Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Thiếu chỗ dựa, ít cơ hội thăng tiến (tiếp)

Nhóm Phóng viên| 28/05/2012 06:51

(HNM) - Kết quả một cuộc khảo sát về thực trạng đời sống người lao động tại các KCN do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh mới thực hiện cho thấy, có đến 61,8% người được hỏi tự đánh giá họ sống thiếu định hướng, lý tưởng...


Khi tổ chức công đoàn chưa là bạn của công nhân

Phó Bí thư Đảng ủy các KCN, KCX TP Hồ Chí Minh Trần Thị Mỹ cho biết, tỷ lệ cơ sở đảng so với quy mô doanh nghiệp quá ít, chỉ là 18/1.000 doanh nghiệp. Số lượng đảng viên so với tổng số lao động là con số quá khiêm tốn, chỉ chiếm 0,1% (387/256.000 công nhân). Trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 6-2011, Đảng ủy KCN, KCX đã kết nạp được 335 quần chúng ưu tú vào Đảng. Ở những doanh nghiệp mà giám đốc, phó giám đốc là đảng viên thì chất lượng tổ chức cơ sở đảng có dấu ấn khá rõ. Những nơi bí thư chi bộ là người làm công ăn lương thì chi bộ khó tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt đảng chỉ gói gọn trong những nội dung của nội bộ đảng, của đảng ủy cấp trên chỉ đạo.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân các KCN - KCX.


Về tổ chức công đoàn, hiện trong 12 KCN, KCX có 700 tổ chức công đoàn cơ sở (tỷ lệ 80,7% so với số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập), với 175.000 đoàn viên (đạt 68% so với tổng số lao động). Có đến 72,5% các tổ chức công đoàn được đánh giá là hoạt động trung bình hoặc yếu. Riêng với đoàn thanh niên, có 45 tổ chức cơ sở đoàn với khoảng 3.500 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Những con số ấy hẳn nói lên nhiều điều về thực trạng các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong công nhân hiện nay ra sao.

Nếu gặp sự ngược đãi từ chủ doanh nghiệp, những khó khăn trong đời sống thì công nhân có cách gì để bảo vệ mình? Đem băn khoăn ấy ra trao đổi với một số công nhân, đa phần họ cho rằng phải "tự cứu mình". "Em chỉ biết có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên nhưng cũng ít tiếp xúc. Ngoài ra cũng không để ý lắm đến Luật Lao động đâu ạ" - Nguyễn Thị Hồng Trang - công nhân một doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô tại KCX Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh - tâm sự.

Chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric (KCX Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, tổ chức công đoàn muốn hoạt động tốt trước hết phải có được sự thông cảm, chia sẻ của chủ doanh nghiệp. Họ phải hiểu tổ chức công đoàn không phải là đối trọng mà là đại diện cho quyền lợi người lao động nên nếu hoạt động tốt sẽ hỗ trợ lại công tác sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. "Với Nissei, công ty đã xây khu lưu trú gồm 1.500 giường, đang xây tiếp một đơn nguyên 700 giường nữa. Công nhân vào ở đây được sử dụng điện, nước, máy giặt và chỉ phải đóng 20.000 đồng/người/tháng. Khu lưu trú còn có sân đấu bóng chuyền, phòng karaoke miễn phí, phòng internet giá 3.000 đồng/giờ, lớp học trang điểm, học võ cho nữ công nhân... Ngoài ra, định kỳ hàng quý, công đoàn tổ chức giao lưu văn nghệ, thi thiết kế thời trang, lập nhóm giúp đỡ công nhân mới vào học việc... Tổ chức công đoàn không chỉ là "cánh tay nối dài" của ban giám đốc mà cần phải là "người bạn" của công nhân" - chị Vân chia sẻ.

Song, tất cả những gì người lao động đã và đang phải chịu bởi chưa có tổ chức CĐ bảo vệ chưa phải là tất cả. Bởi bên cạnh đó tình trạng nợ lương, cắt trừ lương vô tội vạ, vi phạm chế độ về HĐLĐ, BHYT, BHXH, BH thất nghiệp, chế độ thai sản và tình trạng "lách" luật... cũng như các chế độ chính sách khác của chủ DN vẫn đang là gánh nặng đối với họ. Công nhân Nguyễn Thị Giang, quê ở Hưng Yên làm việc tại một công ty ở KCN Bắc Thăng Long bức xúc cho biết, ký hợp đồng lao động thời hạn một năm, khi thời hạn hợp đồng kết thúc cũng là lúc Giang mang thai 7 tháng và bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Việc này khiến Giang điêu đứng vì mất việc và mất cả chế độ thai sản, biết là thiệt thòi cũng đành chấp nhận vì luật chưa quy định cụ thể, nên DN đã "lách" luật. Tương tự, một số công nhân khác cũng ở KCN Bắc Thăng Long phản ánh, xin nghỉ phép ba ngày về quê, nhưng vì có việc đột xuất phải nghỉ năm ngày, khi trở lại làm việc thì bị công ty chấm dứt hợp đồng. Mặc dù biết rõ pháp luật lao động quy định, nếu nghỉ năm ngày không phép cộng dồn trong một tháng thì mới bị chấm dứt hợp đồng lao động và việc bị chấm dứt hợp đồng lao động của công ty là trái luật, nhưng cũng không biết làm thế nào vì công ty chưa có CĐ, nên không biết bấu víu vào ai để được bảo vệ quyền lợi.

