(HNM) - Người xưa để lại những câu nói chỉ sự gian nan khi chuyển nhà. Từ đấy mà hình dung ra cuộc
70 năm 3 triều vua
Họ Ngô gốc Đường Lâm - Sơn Tây ngày nay, xưng vương mở đầu giai đoạn độc lập, đóng đô Cổ Loa. Triều Ngô chính thức có ba vua (kể cả giai đoạn bị Dương Tam Kha tiếm quyền), ở ngôi từ năm 939 đến năm 967. Họ Đinh gốc Hoa Lư, đóng đô luôn ở quê, hai vua trị vì trong 12 năm, từ 968 đến 980. Nhà Tiền Lê gốc Thanh Hóa, cũng đóng đô Hoa Lư, ba đời vua ngự được 29 năm. Có cái chung giữa những tiên đế trên: đóng đô gần quê gốc, không gần phương Bắc lắm hiểm họa, cũng không dịch quá về châu Hoan phía Nam còn đang vắng vẻ.
Ba triều Ngô, Đinh, Tiền Lê đều lập được những chiến công cái thế: đánh tan Nam Hán, Chiêm Thành, Tống, dẹp loạn 12 sứ quân, chấm dứt tình trạng cát cứ. Nhưng đều “thọ” ngắn ngủi, cả thảy có 70 năm, lại loạn ly “đứt mạch” liên miên. Theo một cách nhìn nào đó, kinh đô, tức “ngôi nhà” của phong kiến Việt Nam bị “động”. Họ vua thay đổi liên tục làm đất nước an nguy, luôn luôn bị dòm ngó. Triều mới xóa bỏ ảnh hưởng triều cũ, triệt tiêu dòng giống của nhau, cảnh ấy khiến vị nào lên cầm quyền cũng nghĩ cách ở ngôi cho bền, kẻo con cháu bị nồi da nấu thịt. Đấy là điều Lý Công Uẩn không thể không nhận ra: Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp (Chiếu dời đô).
Xét theo “mệnh trời” là vậy. Nhưng theo quan điểm ngày nay, các đời vua trên chỉ đến tầm thủ lĩnh quân sự, dựa vào núi sông hiểm trở mà lập đô, cốt thủ hiểm. Hoa Lư có hệ thống sông Hoàng Long bao bọc, là con hào tự nhiên ngăn chặn kẻ xâm nhập, nhưng ra vào cách trở, buôn bán không thể dễ dàng. Dải núi đá, đồng bằng hẹp không cho bao nhiêu tài lực. Nắm quyền lực trong tay, lại chưa được giáo hóa đến nơi, người cầm quyền rất dễ coi thường thiên hạ, trở nên tàn ác. Đỉnh điểm có lẽ rơi vào đời Lê Long Đĩnh, ông vua giết anh cùng mẹ để cướp ngôi. Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người nước Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn dao cùn xẻo từng mảnh cho không được chết chóng (Đại Việt Sử ký toàn thư - TT). Phật giáo đang thịnh, mà vua để mía trên đầu sư Quách Ngang rồi “róc quá tay”. Chính thể như thế trong một xã hội “có lẽ là bán quân sự”, tuy có độc lập nhưng chưa thể gọi là ổn định. Chỉ phòng ngự để tồn tại, chưa thoát khỏi thế “kiến bò miệng chén”, nói thế có quá chăng? Và cái lẽ phát triển càng chưa thể tính đến được. Hẳn là “đêm trước” cuộc chuyển giao xã tắc sang tay dòng họ Lý, tình hình cực kỳ hỗn loạn, đầy rẫy nguy hiểm, khiến những tâm can nhạy cảm, trí tuệ lớn lao phải nung nấu cách thoát ra.
Vì nghiệp lớn
Việc dời đô ra chỗ bình địa, không núi sau sông trước làm hào lũy thiên nhiên để thủ hiểm có cái lý của nó. Thăng Long trống trải, xâm lăng tràn từ phương Bắc xuống dễ dàng hơn, có câu “phi chiến địa” đấy nhưng sau này bao phen đã bị thiêu trong ngọn lửa ngoại xâm. Đời Trần, Nguyên Mông đánh xuống, vua tôi buộc phải dùng kế vườn không nhà trống, đến (Hậu) Lê thì mấy chục năm để họ Mạc chiếm cứ, phải đóng trụ sở trong xứ Thanh. Một kinh đô mở quá thì mong manh. Bù lại, nhà Lý chọn những cái được khác.
