Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Vay đạn pháo đánh giặc

Ngân Hạ| 21/12/2010 07:58

(HNM) - "Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ "Ba nhất" - đó là mục tiêu của Phong trào Thi đua Quyết thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho các đơn vị quân đội tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua năm 1961. Từ đó đến nay, quân đội ta luôn nêu cao tinh thần của phong trào thi đua, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế, liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn Pháo binh 68 - nơi khơi nguồn ngọn cờ "Ba nhất" - vẫn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu.

Đại tá Nguyễn Đức Giá (trái), Trung đoàn trưởng đầu tiên Trung đoàn 68, sôi nổi kể về những kỷ niệm “Ba nhất”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đại tá Nguyễn Đức Giá - Trung đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn Pháo binh 68 thời kỳ "Ba nhất" (những năm 1960), năm nay đã ở tuổi 86, rất hào hứng, khi kể về những câu chuyện "Ba nhất", đến bây giờ vẫn là niềm tự hào của quân đội.

Đầu năm 1960, với cách bắn tập trung, bắn chặn cố định của cán bộ, chiến sỹ mới được học tập, Trung đoàn 68 tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng núi Múc- Hòa Lạc. Đoàn tuyển thủ ngày đó gồm các cá nhân và đại đội thi bắn ngắm gián tiếp và trực tiếp đều quyết giành ngôi thứ xứng đáng. Cùng với huy chương vàng của các cá nhân, Đại đội 2 pháo 75mm thuộc Tiểu đoàn 10 của Trung đoàn 68 đã đoạt huy chương vàng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã biểu dương Trung đoàn với thành tích: Đơn vị bắn giỏi nhất, đoàn có nhiều người, nhiều đơn vị tham gia thi nhất, đoàn có thành tích đều nhất. Đại tướng còn khái quát thành tích của pháo binh Đoàn Vinh Quang (tên khác của Trung đoàn Pháo binh 68) là đơn vị "Ba nhất" (tức là giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất) mà tiêu biểu là Đại đội 2 được vinh dự là đơn vị "Ba nhất" đầu tiên trong toàn quân.

Phong trào thi đua "Ba nhất" đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động thành phong trào thi đua trong toàn quân. Ba phong trào thi đua "Đại Phong" trong nông nghiệp, "Duyên Hải" trong công nghiệp, "Ba nhất" trong quân đội trở thành ba ngọn cờ thi đua tiêu biểu của toàn miền Bắc trong những năm đầu 1960 thế kỷ trước. Đây cũng là niềm tự hào của Trung đoàn Pháo binh 68, một thành tích vẻ vang góp phần tăng thêm niềm tin vào thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Từ ngọn cờ đầu "Ba nhất", những chỉ huy đơn vị Trung đoàn pháo binh 68 đều lần lượt trưởng thành, trở thành những tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta. Đại tá Nguyễn Đức Giá cũng vậy. Mang theo niềm tự hào "Ba nhất" vào chiến trường Tây Nguyên, Đại tá Nguyễn Đức Giá quyết tâm xây dựng "Ba nhất" của Trung đoàn phải nhân lên thành của Sư đoàn và hơn thế nữa". Chiến trường Tây Nguyên năm 1973 rất ác liệt, dù ta đang ở thế áp đảo. Trận đánh cứ điểm Con - Roc, nơi lính mũ nồi xanh thiện chiến của Mỹ phòng ngự phía bắc Kon Tom được Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên lúc đó là Tướng Vũ Lăng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn.

Sau một thời gian, những trinh sát giỏi nhất của Sư đoàn đã xác định được 35 mục tiêu pháo kích chế áp để mở đường cho quân ta tiến lên. Trước ngày khai hỏa, Đại tá Nguyễn Đức Giá lên xin chỉ thị của Tướng Vũ Lăng mỗi mục tiêu cần 2 quả đạn pháo để tiêu diệt. Nhưng với tinh thần tiết kiệm đạn nhiều nhất, Đại tá Giá chỉ đề nghị xin 60 quả đạn. Tướng Vũ Lăng sau khi nghe báo cáo chi tiết về kế hoạch đánh táo bạo kéo pháo lên điểm cao hạ nòng nã thẳng vào căn cứ địch, chỉ duyệt cho đơn vị tướng Giá 40 quả đạn, với gợi ý đơn vị cần sáng tạo tinh thần "Ba nhất", 1 quả đạn bắn thẳng có thể tiêu diệt cùng lúc 2 mục tiêu.

Nhận chỉ thị xong, Đại tá Nguyễn Đức Giá trên đường về đơn vị lo lắng không yên. Gặp lại cán bộ cấp dưới ở Trung đoàn Pháo binh 68 là Đại tá Quỳnh đang chỉ huy một đơn vị pháo binh tại chiến trường Tây Nguyên, ông chỉ huy cũ nảy ngay "sáng kiến" vay luôn 20 quả đạn pháo để đánh giặc. Cũng phải khơi dậy biết bao kỷ niệm cũ ở cái nôi "Ba nhất" và phải hứa lên hứa xuống "chuyện này chỉ chúng mình với nhau thôi, không cho Tư lệnh Vũ Lăng biết" người thủ trưởng cũ mới vay được số đạn kèm theo lời hứa "trả lãi" 10 viên sau khi thắng trận.

Trận đánh cứ điểm Con - Roc đó, bằng tinh thần "Ba nhất" được quán triệt và nâng lên ở cấp Sư đoàn, đơn vị của Đại tá Nguyễn Đức Giá chỉ dùng hết 52 viên đạn đã chủ động tiêu diệt 35 cứ điểm. Thắng trận giòn giã, từ Con - Roc với cách đánh sáng tạo, Sư đoàn "Ba nhất" lại giành thắng lợi ở cứ điểm Lắc - Bet, thu hơn 2.000 quả đạn. Gặp nhau trong "tiệc" khao quân giữa chiến trường, Đại tá Giá nói nhỏ với đồng đội hứa trả cả vốn lẫn lãi là 30 quả đạn và còn "hào phóng" bảo: "Muốn lấy bao nhiêu đạn cứ bảo tớ cân đối". Trong niềm vui chiến thắng đó, Đại tá Quỳnh cũng xuề xòa không lấy lại "vốn và lãi" để coi như "đầu tư" vào chiến thắng chung. Đến bây giờ, ở tuổi 86 mà Đại tá Nguyễn Đức Giá còn nhớ mãi lời ông Quỳnh hôm đó: "Quan trọng nhất là chiến thắng cuối cùng của ta, anh ạ. Cái nôi "Ba nhất" còn dạy chúng ta tinh thần đoàn kết keo sơn như anh em một nhà mới là cội nguồn mọi thắng lợi".

50 năm sau, mùa Đông năm 2010, trong buổi cựu binh Trung đoàn Pháo binh 68 năm xưa gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào chiều 26-11 vừa qua tại Phủ Chủ tịch, Đại tá Nguyễn Đức Giá thay mặt đồng đội cũ hứa: "Trong tâm tư suy nghĩ của mỗi cựu chiến binh một thời xông pha trận mạc, đến nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn hăng hái thi đua rèn luyện mình, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống vui, sống khỏe, sống có ích, giữ gìn phẩm chất người lính cụ Hồ. Chúng tôi, dù ở cương vị nào vẫn giữ mãi phẩm chất, danh dự cờ "Ba nhất".

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Vay đạn pháo đánh giặc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.