giải pháp tăng biên độ đầu tư, bán nợ, tài sản công để tạo thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm những ngân hàng mua 0 đồng bằng việc sáp nhập hoặc bán lại cho các ngân hàng khác theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu xuyên suốt của những giải pháp này là duy trì ổn định thanh khoản cho các ngân hàng trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chỉ tiêu về an toàn cho vay trung - dài hạn, cho vay bất động sản, kiểm soát tỷ giá, ngoại hối...
Còn nữa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.