DN nhiều, NLĐ đông, tổ chức đảng, đoàn thể ít

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, giai cấp công nhân nước ta phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và đa dạng về cơ cấu. Hiện nay, tổng số công nhân, viên chức, lao động nước ta có khoảng 13,2 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,6% dân số và 28% lực lượng lao động xã hội. Số công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trực tiếp trong các DN thuộc các thành phần kinh tế là hơn 9,5 triệu người; CNLĐ trong DN nhà nước chỉ chiếm khoảng 22%, DN tư nhân và tập thể chiếm 61,5%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 16,5%. Tính đến cuối năm 2011, tổng số đoàn viên CĐ là hơn 7,5 triệu người, trong đó có hơn 3,8 triệu đoàn viên thuộc khu vực nhà nước, gần 3,7 triệu đoàn viên thuộc khu vực ngoài nhà nước. Cả nước hiện có hơn 111 ngàn CĐ cơ sở (khu vực nhà nước có hơn 77 ngàn, khu vực ngoài nhà nước có gần 34 ngàn CĐ cơ sở) thuộc 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 20 CĐ ngành trung ương, CĐ Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

Theo nhận định của tổ chức CĐ, hầu hết các cuộc đình công, tranh chấp lao động từ nhỏ đến phức tạp, đều bắt nguồn từ tự phát. Sự tự phát bắt nguồn từ ý thức, nhận thức chính trị còn hết sức hạn chế của NLĐ nói chung là giai cấp công nhân. Thực tế cho thấy, ở đâu có tổ chức đảng, đoàn thể và các tổ chức đó phát huy được đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, thì ở đó có sự phát triển ổn định, quan hệ lao động hài hòa và ngược lại. Dẫn chứng cụ thể là, tại Công ty Stanley ở huyện Gia Lâm tuy là DN FDI, có chung đặc điểm như những công nhân ở DN tư nhân khác, đó là trình độ văn hóa, nhận thức chính trị rất hạn chế. Thế nhưng, điều khác biệt là, công ty có tổ chức đảng, đặc biệt CĐ ở đây hoạt động khá tích cực và bảo vệ khá tốt quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, đồng thời tham mưu tốt cho đảng ủy DN những vấn đề chính sách đối với NLĐ. Từ việc được chăm lo tốt, NLĐ "trả công" DN bằng sự nỗ lực, dốc sức làm việc, tạo ra sản phẩm, của cải vật chất có giá trị cao nhất và mang lại cho DN này sự phát triển bền vững.

Có một thực tế nan giải hiện nay, đó là nhiều người, đặc biệt là chủ DN ngoài nhà nước lý luận, tự ngụy biện cho việc không thành lập tổ chức đảng, đoàn thể do kinh tế khó khăn, DN phải tập trung cho việc tìm kiếm đối tác làm ăn, hợp đồng kinh tế, nên không có điều kiện, thời gian dành cho hoạt động đảng, đoàn thể. Trong khi DN né tránh việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể thì NLĐ cũng là tác nhân khiến DN càng cho rằng họ đúng. Rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về công tác phát triển đảng, đoàn thể trong DN ngoài nhà nước, nhiều cán bộ các cơ quan chức năng, đặc biệt là cán bộ CĐ - những người gần gũi nhất với NLĐ nói rằng, NLĐ với trình độ nhận thức chính trị hạn chế, luôn tự ty họ chỉ là người làm thuê, làm công ăn lương, thời gian, sức lực dành hết cho việc lao động kiếm tiền, không muốn và khó có thể quan tâm, tham gia hoạt động gì đó của các tổ chức. Rất ít NLĐ nhận thức được rằng, Đảng và các tổ chức đoàn thể là chỗ dựa mà họ được quyền dựa và tìm kiếm sự bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Thiếu chỗ dựa, ít cơ hội thăng tiến (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.