Chẳng hạn, cứ đóng mãi trong vùng núi đá, để cho địch khó đánh mình, thì sự thể phát triển không thể mưu tính. Chỉ tính kế tồn tại không thôi thì mãi mãi phận ẩn náu, làm sao tỏ mặt ra thiên hạ. Giả dụ không ra Thăng Long thì mấy chục năm sau chắc gì triều Lý đã mở được các kỳ thi tuyển người tài theo tiêu chuẩn Nho giáo. Tống Bình - Đại La từ thời thuộc phủ đô hộ rất xa xưa đã là một trung tâm lớn, “đô cũ của Cao Vương” (Chiếu dời đô). Cao Vương tức Cao Biền, quan thời Đường, còn là một nhà địa lý. Trước đó, năm 824 đã có người đắp thành ở đây, thầy tướng bảo “Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ” (TT). Nhà Lý đã chọn được cả phần “địa lợi”, “thiên thời”. Đại La với hạt nhân Kẻ Chợ ắt là nơi giao thương ra đồng bằng xung quanh, hứng được sản vật miền núi cũng như Thanh Nghệ, vai trò kinh tế phải lớn hơn Hoa Lư nhiều.
Ngoài những “yếu tố duy vật” thuyết phục người ngày nay, cách đây cả nghìn năm, những truyền thuyết, câu sấm có tác dụng rất lớn, tác động vào tâm linh đương thời…
Có một yếu tố không thể không nhắc đến: dời đô về Thăng Long, nhà Lý lấy chỗ gần quê hương làm “nhân hòa”. Từ đây về Đình Bảng, Hoa Lâm… không xa, lại dễ trao đổi với những bậc tiên sư như sư Vạn Hạnh. Vua sinh ra lúc mới ba tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Vạn Hạnh chính là người khích lệ Lý Công Uẩn dứt triều Tiền Lê: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ (tức Công Uẩn) là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm giữ binh quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa”. Toàn thư cũng cho biết Vạn Hạnh mất năm 1025, tức 15 năm sau khi dời đô, thể nào cũng có ảnh hưởng rất lớn đến Thân vệ Công Uẩn - sau này là Lý Thái Tổ - trong các quyết định hệ trọng đến an nguy, tầm vóc đất nước.
Một người nữa cũng có vai trò lớn trong sự nghiệp Lý Công Uẩn là quan Chi hậu Đào Cam Mộc. Khi Lê Long Đĩnh băng hà để lại tiếng xấu “Ngọa Triều”, Đào Cam Mộc thăm dò ý tứ Công Uẩn, đứng ra “bàn” với các quan: Hiện nay dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không?” (TT). Cuộc chuyển giao họ vua được những trí tuệ, quyền lực lớn như vậy ủng hộ, đã diễn ra chóng vánh, không đổ máu và thuận lòng đa số.
Đại Việt sử ký toàn thư, cuốn sử “chính thống” qua nhiều triều đại, không chép nhiều về vai trò của sư Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc trong cuộc thiên đô. Chỉ biết rằng Công Uẩn lên ngôi được vài tháng, việc ấy đã diễn ra. 37 tuổi là giai đoạn chín của đời người, có thể quyết định những hành vi nghiêng trời lở đất. Nhưng thật khó hình dung là từ trước đó, cái sự ngắm nghía hiểm địa Hoa Lư, “muốn” dời đô ra bình địa Đại La đã không nằm trong suy ngẫm nung nấu của những trí tuệ cái thế nói trên. Dời khỏi Hoa Lư cũng đi xa xứ Thanh, nơi thế nào tâm lý vọng (Tiền) Lê cũng còn thịnh, về gần quê Kinh Bắc mình để được cái “nhân hòa” hợp với “thiên thời”, “địa lợi” mà mưu nghiệp lớn cho muôn đời con cháu.
Để rồi, trước là nhà Lý tồn tại những 215 năm, không ngắn ngủi như Ngô, Đinh, Tiền Lê, sau tới Trần, Hậu Lê cũng được dằng dặc. Và sau, “đón” Nho giáo vào hòa đồng với Lão, Phật cai trị đất nước, mở ra nền thái bình, tự chủ.
Sau này, nhà sử học Ngô Thì Sĩ nhận định: “Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp. Cho nên truyền ngôi hơn 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh, dân giàu, có thể gọi là đời rất thịnh trị. Các vua đời sau noi theo đều gìn giữ được ngôi vua, chống chọi với phương Bắc. Lý Thái Tổ có thể nói là một bậc vua biết mưu tính việc lớn đấy!”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.