Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động

Nhóm PV Nội chính ghi| 16/11/2016 06:33

(HNM) - Đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho rằng, để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái,


Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc:
Sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản

Nhân dân cả nước chăm chú theo dõi Hội nghị Trung ương 4 và sau đó là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với niềm tin và hy vọng. Lớp cán bộ về hưu đặc biệt quan tâm, nghiên cứu kỹ và rất mừng là: Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Nghị quyết đã đánh giá rõ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo đất nước ta vững bước đi lên.

Vấn đề được nhân dân quan tâm hàng đầu hiện nay là tệ tham nhũng chưa bị đẩy lùi. Cán bộ và nhân dân rất mừng là Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) qua đánh giá bước đầu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu lên một cách có hệ thống những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... và đưa ra 4 nhóm giải pháp. Cả 4 nhóm giải pháp có quan hệ mật thiết với nhau, song dưới góc độ người làm công tác dân vận - Mặt trận, tôi cho rằng cần coi trọng phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát, phát hiện các biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ: “Có dân là có tất cả”; “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống cần sớm sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, nhất là sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; quy định chặt chẽ việc thu hồi tài sản tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng; làm trong sạch đội ngũ làm công tác quản lý cán bộ ở tất cả các cấp.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, Hàm Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương:
Nhiều điểm mới, khẳng định quyết tâm chính trị

Về quan điểm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này, thứ nhất Trung ương xác định rõ phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó phải chú trọng “chống”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Thứ hai, tiếp tục khẳng định quan điểm kết hợp giữa đức trị và pháp trị, trong đó chú trọng pháp trị. Đây là điểm mới trong quan điểm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Về nội dung, đây là lần đầu tiên Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái, trong đó có 9 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó nhằm 3 tác dụng lớn: Thứ nhất, căn cứ vào khung biểu hiện suy thoái, mỗi cán bộ, đảng viên soi vào đó để xem mình có dính vào biểu hiện nào không để sửa chữa khắc phục. Thứ hai, là cùng soi vào đó mà góp ý với đồng chí của mình. Thứ ba, quan trọng hơn, với những biểu hiện này, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị nghiên cứu ban hành quy định có chế tài xử lý với cán bộ, đảng viên vi phạm, có biểu hiện suy thoái.

Để đấu tranh, khắc phục sự suy thoái, Nghị quyết đưa ra 4 nhóm giải pháp: Về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; với gần 30 nhiệm vụ cụ thể. Đơn cử, Trung ương giao Bộ Chính trị ban hành một quy định về kiểm soát quyền lực của những người có chức có quyền, xác định trách nhiệm của cá nhân trong từng công đoạn của công việc... nhằm khắc phục tình trạng lạm quyền, vượt quyền, lộng quyền. Lần này, việc tự phê bình và phê bình được tiến hành đồng thời ở các cấp chứ không làm từ trên xuống, nhằm tránh tình trạng cấp dưới nghe ngóng, trông chờ, bị động. Tất cả các cấp cùng tiến hành tự phê bình và phê bình; chọn bức xúc nhất tập trung chỉ đạo giải quyết tạo chuyển biến.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thái Học:
Lựa chọn kỹ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát

Giải pháp kiểm tra, giám sát mà Trung ương đưa ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là rất chính xác, cần thiết. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, chú trọng hơn nữa trong việc phát hiện sai phạm, khuyết điểm. Muốn công tác này phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng của mình, trước hết lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải thường xuyên chăm lo, theo dõi và chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Điều quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Những vụ việc nổi cộm như vụ Trịnh Xuân Thanh vừa qua xảy ra trong một thời gian dài mà không được ngăn chặn vì ở đây công tác kiểm tra, giám sát bị buông lỏng hoặc có làm nhưng thực hiện qua loa, chưa chú trọng đến việc phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định của Đảng.

Để thực hiện tốt các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là giải pháp kiểm tra, giám sát, song song với việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, các địa phương, đơn vị về tầm quan trọng của công tác này, từ đó cần lựa chọn, bố trí người làm công tác kiểm tra, giám sát ở các địa phương, đơn vị phù hợp. Đó phải là những con người có đủ phẩm chất năng lực, có bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đấu tranh cách mạng. Nếu người làm công tác kiểm tra, giám sát không có dũng khí đấu tranh thì không thể phát hiện ra những sai phạm và khi phát hiện ra sai phạm thì vấn đề xem xét, xử lý kỷ luật theo khuyết điểm, sai phạm đã được kết luận như thế nào lại đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.