(HNM) - Trải qua một cuộc thi cam go để có chỗ trong giảng đường ĐH và mất một khoảng thời gian dài để đào tạo, thế nhưng khi cầm tấm bằng tốt nghiệp tham gia vào thị trường việc làm, nhiều kỹ sư, cử nhân không được nhà tuyển dụng chấp nhận vì không đáp ứng được nhu cầu công việc.
Băn khoăn: 2 hay 1
Trong khi cứ mỗi năm vẫn đều đặn từng lứa sinh viên tốt nghiệp ra trường, nguồn nhân lực vẫn thừa và chất lượng nhân lực vẫn yếu. Để kỳ thi ĐH, CĐ đóng góp đắc lực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chứ không dừng ở việc tuyển sinh, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, phần nhiều xoay quanh điểm sàn, nổi bật là vấn đề: Có nên phân điểm sàn làm 2 loại, điểm sàn cho đào tạo nhân tài và điểm sàn cho đào tạo nhân lực. Theo đó, nên có một mức điểm sàn tối thiểu để một thí sinh phải đạt mới được học ĐH dành cho những trường đào tạo nguồn nhân lực chung cho xã hội. Bên cạnh đó, sẽ có các mức điểm sàn khác nhau theo sự phân tầng ĐH, có thể rất cao cho các trường ĐH trọng điểm có sứ mạng đào tạo nhân tài.
Giảng đường Học viện Ngoại giao. Ảnh: Trần Hải |
Từ góc độ một ĐH vùng, Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui cho rằng, Bộ GD-ĐT nên đặt ra hai mức sàn, bên cạnh mức điểm sàn như mọi năm, nên xây dựng một mức cho những trường có chất lượng đào tạo chưa được đánh giá cao, những học sinh khó khăn. Mức điểm này có tính tới điều kiện học tập, trình độ thí sinh của từng khu vực. Tuy nhiên, mức sàn này chỉ áp dụng cho những ngành khó tuyển và những ngành xã hội có nhu cầu nhưng thí sinh không mặn mà. Ông Đặng Kim Vui cho biết, ĐH Thái Nguyên có tới hơn 50.000 lượt thí sinh dự thi mỗi năm nhưng số đạt trên điểm sàn chỉ khoảng 10%. Ý kiến trên tuy nhận được sự đồng tình của một số trường địa phương, song không khỏi có những băn khoăn về việc những ưu tiên có thể khiến chất lượng thí sinh thấp đi.
Chính các trường ngoài công lập, đang gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tuyển sinh, cũng không coi hai mức sàn là một lựa chọn tối ưu. Lãnh đạo một số trường cho rằng, đưa ra hai mức điểm sàn là có sự phân biệt, ảnh hưởng tới uy tín của trường ngoài công lập. Còn theo Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Lê Hữu Lập, việc phân loại điểm sàn không đơn giản bởi còn có các tiêu chí đi kèm. Hơn nữa, các trường được "phân tầng" ở nhóm trên thường không tuyển sinh ở gần mức điểm sàn, nên việc phân loại điểm sàn trở nên vô nghĩa. Điểm sàn phân theo khu vực cũng bất cập bởi thí sinh tại các địa phương vốn đã được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực. Ngoài ra, cũng như các lãnh đạo các trường ngoài công lập, ông Lê Hữu Lập cho rằng, những trường "hưởng" xếp hạng điểm sàn thấp lại càng không dễ tuyển sinh vì tâm lý thí sinh và xã hội sẽ có định kiến về uy tín và chất lượng đào tạo của nhà trường, dẫn tới khó xin việc làm sau khi tốt nghiệp.
Điểm sàn có quyết định chất lượng?
Bên cạnh việc tìm một cách xác định điểm sàn cho hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều chuyên gia đề cập tới việc thay vì quản chặt "đầu vào" (mà quy định về điểm sàn là điển hình), ngành giáo dục nên tập trung kiểm soát "đầu ra".
Theo ông Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Nguyễn Trãi: Quy định điểm sàn chỉ gây phiền hà và tốn kém tiền của, công sức của xã hội mà không giải quyết được vấn đề gì. Việc thí sinh có được học ĐH hay không chỉ cần căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình ở trường phổ thông là đủ. Quan trọng nhất là phải kiểm soát chất lượng đào tạo, siết chặt "đầu ra" bằng việc đào thải những sinh viên không đủ năng lực trong quá trình học. Ông Luận khẳng định, chất lượng đào tạo của một trường không nằm ở điểm sàn mà thể hiện ở quá trình học tập của sinh viên.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Trần Hồng Quân, chia sẻ: Điểm sàn không phải là yếu tố duy nhất để chứng tỏ chất lượng đào tạo, chính "đầu ra" mới phản ánh trung thực chất lượng nguồn nhân lực. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, thực hiện theo đúng Luật Giáo dục ĐH. Các trường sẽ căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của mình mà tự quyết định việc thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp cả hai hình thức để có lượng thí sinh phù hợp.
Không chỉ có các trường ngoài công lập tha thiết muốn bỏ điểm sàn, nhiều lãnh đạo trường công lập cũng đề xuất Bộ nên mạnh dạn để cho các trường tự xác định điểm sàn tùy điều kiện của trường mình. Rồi, chính cơ chế thị trường và nhu cầu của người học sẽ tự điều chỉnh và đưa ra câu trả lời về thực chất chất lượng đào tạo của mỗi trường. Sinh viên tốt nghiệp, sản phẩm của các trường sẽ là minh chứng rõ nhất. Ngoài ra, với một môi trường giáo dục ĐH đã có nhiều thay đổi, quan điểm, nhu cầu của người học đã có những ứng biến linh hoạt, đủ để đưa ra những sự lựa chọn thích hợp cho tương lai của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.